Sau nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt gây hậu quả nghiêm trọng, công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với lĩnh vực đường sắt trở nên cấp bách và cần phải thực hiện ngay.
Sau nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt gây hậu quả nghiêm trọng, công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với lĩnh vực đường sắt trở nên cấp bách và cần phải thực hiện ngay.
Lối đi dân sinh đoạn qua phường Long Bình (TP.Biên Hòa) hiện đã được rào chắn cẩn thận, không để người dân tái phá dỡ như trước đây. Ảnh: T.Hải |
Từ đầu năm 2017 đến nay, Đồng Nai đã xảy ra 3 vụ tai nạn đường sắt (giảm 1 vụ), làm chết 5 người (tăng 2 người) và 7 người bị thương (tăng 6 người).
* Kinh nghiệm của các địa phương
Bàn về các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, đại diện Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết sẽ kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải cho làm ngay các gờ giảm tốc tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có rào chắn, cần chắn; đồng thời thu hẹp hành lang an toàn giao thông xuống dưới 3m để ngăn không cho phương tiện khác đi vào. |
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy toàn mạng lưới đường sắt hiện có 5.793 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ; tỷ lệ lối đi dân sinh chiếm 74% (gần 4,3 ngàn vị trí). Bình quân 1km đường sắt có 1,85 lối giao cắt. Đây chính là các điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt rất cao.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến hầu hết các vụ tai nạn đường sắt là do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang, như: không chú ý quan sát biển báo, tín hiệu đường ngang, tín hiệu của nhân viên gác chắn; không làm chủ được tốc độ để đâm vào tàu đang chạy qua đường ngang, hoặc cố tình vượt qua đường ngang khi đã có tín hiệu báo tàu đến…
Tại hội nghị trực tuyến về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý I-2017 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đề nghị phải có giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn các vụ tai nạn tại những vị trí giao cắt giữa đường bộ với đường sắt. Nhiều địa phương trước đây có tình hình TNGT đường sắt rất phức tạp, nhưng nhờ quyết liệt chấn chỉnh tình trạng trên nên hiện đã kéo giảm tai nạn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban An toàn giao thông TP.Hồ Chí Minh, số vụ tai nạn thời gian qua không xảy ra ở vị trí đường ngang dân sinh mà do vi phạm hành lang an toàn giao thông, như: người dân ngồi, đi vào giữa đường ray... Từ lâu, TP.Hồ Chí Minh đã cử lực lượng thanh niên xung phong tham gia gác chắn tại những lối đi dân sinh, trong khung giờ từ 6-22 giờ hàng ngày, nên đã hạn chế các sự cố về tai nạn đường sắt.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của thành phố liên tục rà soát, kiên quyết không để phát sinh, tồn tại đường ngang dân sinh trái phép; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Muốn làm tốt công tác này, TP.Hồ Chí Minh tiến hành xây dựng hàng rào bảo vệ dọc hai bên đường gom dân sinh giáp với đường sắt.
Tại Phú Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Kế San cho biết, địa phương có tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt rất phức tạp, với 92 vị trí đường ngang dân sinh tự mở. Để từng bước khắc phục những tồn tại này, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt thành lập 17 chốt cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có mật độ phương tiện qua lại đông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.
Hàng tháng, các địa phương trong tỉnh và ngành đường sắt đều tổ chức giám sát, kiểm tra trên tuyến đường sắt, nếu có sai sót, tồn tại là xử lý và khắc phục ngay. Nhờ đó, trong năm 2016, toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ TNGT đường sắt và quý I-2017 không để xảy ra vụ tai nạn nào.
* Không để phát sinh đường ngang trái phép
Lãnh đạo một số địa phương khác cho biết tình trạng người dân tự mở lối đi qua đường sắt rất phức tạp. Việc làm đường gom dân sinh sẽ góp phần hạn chế tình trạng này, nhưng đến nay các tỉnh, thành có đường sắt chạy qua không thể thực hiện được do thiếu kinh phí.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng nếu cứ trông chờ làm đường gom dân sinh khi chưa có đủ kinh phí thì không biết sẽ còn bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Việc trước mắt cần làm ngay là nâng cấp đường ngang có cảnh báo tự động thành đường ngang có gác, bổ sung biển báo, làm các gờ giảm tốc…
Tại Đồng Nai, ngay từ đầu tháng 3-2017, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp cùng chính quyền các địa phương rà soát 66 đường ngang dân sinh. Từ đó, các ngành chức năng thống nhất sẽ xây hàng rào, xóa bỏ hoàn toàn 54 đường ngang dân sinh và tổ chức cảnh giới 12 đường dân sinh tại TP.Biên Hòa, các huyện: Trảng Bom và Xuân Lộc. Trong đó, ở mỗi đường ngang, chính quyền địa phương sẽ cử 6 người chốt gác. Kinh phí cho nhiệm vụ này được trích từ nguồn xử phạt vi phạm giao thông, hoặc do các địa phương tự cân đối.
Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với ngành đường sắt khắc phục các vị trí mất an toàn tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến mọi đối tượng, đặc biệt là người dân sống dọc hai bên đường sắt. Từ nay đến cuối tháng 4-2017, Đồng Nai sẽ hoàn thành việc xây dựng hàng rào tại tất cả các đường ngang dân sinh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh phải kiên quyết không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép, đồng thời sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương và các đơn vị có liên quan nếu để người dân phá dỡ các lối đi dân sinh đã rào xóa. “Cần phải nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang đường sắt. Để xảy ra các vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng thời gian qua, một phần do công tác kiểm tra, xử lý không thực hiện quyết liệt và còn buông lỏng” - ông Vĩnh nhấn mạnh.
Thanh Hải