Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu, bia.
Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu, bia.
Lực lượng cảnh sát giao thông Trạm tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre kiểm tra nồng độ cồn với tài xế xe khách trên quốc lộ 1, đoạn qua huyện Xuân Lộc, theo hướng Bắc - Nam. Ảnh: T.HẢI |
Trong dịp tết, nguy cơ tai nạn do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn càng tăng cao.
Ám ảnh rượu, bia dịp tết
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa có công điện yêu cầu các cơ quan thành viên và ban an toàn giao thông các địa phương tiếp tục công tác bảm đảm an toàn giao thông sau tết và dịp lễ hội đầu xuân 2017. Trong đó, tập trung xử lý quyết liệt với các hành vi dẫn đến tai nạn giao thông, như: xe khách chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu…, đặc biệt là việc sử dụng rượu, bia khi đang điều khiển phương tiện. |
Trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2017 (từ ngày 27-1 đến 1-2), Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã cấp cứu 120 ca TNGT, trong đó có 1 ca tử vong, 39 ca chấn thương sọ não và hàng chục ca bị gãy tay chân, gãy xương mặt, giập gan… Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng đã cấp cứu cho 129 ca TNGT, với 20 ca chấn thương sọ não (5 ca tử vong do chấn thương sọ não nặng và đa chấn thương nặng). Đặc biệt từ mùng 2 tết (ngày 29-1), số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại đây tăng hơn 60% so với ngày thường.
Điều đáng báo động là có đến 40% trường hợp cấp cứu do TNGT có sử dụng rượu, bia. Trong đó, có những ca bệnh nhân hôn mê, ngưng thở, đa chấn thương, thậm chí tử vong; có những ca phức tạp, phải phẫu thuật nhiều lần nhưng tiên lượng rất nặng. Nhiều trường hợp nạn nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì đa chấn thương, hơi thở thì ngập ngụa mùi rượu, bia.
Chăm sóc con trai đang nằm điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Thống Nhất từ tối 29 tháng Chạp đến nay, bà Dương Ngọc Hoa (ngụ huyện Định Quán) cho hay sau khi nhậu tất niên ở nhà, anh K. (con bà Hoa) cùng nhóm bạn tiếp tục đi “tăng 2”. Khi anh K. vừa ra khỏi nhà khoảng 15 phút thì bà Hoa hay tin con mình gặp nạn, rồi tức tốc chuyển anh lên bệnh viện trong tình trạng hôn mê, cơ thể nhiều chỗ bị thương nặng. Sau 5 ngày điều trị tích cực, anh K. bắt đầu hồi tỉnh nhưng đến nay vẫn còn nằm bất động do lá lách bị giập, 2 chân bị gãy.
Bà Hoa chia sẻ thêm, trong vụ tai nạn hôm ấy, con bà bị thương nặng nhất, 2 thanh niên khác chỉ chấn thương phần mềm. Hậu quả để lại nặng nề không chỉ cho anh K., mà gia đình bà phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền thuốc men, điều trị cho anh với hơn 60 triệu đồng.
Thực tế cho thấy uống rượu, bia từ lâu đã trở thành thói quen trong sinh hoạt của người dân, đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Do đó, đây cũng là khoảng thời gian mà số vụ TNGT tăng cao và khá phức tạp so với ngày thường. Nếu trong dịp tết, tai nạn liên quan đến rượu, bia thường xảy ra trên địa bàn nông thôn thì sau tết xu hướng này tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố có đông công nhân, người lao động.
Tại những khu vực này vốn có mật độ dân cư cao, xe cộ đông đúc nên khi có chất men trong người, người điều khiển phương tiện thường không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém dẫn đến va chạm với những phương tiện khác. Người lái xe uống rượu, bia không chỉ gây tai nạn cho mình, mà còn “cướp” đi sinh mạng của rất nhiều người khác, gây tổn thất nặng nề cho gia đình và xã hội.
Xử lý người lái xe sử dụng rượu, bia
Những ngày này trên tuyến quốc lộ 1, các phương tiện xe khách, xe du lịch, ô tô cá nhân tăng cao so với những ngày bình thường.
Trung tá Bùi Xuân Thủy, Phó trưởng trạm Trạm tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh), cho biết nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia vi phạm nồng độ cồn vẫn cố tình điều khiển phương tiện. Vì vậy, cảnh sát giao thông đã bố trí lực lượng, phương tiện nhằm tập trung xử lý tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. “Sau tết nhưng mức độ sử dụng rượu, bia của người dân và khách tham quan đến các điểm du lịch vẫn còn cao, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Hậu quả tai nạn do vi phạm nồng độ cồn rất nặng nề; không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, mà có thể gây tai nạn với những người đi trên đường. Vì vậy, bên cạnh xử lý tình trạng phương tiện chở quá số người quy định, chúng tôi cũng tập trung kiểm soát việc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây tai nạn” - Trung tá Thủy nói.
Còn tại khu vực TP.Biên Hòa, nơi có nhiều tuyến đường tập trung các quán nhậu, nhà hàng ăn uống, việc lực lượng chức năng xử lý nghiêm những “ma men” sau các cuộc nhậu đến nay vẫn còn là mong mỏi của người dân. Trước đây, Công an TP.Biên Hòa từng ra quân xử lý tình trạng này, nhưng đến nay việc kiểm tra người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia ngay tại khu vực đông quán nhậu còn rất ít và buông lỏng.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP đưa ra các mức xử phạt hành chính về hành vi vi phạm giao thông khi uống rượu, bia hiện nay rất nặng. Nhiều trường hợp vi phạm có thể bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng. Vì vậy, để không còn xảy ra những hậu quả đau lòng vì TNGT do rượu, bia gây ra, thời gian tới lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường thực hiện nhiều lần, nhiều đợt việc xử lý nhằm tác động mạnh vào ý thức của dân nhậu.
Thanh Hải