Tại hội nghị về công tác cải cách tư pháp mới đây, đại diện các cơ quan tư pháp của tỉnh và chính quyền các địa phương đã nêu lên những vướng mắc trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án phức tạp, được dư luận quan tâm.
Tại hội nghị về công tác cải cách tư pháp mới đây, đại diện các cơ quan tư pháp của tỉnh và chính quyền các địa phương đã nêu lên những vướng mắc trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án phức tạp, được dư luận quan tâm.
Theo các cơ quan tư pháp, việc giám định giá trị thiệt hại, tài sản, chất lượng hàng hóa… trong quá trình thụ lý điều tra các vụ án về kinh doanh hàng lậu, hàng giả còn gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Hàng lậu bị công an thu giữ. |
Cụ thể, ngoài những khó khăn trong quan điểm xử lý của các cơ quan tố tụng, còn có những tồn tại do nguyên nhân khách quan từ các quy định của pháp luật cần được tháo gỡ.
* Tìm biện pháp cho những vụ án phức tạp
Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Trần Văn Tư yêu cầu các cơ quan tư pháp, cấp ủy chính quyền các địa phương phải xem xét đánh giá đúng mức công tác cải cách tư pháp. Đối với những vướng mắc về quan điểm xử lý các vụ án, các ngành phải tìm cách tháo gỡ. Trong quá trình giải quyết các vụ án, các cấp ủy Đảng phải tạo điều kiện và chỉ đạo các cơ quan tư pháp thực hiện giải quyết các vụ việc một cách hiệu quả nhất theo quy định của pháp luật. “Các cấp ủy Đảng chỉ tạo điều kiện, chỉ đạo, chứ Đảng không làm thay việc của các cơ quan tư pháp” - đồng chí Trần Văn Tư nhấn mạnh. |
Phó bí thư Thành ủy Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt cho biết thời gian qua trên địa bàn TP.Biên Hòa đã xảy ra những vụ án phức tạp, dư luận quan tâm, nhưng quá trình điều tra cơ quan tố tụng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Đạt, một số vụ như: xông vào trụ sở tạm của UBND phường Trung Dũng đánh chém; xông vào nhà gây thương tích cho ông tổ trưởng dân phố ở phường Tân Phong... khiến dư luận rất quan tâm. Sau khi sự việc xảy ra, Thường trực Thành ủy Biên Hòa đều có họp chỉ đạo các ngành của thành phố tập trung điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, giữa các cơ quan tố tụng của thành phố chưa có sự thống nhất nên phải xin ý kiến các cơ quan chuyên môn cấp trên để tìm giải pháp xử lý.
Đối với một số vụ án lớn liên quan đến công tác giám định, như: vụ sà lan đâm hỏng cầu Hóa An, sập cầu Ghềnh; các vụ án về kinh doanh - sản xuất hàng gian, hàng giả… cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, khi bắt tay vào công tác điều tra, các cơ quan tố tụng đều vướng vấn đề giám định giá trị tài sản bị thiệt hại, giá trị và chất lượng các mặt hàng được cho là hàng gian, hàng giả… Điều đó khiến các vụ án kéo dài, có vụ không xử lý được.
* Gỡ khó từ công tác đầu vào
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, so với năm 2015, nhận thức về công tác cải cách tư pháp của cán bộ, công chức và lãnh đạo chính quyền các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực; tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp ngày càng được củng cố, hoàn thiện, chất lượng hoạt động tư pháp từng bước được nâng lên. Trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án, các cơ quan tư pháp đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế cải cách tư pháp vẫn còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ ngay từ đầu để việc giải quyết các vụ việc liên quan được thuận tiện.
Nói về công tác điều tra các vụ án, Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho biết công tác điều tra của lực lượng công an thời gian qua vẫn còn xảy ra một số vụ án oan, sai, kéo dài. Để xảy ra những tồn tại đó một phần do trình độ, năng lực của điều tra viên, bắt nguồn từ việc xem xét bổ nhiệm chức danh điều tra viên của hội đồng bổ nhiệm chức danh tư pháp. Theo Đại tá Kim, hội đồng bổ nhiệm chức danh tư pháp có nhiều người không phải trong cơ quan điều tra nên không thẩm định được trình độ, năng lực của người được bổ nhiệm.
Nói về những vụ án thường gặp khó, vướng mắc kéo dài trong quá trình điều tra, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Huỳnh Văn Lưu cho biết tại một số địa phương, một số vụ án xảy ra dù tính chất, thiệt hại tài sản thuộc thẩm quyền cấp tỉnh nhưng cơ quan điều tra cấp huyện vẫn khởi tố, rồi chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện phê chuẩn. Đến khi điều tra thấy vướng, các cơ quan này mới chuyển hồ sơ cho cấp tỉnh thụ lý. Tuy nhiên, theo ông Lưu, các trường hợp này thường là án phê chuẩn rồi mà không điều tra được; khi cơ quan cấp tỉnh vào cuộc thì án đã bị kéo dài, hồ sơ, chứng cứ ban đầu không được thu thập đầy đủ, rất dễ dẫn đến án oan sai, bỏ lọt tội phạm… “Thời gian tới, chúng tôi sẽ trao đổi với các cơ quan cấp huyện để thống nhất việc này: án cấp nào thì để cho cấp đó điều tra ngay từ đầu” - ông Lưu nhấn mạnh.
Chia sẻ với ý kiến của ông Lưu, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hồ Văn Năm cho biết thời gian qua ở một số địa phương, như: Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ… đã có những vụ án không có sự thống nhất giữa các cơ quan tư pháp, dẫn đến phải xin ý kiến của cơ quan cấp trên. Đây là những tồn tại cần phải tháo gỡ trong thời gian tới. Ông Năm cũng cho biết, hiện tỉnh đã xin ý kiến cho thành lập trung tâm giám định tư pháp để kịp thời giải quyết các vụ án nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật.
Trần Danh