Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho biết Sở tổ chức các buổi đối thoại nhằm phát huy vai trò công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân và để chia sẻ với những người làm công tác này.
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho biết Sở tổ chức các buổi đối thoại nhằm phát huy vai trò công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân và để chia sẻ với những người làm công tác này.
Cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Xuân An (TX.Long Khánh) Nguyễn Thị Anh Thư nêu ý kiến thắc mắc về nghiệp vụ. |
* Làm đúng nghị định dân nghĩ làm phiền
Tại buổi đối thoại, một trong những vấn đề được cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã phản ánh với lãnh đạo Sở Tư pháp là tại điểm g, Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an ngày 4-4-2014 quy định: “Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân được công chứng hoặc chứng thực tại UBND xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực”.
Quy định đó hiện vẫn còn hiệu lực áp dụng, dẫn đến việc người dân khi liên hệ cơ quan công an làm thủ tục đăng ký sang tên thì được hướng dẫn làm giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân theo mẫu. Tuy nhiên, vào ngày 16-2-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (gọi tắt Nghị định 23). Trong đó, Khoản 4, Điều 25 Nghị định 23 có quy định những trường hợp không được chứng thực chữ ký, gồm: “Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp quy định tại điểm d, Khoản 4, Điều 24 của nghị định này, hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Qua đối thoại, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đề nghị Sở Tư pháp xem xét, có ý kiến với Sở Nội vụ liên quan đến việc chuyển đổi công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27-10-2007 của Chính phủ. Thực tế chuyển đổi vị trí công tác đối với chức danh công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đã gây ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đối với chức danh này. Bởi, nhiệm vụ tư pháp đòi hỏi ngoài trình độ và năng lực, còn cần phải có nhiều kinh nghiệm công tác, nhất là nhiệm vụ đăng ký, quản lý hộ tịch. Khi chuyển đổi vị trí công tác, công chức mới chuyển đổi phải bắt đầu lại từ đầu trong việc nắm tình hình địa phương liên quan đến công tác hộ tịch. Trong khi công chức địa phương làm việc lâu năm am hiểu chuyên môn, tình hình đăng ký, quản lý hộ tịch tại địa phương và rất thuận lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ này. |
Cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Xuân An (TX.Long Khánh) Nguyễn Thị Anh Thư phân tích, giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân thực chất là hợp đồng mua bán nên cần phải được lập hợp đồng, phải được công chứng theo quy định của Luật Công chứng và chứng thực hợp đồng theo quy định Nghị định 23.
Cũng theo bà Thư, khi người dân đến UBND xã, phường yêu cầu chứng thực chữ ký việc mua, bán, cho, tặng xe, cán bộ tư pháp - hộ tịch từ chối, giải thích đây không thuộc trường hợp chứng thực chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của Nghị định 23, chứ không phải theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an, dẫn tới việc người dân cho rằng công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã gây khó dễ, nhũng nhiễu, tiêu cực.
Đồng quan điểm với bà Thư, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Phú Xuân (huyện Tân Phú) Trần Quang Hiếu bày tỏ, nếu thực hiện đúng quy định tại điểm g, Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 15/2014 của Bộ Công an thì trái với Nghị định 23 của Chính phủ. Còn cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã tuân thủ Nghị định 23 và hướng dẫn dân lập hợp đồng để chứng thực thì phát sinh thắc mắc, khiếu nại của người dân. Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ Công an cần nghiên cứu, rà soát quy định tại điểm g, Khoản 1, Điều 10 của Thông tư số 15/2014/TT-BCA để đảm bảo sự tương thích, phù hợp với các quy định của pháp luật.
* Lắm nỗi niềm
Theo phản ánh của các cán bộ tư pháp - hộ tịch, việc luân chuyển công chức tư pháp - hộ tịch từ địa phương này sang địa phương khác công tác hiện gặp khó khăn, như: công tác xa nhà mất nhiều thời gian; chi phí tốn kém mà không có phụ cấp hoặc đãi ngộ... Điều đó ảnh hưởng tới công việc chuyên môn, như: xác minh tình trạng hôn nhân, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, kết hôn; khi tổ chức hòa giải ở cơ sở cán bộ tư pháp không biết dân nên không nắm được phong tục tập quán của địa phương, hiệu quả công tác hòa giải thấp. Riêng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khó thực hiện, bởi phải lồng ghép trong các sinh hoạt của các tổ nhân dân vào buổi tối mà công chức tư pháp không thể tham dự do nhà xa…
Ngoài ra, khi luân chuyển, cán bộ tư pháp - hộ tịch còn gặp phải khó khăn về chuyên môn, như: công tác lưu giữ hồ sơ đăng ký quản lý hộ tịch, di chúc, văn bản phân chia tài sản, hợp đồng chuyển nhượng…
“Mỗi cán bộ có cách lưu giữ khác nhau, khi cần trích lục thì không nhớ hồ sơ đó nằm ở đâu, còn cán bộ mới luân chuyển đến không biết chỗ nào mà trích lục. Điều đó gây khó cho người dân, cũng như việc làm các báo cáo sơ kết, tổng kết” - công chức tư pháp - hộ tịch xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) Lu Nhật Đồng nhấn mạnh.
Từ đây, các cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã kiến nghị rằng, việc chuyển công chức tư pháp - hộ tịch sẽ khó cho vấn đề quy hoạch cán bộ, các cán bộ trẻ và giỏi ở địa phương (vì họ không có cơ hội thăng tiến, những cán bộ tuổi trên 50 khó có sức khỏe thực hiện chuyên môn). Đồng thời, cần rà soát lại việc bất hợp lý về nhân sự (xã có dân số 5-10 ngàn dân cũng có biên chế 2 công chức tư pháp - hộ tịch như xã có dân số 20-30 ngàn dân trở lên là không hợp lý). Bởi vì, các xã đông dân như trên chỉ có 2 công chức thì không thực hiện hết nhiệm vụ (chỉ có công chức cũ quen công việc, thông thuộc địa bàn mới thực hiện được), còn các công chức mới và công chức luân chuyển không thực hiện hoàn thành tốt được nhiệm vụ.
Đoàn Phú