Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyền dân sự của người lao động trong Bộ luật Dân sự

10:11, 28/11/2016

Công nhân, người lao động tham gia lao động, hoạt động sản xuất - kinh doanh chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), Bộ luật Lao động năm 2012 và các luật, văn bản pháp luật có liên quan.

Công nhân, người lao động tham gia lao động, hoạt động sản xuất - kinh doanh chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), Bộ luật Lao động năm 2012 và các luật, văn bản pháp luật có liên quan.

Ông Lê Minh Tuấn, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, tư vấn pháp luật cho người lao động.
Ông Lê Minh Tuấn, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, tư vấn pháp luật cho người lao động.

Tuy nhiên, vẫn còn quy định chưa đảm bảo đầy đủ quyền dân sự cho đối tượng công nhân, người lao động trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và sở hữu trí tuệ.

Thực trạng

Khoản 2, Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: “Người lao động được cấp sổ và quản lý sổ bảo hiểm xã hội”. Ông Nguyễn Minh chỉ rõ, trong thực tế thì chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động đều thực hiện việc quản lý sổ bảo hiểm xã hội của công nhân, người lao động. Công nhân, người lao động không được biết việc mình đã đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng, hàng năm ra sao. Đó chính là kẽ hở để doanh nghiệp, người sử dụng lao động trốn tránh trách nhiệm hoặc thực hiện không đúng việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng Nai có gần 1 triệu lao động đang làm việc tại các loại hình doanh nghiệp. Hiện vẫn còn một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa thực hiện đúng pháp luật dẫn đến thiệt thòi quyền lợi của người lao động. Vì vậy, công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động cần được quan tâm hơn.

Ông Nguyễn Minh, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp). cho biết trong thực tiễn thực hiện quyền dân sự đối với đối tượng là công nhân lao động đang làm việc tại một số công ty, vẫn còn xảy ra một số phát sinh khó thực hiện quyền dân sự theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Lao động năm 2012 trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quyền sở hữu trí tuệ. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động không thực hiện hoặc thực hiện trái pháp luật về lao động, Luật Sở hữu trí tuệ luôn gây khó khăn trong việc thụ lý giải quyết của các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền dân sự cho người lao động trong lĩnh vực này.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, đây là vấn đề đã và đang xảy ra trong thực tiễn quan hệ lao động, hoạt động của các doanh nghiệp đang sử dụng lao động hiện nay. Trong những năm qua, việc thiếu trách nhiệm của người sử dụng lao động trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của công nhân lao động xảy ra không hiếm. Điều này đã gây thiệt hại trực tiếp đến quyền dân sự của người lao động và chính sách chi trả bảo hiểm cho người lao động.

Vẫn còn thiếu quy định

Theo các chuyên gia pháp luật về lao động, trong Bộ luật Dân sự năm 2015 không có điều khoản nào quy định việc bồi thường thiệt hại do lỗi của người sử dụng lao động gây ra trong việc không đóng bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm y tế cho người lao động. Tuy vậy, điểm đ, khoản 2, Điều 6 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Người sử dụng lao động thực hiện các quy định khác của pháp luật lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế”. Tương tự, tại khoản 2, Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động: “Việc đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hàng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại Điều 85 của bộ luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội”.

Ông Nguyễn Minh phân tích, trong thực tiễn thực hiện quy định này, người sử dụng lao động vẫn trừ tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng của người lao động trên quỹ tiền lương, nhưng họ không thực hiện việc chuyển kinh phí đã trích của người lao động vào quỹ bảo hiểm xã hội, hoặc kê khai danh sách lao động cho quỹ bảo hiểm xã hội thấp hơn danh sách lao động thực tế tại đơn vị mình. Khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể thì quyền lợi được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ không được hưởng (vì Bộ luật Dân sự cũng như Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động không quy định chi tiết vấn đề này). Do đó, câu hỏi đặt ra là: “Ai phải thực hiện việc bồi thường này? Thủ tục khởi kiện đòi bồi thường vấn đề này theo trình tự tố tụng dân sự nào, hay là khiếu nại?”.

Ông Nguyễn Minh cho rằng trách nhiệm bồi thường và chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nên được xem là lĩnh vực dân sự, được điều chỉnh theo pháp luật về dân sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi về việc tự khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại khi chủ sử dụng lao động cố tình không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; đồng thời hạn chế thất thoát tiền của người lao động trong việc trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhưng doanh nghiệp không đóng.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều