Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng khống tiền suất ăn của trẻ mầm non, tiền ai lấy?

10:11, 14/11/2016

Hiệu trưởng trường mầm non có hành vi nâng khống tiền ăn của các cháu mầm non trong trường để tạo ra một khoản tiền chênh lệch hơn 25 triệu đồng.

Hiệu trưởng trường mầm non có hành vi nâng khống tiền ăn của các cháu mầm non trong trường để tạo ra một khoản tiền chênh lệch hơn 25 triệu đồng. Tuy nhiên, khi cơ quan thanh tra của huyện vào cuộc vẫn không thể kết luận ai là người chiếm đoạt tiền(!?).

* “Kê thêm” tiền suất ăn của trẻ mầm non

Điều 280 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này, hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 1-6 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 6-13 năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt nguy hiểm; c) Phạm tội nhiều lần; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác”.

Thực hiện Quyết định số 617/QĐ-UBND ngày 17-3 của Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất về thanh tra việc quản lý, sử dụng tài chính ngân sách và các hoạt động tài chính khác tại Trường mầm non Hoa Cúc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), sau khi tiến hành thanh tra (thời điểm kiểm tra là 2 năm 2014 và 2015), vào ngày 20-6, UBND huyện có kết luận thanh tra liên quan đến một số sai phạm nghiêm trọng của bà T.T.N.B., Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Cúc. Tuy nhiên, nội dung bản kết luận thanh tra vẫn còn nhiều điểm mập mờ.

Cụ thể, việc bà B. chỉ đạo làm hồ sơ khống, chứng từ thuê mướn nhà để rút 9 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước chi cho các hoạt động của trường. Mặc dù bà B. giải trình bằng việc phải lập hồ sơ khống để rút tiền ngân sách chi cho tiền điện, tiền nước, nhưng điều này vi phạm quy định Luật Ngân sách năm 2002 và các quy chuẩn hiệu trưởng trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 17/2011/TT-BGDĐT ngày 14-4-2011 của Bộ GD-ĐT.

Nghiêm trọng hơn, bà B. đã thực hiện việc cắt bớt khẩu phần ăn của các cháu bé (như việc nâng cao chủng loại, khối lượng và đơn giá để thanh toán bằng số tiền đã thu) trong 2 năm 2014 và 2015, với tổng số tiền hơn 25 triệu đồng. Điều này vi phạm điểm a, khoản 6, điều 6 (huy động và sử dụng đúng quy định của pháp luật về các nguồn tài chính phục vụ hoạt động nuôi dưỡng chăm sóc và giáo dục trẻ); điểm c, khoản 2, điều 4 (không lợi dụng chức vụ quyền hạn vì mục đích vụ lợi) quy định chuẩn hiệu trưởng trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 17/2011/TT-BGDĐT ngày 14-4-2011 của Bộ GD-ĐT.

Ngoài ra, bà B. còn thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, thực hiện đề án sữa học đường gây thất thoát, hư hỏng 126 hộp sữa.

* Ai chiếm đoạt tiền nâng khống?

Sau khi có kết luận về sai phạm của Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Cúc, vào ngày 15-9, Hội đồng kỷ luật huyện đã họp và quyết định hình thức kỷ luật đối với bà B. là kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Về vấn đề này, đại diện Phòng Nội vụ huyện Thống Nhất cho rằng, vì kết luận thanh tra không xác định số tiền hơn 25 triệu đồng do bà B. chiếm đoạt nên không có cơ sở xử lý kỷ luật nặng hơn đối với bà.

Điều đó có nghĩa, Thanh tra huyện chưa làm hết trách nhiệm khi tiến hành thanh tra và lập lờ khi không xác định rõ ai là người đã chiếm đoạt số tiền nâng khống. Điều ngạc nhiên hơn là dù không xác định người chiếm đoạt tiền, nhưng kết luận thanh tra lại buộc bà B. phải nộp lại số tiền này để khắc phục hậu quả. Câu hỏi đặt ra là, nếu không xác định bà B. chiếm đoạt tiền, sao lại bắt bà nộp tiền khắc phục hậu quả?

Một chuyên gia pháp luật cho rằng, theo nội dung kết luận thanh tra thì bà B. đã có hành vi vi phạm (nâng khống tiền ăn của các cháu bé), có số tiền thất thoát (hơn 25 triệu đồng), có thời gian nâng khống (năm 2014, 2015), nhưng lại không có người chiếm đoạt là quá vô lý. Việc nâng khống đương nhiên phải có mục đích (có thể là chiếm đoạt hoặc mục đích khác) và việc bắt bà B. phải nộp lại số tiền chênh lệch chính là thể hiện bà B. chiếm giữ số tiền. “Các loại tội phạm đều có giai đoạn hình thành và việc cầm được số tiền chênh lệch từ hành vi nâng khống là đã thể hiện hành vi vi phạm pháp luật” - vị chuyên gia pháp luật này phân tích.

Ngoài ra, theo đơn kiến nghị của giáo viên và nhân viên Trường mầm non Hoa Cúc, tại dự thảo kết luận thanh tra số tiền chênh lệch lên đến 58 triệu đồng và có đọc cho tất cả cán bộ nhà trường biết, nhưng sau một thời gian cho bà B. giải trình thì số tiền nâng khống chỉ còn 25 triệu đồng.

Về vấn đề này, UBND huyện có văn bản trả lời đơn kiến nghị, trong đó có gần 20 triệu đồng là số tiền nâng khống mua gạo cho các cháu bé để dùng mua tài liệu tập huấn chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe, thực đơn…

Ông Trần Đoàn Phú, cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Thống Nhất, xác nhận Phòng GD-ĐT huyện đã ký xác nhận cho Trường mầm non Hoa Cúc mua tài liệu để hợp thức hóa giấy tờ, nhưng số tiền mua tài liệu tập huấn chỉ có 300-400 ngàn đồng.

Để làm rõ một số vấn đề chưa rõ trong kết luận thanh tra, phóng viên Báo Đồng Nai đã nhiều lần hẹn gặp đại diện Thanh tra huyện Thống Nhất, nhưng không thể gặp được.

Từ kết luận thanh tra, có thể thấy nếu xác định bà B. là người chiếm đoạt tiền ăn của các cháu mầm non trong trường thì bà B. có dấu hiệu phạm vào tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 280 Bộ luật Hình sự. Nếu cơ quan thanh tra không thể xác định được người đã chiếm đoạt tiền nâng khống phần thức ăn của các cháu mầm non thì nên chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra theo Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC về hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận giải quyết tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Tuấn Minh

 

Tin xem nhiều