Dù đã có nhiều biện pháp đưa ra nhằm xử lý triệt để tình trạng xe chở quá tải, nhưng đến nay trên các tuyến đường, xe tải chở vun ngọn, vượt quá tải trọng cho phép vẫn hoạt động,...
Dù đã có nhiều biện pháp đưa ra nhằm xử lý triệt để tình trạng xe chở quá tải, nhưng đến nay trên các tuyến đường, từ đường nông thôn, đường huyện đến quốc lộ, xe tải chở vun ngọn, vượt quá tải trọng cho phép vẫn hoạt động, gây không ít bức xúc cho người dân và những người cùng tham gia giao thông.
Một xe tải ben chở vật liệu xây dựng phủ bạt, nhìn bên ngoài không thấy chở vun ngọn, nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra thì phát hiện chở quá mép thùng xe từ 20-30cm. Ảnh: T.HẢI |
Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng của năm 2016, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm đưa ra mục tiêu đến cuối năm 2016, về cơ bản không còn tình trạng xe quá tải hoạt động ở Đồng Nai.
* Vẫn còn chở quá tải
Lý giải vấn đề này, ông Liêm cho rằng các cơ quan, ban, ngành và lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng phương tiện chở hàng vượt quá tải trọng cho phép, quá khổ giới hạn cầu đường trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Qua các đợt kiểm tra tình hình thực tế trên các tuyến đường hiện nay, việc vi phạm đã giảm rõ rệt so với thời gian trước. Lực lượng thanh tra giao thông sử dụng cân xách tay kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính gần 3,5 ngàn trường hợp; các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động xử lý gần 300 trường hợp vi phạm. Riêng lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý quá tải trọng cho phép hơn 990 trường hợp. Điều đáng nói, hơn 95% số vi phạm quá tải thiết kế của xe.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng qua công tác kiểm tra tải trọng xe, vi phạm chở quá tải trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, để xử lý triệt để vấn đề này không hề đơn giản, các địa phương, các ngành chức năng cần kiên quyết hơn nữa khi xử lý các trường hợp vi phạm, không khoan nhượng với bất cứ đối tượng nào, vì hậu quả của việc chở quá tải rất nghiêm trọng. |
Qua đó cho thấy, phương tiện chở vật liệu xây dựng vẫn còn tình trạng cơi nới, chở vun thùng từ 20-30cm, lưu thông quá tốc độ quy định. Chưa kể, tại nhiều tuyến đường, như: Đinh Quang Ân, Võ Nguyên Giáp, quốc lộ 1K, tỉnh lộ 760…, xe tải ben chở đất, đá thường để rơi xuống đường, gây mất vệ sinh môi trường và mất an toàn giao thông, đe dọa đến tính mạng của người đi đường.
Đến thời điểm này đã gần hết năm 2016, nhưng tình trạng xe chở quá tải vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Xe quá tải hoạt động khi lén lút, khi công khai vẫn xảy ra làm người dân bức xúc. Không chỉ chạy vào ban đêm, ngoài giờ cấm hay khi vắng bóng lực lượng chức năng, mà ở một số tuyến đường những phương tiện này ngang nhiên chở quá tải.
Tại các khu vực nông thôn, tình trạng xe chở quá tải diễn ra rất nhiều. Các tuyến đường chỉ cho phép tải trọng không quá 15 tấn, nhưng xe chở vật liệu trên 20 tấn vẫn vô tư chạy vào.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, các tuyến đường đi qua địa bàn huyện Thống Nhất, như: đường tỉnh 762, Soklu - Lê Quý Đôn, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe chở đất, đá cao hơn thùng xe lưu thông qua lại trên đường.
“Xe chạy nhiều, vượt quá tải trọng cho phép đã khiến tình trạng đường sá ở đây ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân. Việc kiểm tra dường như còn buông lỏng; cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông xử lý được vài hôm, sau đó vẫn như trước; có khi xe chạy còn nhiều hơn” - ông Nguyễn Trung Thành (ngụ ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) cho hay.
Ở TP.Biên Hòa, một số tuyến đường lâu nay có tình trạng xe ben chở vật liệu xây dựng hoạt động mạnh, như: Bùi Hữu Nghĩa, Đinh Quang Ân, Huỳnh Văn Nghệ…, hiện đa số các xe tải ben đã tiến hành chở hàng bằng với mép thùng. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, việc chở quá tải vẫn “lòi” ra, bởi kích cỡ mỗi thùng xe không giống nhau. Chưa kể, một số trường hợp nhìn bên ngoài việc chấp hành khá nghiêm, các chủ xe thường phủ kín bạt, nhưng nếu kéo lớp bạt ra có thể thấy hàng hóa được chất cao hơn giới hạn cho phép.
“Nhìn bằng mắt thường bên ngoài không thấy chở vun ngọn, nhưng thực tế thì đa số các xe này chất hàng hóa cao hơn mép thùng khoảng 20-30cm. Nếu đem cân tại chỗ thì chắc chắn là vi phạm chở quá tải trọng” - ông Mai Hùng Được, Đội phó Đội Thanh tra giao thông số 3
(TP.Biên Hòa) nói.
* Cần mạnh tay hơn nữa
Đánh giá về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện thời gian qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho hay, tính đến nay phương tiện vi phạm chở hàng quá tải đã giảm trên 90%. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận chủ xe, lái xe vẫn cố tình cơi nới kích thước thùng xe, chở hàng quá tải làm hư hỏng đường sá, gây tai nạn giao thông.
Không chỉ có vậy, tại một số địa phương còn xuất hiện tình trạng phương tiện sau khi lấy hàng ở nơi xuất phát đúng tải trọng cho phép, đến lúc rời cảng, bến lại dồn tải, chất thêm hàng, gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát tải trọng. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng còn hạn chế, chưa có sự quyết liệt dẫn đến tình trạng xe quá tải hoạt động ngang nhiên, thách thức dư luận.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-8) tăng mức xử phạt hành vi chở quá tải rất nặng. Trong đó, quy định mức phạt tăng gấp đôi với cả 2 hành vi: chở hàng vượt tải trọng theo giấy chứng nhận đăng kiểm và chở hàng quá tải trọng cầu, đường với cả lái xe và chủ phương tiện. Đây được xem là “liều thuốc” mạnh để loại bỏ tận gốc “bệnh” chở quá tải, nhưng đến nay các tài xế, chủ xe vẫn không hề ngán ngại mức phạt này.
Tại Đồng Nai, để xử lý dứt điểm, rốt ráo tình trạng xe chở quá tải, đã có nhiều biện pháp được các ngành, lực lượng chức năng đưa ra, như: trang bị trạm cân di động, xử lý các trường hợp xếp hàng quá tải lên xe ngay tại kho bãi, bến cảng…, nhưng quan trọng vẫn là việc thực hiện có quyết liệt, xử lý tận gốc hay không? Thậm chí, người dân còn cho rằng việc vi phạm này có sự buông lỏng của những người làm công tác kiểm tra, xử lý vi phạm?
Để chấn chỉnh tình trạng nói trên, mới đây Đoàn kiểm tra 07 (kiểm tra hoạt động kiểm soát và xử lý xe quá tải) đã lập kế hoạch tiến hành thực hiện việc kiểm tra đối với thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông và lực lượng liên quan làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc tuần tra, kiểm soát sẽ được thực hiện đột xuất, không thông báo trước nhằm phát hiện kịp thời những sai phạm nếu có.
Thanh Hải