Mặc quân phục công an, xuất trình thẻ ngành giả hoặc gọi điện tự xưng công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân là thủ đoạn được kẻ gian sử dụng khá nhiều trong thời gian gần đây. Nhiều người dân vì thiếu hiểu biết đã rơi vào "bẫy lừa đảo" của kẻ gian, thậm chí bị cướp tài sản.
Mặc quân phục công an, xuất trình thẻ ngành giả hoặc gọi điện tự xưng công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân là thủ đoạn được kẻ gian sử dụng khá nhiều trong thời gian gần đây. Nhiều người dân vì thiếu hiểu biết đã rơi vào “bẫy lừa đảo” của kẻ gian, thậm chí bị cướp tài sản.
Hai đối tượng Cường và Thơi bị công an bắt giữ. Ảnh: T.Danh |
* “Công an dỏm” làm bậy
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa đang tạm giữ hình sự đối tượng Huỳnh Tấn Phước (23 tuổi, quê tỉnh An Giang) vì có hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc.
Theo khai nhận của Phước, đầu tháng
11-2016, Phước mua bộ trang phục cảnh sát cơ động, quân hàm thượng úy trên mạng xã hội. Đến ngày 9-11, Phước mặc quân phục cảnh sát cơ động đi xe máy đến các khu vực: ngã tư Amata (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), đường Đồng Khởi (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa)… chặn đường những người đi bộ để kiểm tra giấy tờ. Nghi ngờ, người dân đã trình báo công an và Phước đã bị bắt giữ.
Trước đó, vào ngày 19-7, trong lúc tuần tra địa bàn, Công an xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) đã bắt giữ 2 đối tượng Phạm Văn Cường (20 tuổi, ngụ xã Hóa An, TP.Biên Hòa) và Đinh Văn Thơi (20 tuổi, quê tỉnh Đắk Lắk) vì có hành vi cướp tài sản của người dân. Hai đối tượng Thơi và Cường thường mặc đồ công an để chặn xe người đi đường nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đêm 12-7, khi phát hiện anh Trần Hoàng Đức (ngụ xã Phước Tân) điều khiển xe máy lưu thông trên đường mà không đội mũ bảo hiểm, Thơi và Cường đã chặn đầu xe anh Đức lại, tự xưng là công an rồi đòi kiểm tra giấy tờ. Một trong 2 đối tượng lấy xe anh Đức rồi nói chở anh đến chốt lập biên bản. Nhưng mới đi được một đoạn, một đối tượng giả vờ làm rớt bằng lái, kêu anh Đức xuống xe nhặt lại rồi lấy xe bỏ chạy.
Đối tượng Đàm Mạnh Thanh (25 tuổi, quê TP.Hải Phòng) thì tinh vi hơn, khi sử dụng công nghệ thông tin để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn được chuyển qua ngân hàng. Thanh thường giả danh công an gọi điện đe dọa nạn nhân rằng “đang dính vào một đường dây ma túy lớn” và buộc nạn nhân phải chuyển số tiền trong tài khoản nạn nhân đang có để “cơ quan chức năng” kiểm tra. Ngờ đâu, chỉ sau một vài thủ tục chuyển tiền, số tiền dành dụm gần 400 triệu đồng của bà C. (ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đã nằm gọn trong tài khoản của Thanh. May cho bị hại, tiền chưa kịp đến tay Thanh thì đối tượng đã bị công an bắt giữ để điều tra.
* Cảnh giác với “công an dỏm”
Những vụ giả danh công an trong thời gian qua khiến nhiều người dân thấy hoang mang. Đối với người dân, nhiều khi không thể phân biệt được công an giả hay thật.
Từng bị các đối tượng giả danh công an chiếm đoạt tài sản, anh Trần Hoàng Đức cho biết: “Do có hành vi không đội mũ bảo hiểm nên gặp công an tôi có tâm lý sợ bị phạt. Lúc đó, tôi chẳng nghĩ đến chuyện công an giả hay thật. Với lại chúng giả như thật, cũng mặc quân phục, gắn quân hàm, có bảng tên và làm việc khá chuyên nghiệp nên khó phát hiện được”.
Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Tham mưu (PV11) Công an tỉnh, cho biết tâm thế của người sai phạm thường hay sợ nên họ thiếu đề phòng đối với những đối tượng giả danh công an. Nhiều đối tượng vốn mang quân phục và dùng giấy tờ giả danh công an lừa người dân để thực hiện các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, điều dễ nhận biết giữa công an giả mạo và công an thật chủ yếu là cung cách làm việc.
Theo Đại tá Thọ, lực lượng công an thường có cách làm việc chuyên nghiệp, thể hiện thái độ đúng mực, như: phải chào hỏi dân, phải xuất trình thẻ ngành, đồng thời nói rõ lỗi vi phạm của người bị kiểm tra giấy tờ. Sau đó, công an mới yêu cầu người vi phạm xuất trình các giấy tờ tùy thân. Công an tuần tra thường đi theo một đội chứ không đi một mình. Các đối tượng giả công an thường yêu cầu người bị kiểm tra phải giao tài sản cho họ quản lý nhằm chiếm đoạt.
“Nếu người vi phạm có lỗi rõ ràng thì công an sẽ giải thích và tiến hành xử phạt bằng văn bản hoặc phạt tại chỗ. Còn trường hợp nghi tội phạm rồi tiến hành kiểm tra mà không có giấy tờ rõ ràng, có dấu hiệu bất minh mới được mời họ về trụ sở công an làm việc. Công an không được tự ý giữ, chiếm dụng tài sản của người dân” - Đại tá Thọ nêu rõ.
Đại tá Thọ cho biết thêm, Bộ Công an nghiêm cấm các cán bộ, chiến sĩ mua bán, cho tặng trang phục công an nhân dân. Do đó, các đối tượng giả danh công an thường mua bán quân phục, cấp hàm được làm giả. Công an tỉnh đang tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các hoạt động sản xuất, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép trang phục công an nhân dân và điều tra làm rõ nguồn gốc trang phục công an mà các đối tượng giả danh sử dụng.
Đối với hành vi giả danh công an nhằm chiếm đoạt tài sản theo phương thức, thủ đoạn nào thì đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về hành vi đó, có thể là giả để lừa đảo, để cướp giật… “Vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân; nếu không sai phạm thì không có gì phải sợ và bị đối tượng đe dọa” - Đại tá Thọ nhấn mạnh.
Tố Tâm