Theo cơ quan chức năng, tình trạng tài xế xe tải, xe khách, xe container sử dụng ma túy trong lúc điều khiển phương tiện tham gia giao thông không ít và việc họ "bay" trong cơn "phê thuốc" khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.
Theo cơ quan chức năng, tình trạng tài xế xe tải, xe khách, xe container sử dụng ma túy trong lúc điều khiển phương tiện tham gia giao thông không ít và việc họ “bay” trong cơn “phê thuốc” khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Trước thực trạng tài xế sử dụng ma túy (hoặc chất kích thích) khi tham gia giao thông, công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn cần được thực hiện thường xuyên.
Kiểm tra một tài xế xe container tại chốt xử lý vi phạm về việc lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc. |
Chuyện tài xế lái xe đường dài điều khiển xe tải, xe container… sử dụng ma túy “đá” không phải hiếm. Nhiều tài xế coi loại ma túy này như chất xúc tác để có thể tỉnh táo trên hành trình di chuyển, tuy nhiên điều đó sẽ rất nguy hiểm đến việc đảm bảo an toàn trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Hiểm họa từ cơn phê ma túy
Lĩnh vực vận tải hàng hóa, hành khách ngày càng phát triển, nhu cầu giao thương giữa các vùng rất lớn, trong khi đội ngũ tài xế có hạn nên một số doanh nghiệp, chủ bến bãi đã tìm cách tận dụng tối đa sức lao động của lái xe để thu lợi nhuận. Lái xe liên tục trong khoảng thời gian dài không ngừng nghỉ, nhiều người sẵn sàng “bay” trong các cơn “phê thuốc”. Hậu quả là việc điều khiển xe với tốc độ cao, không đủ tỉnh táo để xử lý các tình huống bất ngờ trên đường dẫn đến tai nạn là điều khó tránh khỏi.
Sau một tháng ra quân xử lý, chấn chỉnh tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy, chất kích thích, lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử phạt 5 trường hợp lái xe sử dụng ma túy, 6 trường hợp lái xe có nồng độ cồn vượt quy định cho phép. Điều đáng nói, trong các trường hợp này có cả tài xế điều khiển xe khách; việc này hết sức nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của hành khách và người đi đường. |
Tại chốt kiểm tra về sử dụng ma túy, nồng độ cồn của lực lượng liên ngành: cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy và đội ngũ y tế trên tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc), nhiều tài xế điều khiển phương tiện chở hàng, hành khách liên tục được mời vào kiểm tra nhanh ma túy.
Theo một chiến sĩ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ở đây, lượng xe từ các tỉnh phía Bắc đổ vào Nam thường tập trung đông về đêm và sáng sớm. Thời điểm này được cho là dễ dàng phát hiện tài xế sử dụng “hàng đá” nhất; bởi để ngăn chặn cơn buồn ngủ, nhiều người đã xài “hàng” để có sự tỉnh táo điều khiển phương tiện tiếp.
Khi một xe tải tấp vào lề, cùng với việc kiểm tra giấy tờ, việc xem xét dấu hiệu tài xế để xác định có sử dụng ma túy hay không được tiến hành ngay sau đó. Nếu nghi ngờ tài xế có sử dụng ma túy, một tổ công tác khác, gồm lực lượng y tế và cảnh sát ma túy sẽ tiến hành kiểm tra ma túy đối với tài xế này. Mỗi trường hợp kiểm tra sẽ có một bộ thiết bị riêng biệt nên hoàn toàn đảm bảo vệ sinh và cho kết quả chuẩn xác nhất. Sau khoảng 5 phút, bộ dụng cụ kiểm tra sẽ phân tích mẫu nước tiểu của tài xế rồi đưa ra kết quả tại chỗ. Các trường hợp có ma túy, cảnh sát giao thông tiến hành lập biên bản và bàn giao đối tượng cho công an giải quyết theo đúng thẩm quyền.
Ghi nhận của phóng viên tại vị trí lập chốt, trong 1 giờ có khoảng 10 trường hợp xe container, xe tải, xe khách được yêu cầu dừng để kiểm tra, nhưng tất cả tài xế đều không vi phạm. “Tài xế lái xe mà sử dụng ma túy quá nguy hiểm vì lúc đó không kiểm soát được hành vi. So với trước đây thì mức phạt tiền hiện tại quá nặng, cũng như bị cấm điều khiển phương tiện trong thời gian dài khiến một số tài xế từng sử dụng ma túy “đá” lo sợ” - anh Nguyễn Văn Tuân (quê tỉnh Quảng Ngãi, tài xế xe container) cho biết.
Xử phạt nặng lái xe sử dụng ma túy
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đối với người điều khiển phương tiện trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng (trường hợp có giấy phép lái xe), hoặc phạt tiền từ 16-18 triệu đồng (trường hợp không có giấy phép lái xe, hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng).
Theo Trung tá Bùi Xuân Thủy, Trạm Tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh), công tác đấu tranh, ngăn chặn việc lạm dụng ma túy đối với cánh tài xế, phụ xe rất khó khăn. Thực tế cho thấy, không ít đơn vị kinh doanh vận tải có tài xế lén lút sử dụng ma túy (chất kích thích) khi điều khiển phương tiện, nhưng do công tác quản lý của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn buông lỏng đối với sức khỏe của lái xe nên tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp dùng thủ thuật nhằm qua mặt lực lượng chức năng, khi bị kiểm tra không chịu hợp tác nên lực lượng chức năng phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ buộc người vi phạm tâm phục, khẩu phục. Khi sử dụng ma túy, các chất kích thích sẽ tác động lên hệ thần kinh trung ương, tạo ra những ảo giác, trạng thái tinh thần hưng phấn quá độ cho tài xế, không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng của mình, những người ngồi trong xe mà cả người đi đường.
“Điểm nổi bật của đợt cao điểm này là việc triển khai xử lý vi phạm theo kinh nghiệm quốc tế với máy móc, thiết bị hiện đại. Lực lượng chức năng sẽ kết hợp kiểm tra để phát hiện các trường hợp người điều khiển phương tiện có ma túy, nồng độ cồn, các chất kích thích trong cơ thể. Những tài xế bị phát hiện sử dụng ma túy phải bị xử lý nghiêm. Để ngăn chặn triệt để số vụ tai nạn giao thông đau lòng do tài xế nghiện ma túy điều khiển phương tiện gây ra trong thời gian tới, ngoài sự chấp hành của tài xế còn phải quy trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị chủ quản, chủ doanh nghiệp sử dụng tài xế nghiện ma túy” - Trung tá Thủy nhấn mạnh.
Võ Nguyên