Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh), cho biết công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của tổ chức Công đoàn.
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh), cho biết công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của tổ chức Công đoàn.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập động viên các công nhân trong nhóm nòng cốt. |
* Bảo vệ người lao động
Đồng Nai hiện có trên 844 ngàn lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp. Trong đó, số lượng lao động nhập cư chiếm 60%; phần lớn họ xuất thân từ nông thôn nên tác phong công nghiệp và kiến thức pháp luật còn hạn chế. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa thực hiện đúng các chế độ, chính sách làm thiệt thòi quyền lợi của người lao động. Do đó, công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động được tổ chức Công đoàn xác định là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.
Luật sư Vũ Ngọc Hà cho hay từ năm 1993 đến nay, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn đã hỗ trợ pháp lý cho gần 8,7 ngàn lượt người, trực tiếp tham gia hòa giải và bảo vệ tại tòa cho 991 trường hợp. Đa số vụ tranh chấp lao động cá nhân là người lao động Việt Nam, chỉ có 21 vụ tranh chấp lao động trung tâm hỗ trợ là người nước ngoài đăng ký lao động tại Việt Nam. Thời gian qua, trung tâm còn nhận hỗ trợ, bảo vệ tại tòa cho người lao động ở các địa phương lân cận, như: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương khi họ nhờ Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ khi xảy ra tranh chấp lao động với giới chủ.
Theo luật sư Hà, nội dung các vụ tranh chấp lao động gồm: cá nhân khởi kiện công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, hoặc bị sa thải; một số vụ người lao động khởi kiện đòi tiền trợ cấp thôi việc, tiền thưởng… Trong số vụ án lao động trung tâm tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ thắng kiện đạt 99%, với số tiền khoảng 16 tỷ đồng. Đó là kết quả rất đáng tự hào của những người làm công tác hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động và khẳng định niềm tin từ người lao động đối với tổ chức Công đoàn.
* Đào tạo lực lượng công nhân nòng cốt
Trong quá trình bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động trong các vụ án lao động, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn nhận thấy người lao động có trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế và khả năng diễn đạt các vấn đề tại tòa không rõ ràng. Năm 2014, ngoài việc cử người tham gia bảo vệ tại tòa cho người lao động, trung tâm còn cử nhân viên của mình nhận làm ủy quyền cho người lao động. Đến nay, trung tâm đã cử 2 nhân viên và 2 công nhân nòng cốt (am hiểu pháp luật và giỏi kỹ năng tranh tụng) nhận ủy quyền cho 26 người lao động để tham gia giải quyết tranh chấp lao động.
Cách làm này có ưu điểm, khi các vụ án được nhân viên và công nhân nòng cốt tham gia thì tất cả các vụ án được giải quyết nhanh chóng, đạt kết quả theo ý nguyện của người lao động. Đồng thời, qua việc nhận ủy quyền cho người lao động, trình độ nhận thức pháp luật và kỹ năng tranh tụng của công nhân nòng cốt và nhân viên của trung tâm được nâng cao rõ rệt.
Để xây dựng được đội ngũ công nhân nòng cốt 667 người/3 điểm hỗ trợ công nhân, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn đã mở 98 lớp tập huấn pháp luật (về: Công đoàn, bảo hiểm xã hội, lao động…) và rất nhiều kỹ năng (tư vấn pháp luật, tranh tụng, hỗ trợ pháp lý…). Qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, lực lượng công nhân nòng cốt tiếp tục chia sẻ kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật cho công nhân tại nơi làm việc và nhà trọ. Đội ngũ này hiện đủ bản lĩnh tổ chức các chương trình tư vấn lưu động, hướng dẫn được nhiều vấn đề cơ bản, xác thực cho công nhân, lao động.
Luật sư Hà nhấn mạnh, do lực lượng công nhân nòng cốt đông nên trung tâm đã xây dựng hệ thống thông tin 2 chiều (từ trung tâm đến công nhân nòng cốt cấp huyện, xã, phường, ấp, khu phố và ngược lại). Nhờ hệ thống này mà tất cả các thông tin từ trung tâm đến với công nhân nòng cốt hoặc ngược lại được triển khai rất dễ dàng, kịp thời. Đồng thời, để cập nhật các kiến thức pháp luật mới và ghi nhận các kiến nghị của công nhân, mỗi tháng nhóm công nhân nòng cốt tại mỗi xã, phường họp 1 lần. Tại cuộc họp này, trung tâm hoặc liên đoàn lao động cấp huyện sẽ cử người sinh hoạt cùng công nhân nòng cốt.
Luật sư Vũ Ngọc Hà cho hay tỉnh Đồng Nai có số lượng lao động nhập cư đông, nhu cầu tư vấn pháp luật ngày càng nhiều, luật gia, luật sư, chuyên viên làm công tác này không đáp ứng được hết nhu cầu của người lao động. Trên cơ sở đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn có sáng kiến xây dựng lực lượng công nhân nòng cốt. Lực lượng này được chọn từ những công nhân nhanh nhẹn, hoạt bát, nhiệt tình, tâm huyết với công tác tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật cho công nhân, người lao động. |
Đoàn Phú