Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết nhiều người, thiệt hại nhiều tài sản, nhưng nhiều bị cáo gây tai nạn lại được xử mức án nhẹ. Có nhiều vụ bị cáo chỉ bị xử án treo, trong khi thiệt hại do hành vi bị cáo gây ra lại là mạng người vô tội.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết nhiều người, thiệt hại nhiều tài sản, nhưng nhiều bị cáo gây tai nạn lại được xử mức án nhẹ. Có nhiều vụ bị cáo chỉ bị xử án treo, trong khi thiệt hại do hành vi bị cáo gây ra lại là mạng người vô tội.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm chết người tại xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) vào tháng 1-2016. |
Một trong những vụ việc đó là vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy khiến 3 trẻ em chết đuối trên hồ Trị An do Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu thụ lý vụ án và xét xử.
Làm chết 3 người, chỉ lãnh 3 năm tù
Theo nội dung vụ án, vào ngày 7-6-2015, gia đình anh Trần Anh Tuấn (gồm 14 người, ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) đến nhà ông Đào Văn Biển (ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) chơi. Sau khi tổ chức ăn nhậu, anh Tuấn đưa một số người trong gia đình ra hồ Trị An chơi. Dù không có chứng chỉ hành nghề điều khiển phương tiện giao thông đường thủy nhưng Đào Hoàng Bính (21 tuổi, ngụ huyện Định Quán) vẫn lấy ghe chở người nhà anh Tuấn ra khu lòng hồ chơi. Khi ra cách bờ khoảng 800m, ghe bị nghiêng và chìm. Một số người được người dân sống gần đó chạy ghe ra cứu, riêng 3 cháu: Trần Thị Kiều Nga, Trần Thị Cẩm Tú và Trần Quốc Bảo (con, cháu anh Tuấn) đã tử vong.
Qua điều tra, cơ quan công an đã khởi tố Bính về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Ngày 22-12-2015, Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu đã tuyên phạt Bính 3 năm tù.
Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202, Bộ luật Hình sự năm 1999) quy định: người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm... Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. |
Trao đổi về vụ án, một cán bộ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh cho rằng một vụ án làm thiệt mạng 3 người nhưng bị cáo chỉ lãnh 3 năm tù là quá nhẹ. Thời gian qua, một số vụ án vi phạm giao thông được đưa ra xét xử tại tòa án cấp huyện thường xử phạt với mức án thấp, nhiều vụ thậm chí bị cáo được hưởng án treo. Chính vì sự “nhẹ tay” này đã khiến một số người (đặc biệt là cánh tài xế chuyên nghiệp) đã không ngán ngại việc chạy ẩu. “Việc xử nhẹ bị cáo trong các vụ án vi phạm giao thông một phần là do bị hại có đơn bãi nại sau khi có sự thương lượng và bồi thường cho người nhà nạn nhân. Tuy nhiên, việc đó chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ mà thôi” - vị cán bộ kiểm sát cho biết.
Mạng người chứ không chỉ là chuyện vi phạm giao thông
Theo luật sư Ngô Văn Định (Đoàn Luật sư tỉnh), khi xem xét các vụ án liên quan đến tai nạn giao thông thì thường các cơ quan chức năng nhận định đây là hành vi không cố ý. Tức là, người vi phạm gây ra hậu quả xuất phát từ những lỗi ngoài ý muốn, như: không làm chủ tốc độ, vi phạm trong lúc uống rượu bia, lỗi kỹ thuật của xe… Trong khi đó, khách thể của hành vi này là vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông chứ không phải con người. Việc gây tai nạn làm chết người, đó là hậu quả của hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Vì vậy, bị cáo thường được cân nhắc để giảm nhẹ hình phạt.
Về vấn đề này, một cán bộ điều tra Công an TP.Biên Hòa cho biết căn cứ theo quy định của pháp luật, tội vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông có thể xử từ 6 tháng đến 15 năm tù. Tuy nhiên, có nhiều vụ tai nạn làm chết người nhưng lỗi hoàn toàn do người bị nạn thì vụ án không được khởi tố. Riêng các vụ do lỗi hỗn hợp (do cả hai bên), hoặc lỗi hoàn toàn do người gây tai nạn thì cũng cần phải xem xét từng trường hợp để xử lý.
Nhiều người đã tỏ ra lo ngại trước những ý kiến cho rằng, việc gây tai nạn chết người là hành vi không cố ý nên tòa thường xử nhẹ. Bởi, những hành vi này không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà đó còn là mạng người; có nhiều vụ tai nạn còn gây thương vong nhiều người.
Đại diện VKSND tỉnh cho biết, VKSND tỉnh đã nhiều lần kháng nghị đối với những vụ án được xem là xử nhẹ bị cáo trong các vụ án vi phạm giao thông, theo hướng tăng án cho bị cáo nhằm răn đe, giáo dục mọi người khi tham gia giao thông. Trong số đó, đã có nhiều vụ án được tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh xử tăng hình phạt đối với bị cáo.
Như bị cáo Đào Hoàng Bình, sau khi VKSND có kháng nghị, tòa phúc thẩm đã nâng mức án lên 5 năm đối với bị cáo. Trong những tháng đầu năm 2016, VKSND tỉnh đã ban hành 7 quyết định kháng nghị đối với các bản án liên quan đến vi phạm giao thông. Kết quả, đã có 4 vụ được tòa phúc thẩm tăng mức hình phạt đối với bị cáo. Ngoài ra, còn có 24 vụ do bị cáo kháng cáo lên cấp phúc thẩm để xét xử lại theo hướng xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng chỉ có 4 vụ được tòa phúc thẩm chấp nhận.
Chánh văn phòng VKSND tỉnh Phan Văn Hậu cho biết thời gian vừa qua, một số tòa án cấp huyện khi đưa vụ án vi phạm giao thông ra xét xử lại áp dụng các quy định của pháp luật thiếu sự thống nhất. Theo ông Hậu, trong các lỗi dẫn đến hành vi vi phạm giao thông có 2 loại lỗi, gồm: lỗi hoàn toàn do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và lỗi một phần do phía bị hại. Trong đó, việc xử phạt lỗi hoàn toàn do bị cáo gây ra cũng còn khác nhau quá nhiều. Một phần là do khoảng cách mức án giữa các khoản khá xa nên dẫn đến sự chênh lệch, một phần là do nhận định chủ quan từ những người tham gia tố tụng.
Trần Danh