Báo Đồng Nai điện tử
En

Để người nghe tuyên truyền pháp luật nhớ lâu

10:09, 28/09/2016

Trong các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thức tuyên truyền miệng hiện rất được chú trọng.

Trong các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thức tuyên truyền miệng hiện rất được chú trọng. Để hình thức này thu hút, thật sự hấp dẫn đối tượng nghe và giúp người nghe nhớ lâu luôn là thách thức của người tuyên truyền, nói chuyện pháp luật trước đám đông.

Hình thức tuyên truyền pháp luật kết hợp với tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người dân của Hội Luật gia tỉnh.
Hình thức tuyên truyền pháp luật kết hợp với tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người dân của Hội Luật gia tỉnh.

Nói điều cốt lõi

Các bộ luật, văn bản pháp luật… luôn thay đổi, cập nhật để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi bộ luật, văn bản pháp luật… mới ban hành hoặc có sự thay đổi, điều chỉnh luôn được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương phổ biến rộng rãi đến nhân dân hoặc một nhóm người đặc thù trước và sau khi bộ luật, các văn bản pháp luật… có hiệu lực.

Theo luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, trong cái bao la của những bộ luật, văn bản pháp luật…, chỉ nên chọn những vấn đề cốt lõi, liên quan mật thiết đến đời sống người dân để truyền đạt. Hình thức truyền đạt cần hấp dẫn người nghe, diễn giải điều luật sao cho dễ hiểu, dễ nhớ. “Với các luật gia, luật sư…, các điều luật, quy định trong bộ luật, các văn bản pháp luật đều quan trọng, cần phải đọc, nắm bắt và cập nhật. Còn với đối tượng nghe là nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh - sinh viên…, người tuyên truyền cần phải nói những vấn đề cốt lõi nhất trong các bộ luật, văn bản pháp luật” - luật gia Nguyễn Đức nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với luật gia Nguyễn Đức, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp) Nguyễn Minh ví dụ: “Tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình cần truyền đạt vấn đề cốt lõi, như: kết hôn (độ tuổi kết hôn, điều kiện kết hôn, nơi đăng ký), ly hôn (đồng thuận hoặc theo yêu cầu của một bên, cơ quan nào giải quyết ly hôn)... Còn Luật Hộ tịch thì vấn đề cốt lõi cần tập trung truyền đạt gồm: khai sinh, khai tử, hộ khẩu, chứng minh nhân dân... Luật Đất đai nhấn mạnh về điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan giải quyết tranh chấp đất, người đứng tên trong giấy tờ đất là cá nhân, vợ chồng hoặc tổ chức chứ không còn cấp cho hộ gia đình...”.

Để xác định điều cốt lõi trong rất nhiều vấn đề cốt lõi của các bộ luật, văn bản pháp luật, mỗi chuyên gia pháp luật có thế mạnh về kiến thức và sự am hiểu sâu về các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, người nghe cũng biết kén chọn người nói, người truyền đạt vấn đề (trong thực tế, nhiều “trò” chê “thầy” nói chuyện khô khan, khó hiểu, chẳng tiếp thu được gì và đến dự cho có mặt; còn thầy đổ lỗi do “trò” có trình độ nhận thức pháp luật, học vấn thấp, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa…).

Không lạm dụng “viên kẹo ngọt”

Các chuyên gia pháp luật tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ví von việc sử dụng vật chất thu hút đối tượng tham dự các buổi nói chuyện pháp luật như dùng “viên kẹo ngọt”. “Viên kẹo ngọt” này luôn có 2 mặt tích cực và tiêu cực: tích cực là thật sự thu hút đông người dự, còn mặt tiêu cực là người ta đến nhận quà rồi về, hoặc ngồi nói chuyện riêng mà không quan tâm vấn đề pháp luật được truyền đạt. Do đó, nói chuyện pháp luật hấp dẫn, thu hút và để người nghe nhớ lâu phụ thuộc vào nội dung nói, kỹ năng diễn đạt, hình thức tổ chức…

Năm 2016, Đồng Nai sử dụng ngân sách chi cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên 3,2 tỷ đồng. Số tiền này tăng dần theo từng năm nhằm hỗ trợ kịp thời các ngành, đơn vị, đoàn thể đẩy mạnh, đa dạng các hình thức, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức, đoàn thể còn vận dụng chủ trương xã hội hóa nhằm tìm kiếm nguồn kinh phí ngoài ngân sách để hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Vì vậy, kinh phí thực sự chi cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn cao hơn nguồn kinh phí ngân sách cấp.

Trong quá trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đối tượng đi dự còn được đơn vị tuyên truyền hỗ trợ thêm phí xăng xe, nước uống (từ 10-50 ngàn đồng/người/buổi); hoặc kết hợp công tác từ thiện, nhân đạo với việc tuyên truyền, như: tặng quà, trao học bổng… Thực tế đó phản ánh việc tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của người dân rất đông, nhưng kinh phí dành cho việc hỗ trợ người dân đến nghe tuyên truyền pháp luật không có, hoặc “bèo bọt” nên việc huy động đối tượng đến nghe tuyên truyền pháp luật cũng hạn chế.

Vấn đề này được Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến phân tích, để nói chuyện pháp luật hấp dẫn người dân, người dân đến tham dự đông phụ thuộc vào các yếu tố: xác định cụ thể đối tượng tuyên truyền (đồng bào dân tộc thiểu số hay thanh niên, phụ nữ, nông dân); nội dung thiết thực, phù hợp với nhu cầu của đối tượng; hình thức tuyên truyền hấp dẫn, sinh động, dễ hiểu; có sự trao đổi giữa đôi bên (tư vấn, trợ giúp, giải đáp thắc mắc tại chỗ); đánh giá hiệu quả đạt được, chưa đạt được từ các buổi tuyên truyền để rút kinh nghiệm…

Ông Viên Hồng Tiến nhấn mạnh, tùy vào kinh phí hoặc khả năng xã hội hóa mà các đơn vị, tổ chức, đoàn thể chi hỗ trợ cho người tham dự tuyên truyền hoặc phối kết hợp tặng quà. Vấn đề này, Sở Tư pháp và các địa phương khuyến khích, nhưng cũng chỉ đạo không nên quá lạm dụng để thu hút người đến nghe. Bởi, mục tiêu của phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật là nâng cao trình độ, nhận thức, nhu cầu thụ hưởng pháp luật của người dân. Vì vậy, cần nhận thức đúng, đầy đủ rằng thu hút người dân đến dự vì mục tiêu này, chứ không phải để nhận quà. Lấy vật chất nhằm hấp dẫn người dự đông chưa hẳn vấn đề pháp luật cần tuyên truyền đã được người dân chăm chú lắng nghe, nắm bắt đầy đủ.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều