Báo Đồng Nai điện tử
En

Tội phạm mua bán người còn diễn biến phức tạp

11:08, 10/08/2016

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ mua bán người (chủ yếu là phụ nữ), khiến một số người lâm vào cảnh "xuất ngoại" mà không có đường về.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ mua bán người (chủ yếu là phụ nữ), khiến một số người lâm vào cảnh “xuất ngoại” mà không có đường về. Theo các cơ quan chức năng, phần lớn nạn nhân trong các vụ mua bán người có nhận thức pháp luật hạn chế, đến khi rơi vào “bẫy” của bọn buôn người mới kêu cứu, khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong quá trình điều tra.

Các đối tượng trong đường dây mua bán người sang Trung Quốc bị bắt năm 2015. (Ảnh: Công an Đồng Nai cung cấp)
Các đối tượng trong đường dây mua bán người sang Trung Quốc bị bắt năm 2015. (Ảnh: Công an Đồng Nai cung cấp)

* Bị hại lại đi hại người

Trung tá Nguyễn Duy Tú, Phó đội trưởng Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tệ nạn xã hội và mua bán phụ nữ - trẻ em Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh, người đã tham gia triệt phá nhiều vụ án mua bán người, cho biết phần lớn đối tượng tham gia mua bán người đã từng là nạn nhân trong các vụ mua bán người trước đó. Sau khi thoát được hang ổ của kẻ xấu (hoặc cuộc sống hà khắc ở nhà chồng), những bị hại này lại biến mình thành người “môi giới” cho những kẻ mua bán người để kiếm tiền môi giới.

Theo Trung tá Tú, trong thời gian bị bán sang nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Malaysia), nhiều phụ nữ không chịu nổi cảnh sống cực khổ trong các động mại dâm, hoặc bị chồng, gia đình chồng đối xử nghiệt ngã đã tìm cách bỏ trốn. Nhưng khi trốn khỏi xứ người, do biết được đường đi nước bước nên họ lại tham gia đường dây mua bán người ra nước ngoài bằng cách dụ dỗ các phụ nữ nhẹ dạ để lừa ra nước ngoài.

Điển hình phải kể đến đối tượng Huỳnh Thị Thu Thủy (ngụ huyện Tân Phú), vừa bị cơ quan công an khởi tố về hành vi mua bán người. Theo kết quả điều tra ban đầu, vào năm 2014, thông qua mai mối Thủy đã lấy chồng người Trung Quốc và sang nhà chồng sinh sống. Sau 2 tháng chịu đựng cuộc sống hà khắc ở nhà chồng không thấu, Thủy đã bỏ trốn về Việt Nam.

Trước khi rời Trung Quốc, Thủy đã kịp làm quen với bà Lan, một người Việt Nam sinh sống tại Trung Quốc. Bà Lan đã nhờ Thủy về Việt Nam tìm phụ nữ giới thiệu sang Trung Quốc cho bà này bán vào các động chứa, hoặc làm vợ đàn ông Trung Quốc để kiếm tiền môi giới. Biết rõ cảnh sống đọa đày nơi xứ người, nhưng Thủy vẫn đi dụ dỗ những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin để cung cấp cho đường dây mua bán người do bà Lan tổ chức. Trong số nạn nhân của Thủy, đã có người được giải thoát và quay về làm đơn tố cáo hành vi của đối tượng này với cơ quan công an.

Trong năm 2015, PC45 triệt phá thành công một đường dây lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc và đã khởi tố 2 đối tượng Lý Cảnh Dzếnh và Trương Thị Thùy Linh, đều ngụ huyện Định Quán.

Theo điều tra, thường xuyên buôn bán ở khu vực biên giới với Trung Quốc nên Dzếnh quen biết một số đối tượng người Việt đang sinh sống ở Trung Quốc. Khi được các đối tượng này lôi kéo vào đường dây mua bán người sang Trung Quốc, Dzếnh đã về địa phương tìm kiếm, lừa bán người sang Trung Quốc để kiếm tiền môi giới. Đường dây của Dzếnh đã đưa gần chục phụ nữ sang Trung Quốc. Trong số đó, 4 nạn nhân đã trốn được về Việt Nam và đã tố cáo đối tượng này với công an.

* Đừng bị lừa vì thiếu hiểu biết

Thượng tá Vũ Kim Hùng, Phó trưởng PC45, cho biết nạn nhân trong các vụ mua bán người đều là những người có cuộc sống khó khăn, không có việc làm ổn định, nhận thức về pháp luật còn hạn chế… Bên cạnh đó, một số phụ nữ do làm ăn thua lỗ, muốn sang nước ngoài để kiếm sống, hoặc lấy chồng ngoại quốc để thay đổi cuộc sống. Khi gặp các đối tượng mua bán người, họ được rỉ tai về một viễn cảnh tươi sáng, những việc làm nhẹ nhàng với thu nhập cao ở xứ người…, khiến nhiều người dễ dàng “chấp nhận” biến mình thành nạn nhân. Ngoài ra, do sự buông lỏng trong quản lý của gia đình, xã hội nên nhiều phụ nữ đã bị lừa bán sang nước ngoài dưới dạng cưỡng ép kết hôn, cưỡng bức lao động…

Theo PC45, đối tượng mua bán người thường đến các vùng nông thôn, vùng sâu dụ dỗ, lừa phụ nữ đi lấy chồng, làm việc ở nước ngoài bằng con đường tiểu ngạch (đi chui), hoặc lao động bằng con đường du lịch… Trong năm 2015, PC45 đã tiếp nhận 5 tin báo tố giác tội phạm mua bán người. Qua điều tra, PC45 đã khởi tố 1 vụ án, bắt tạm giam 2 bị can. 6 tháng đầu năm 2016, PC45 đã tiếp nhận 7 tin báo tố giác tội phạm mua bán người và đã xác lập 1 chuyên án để điều tra.

Về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Duy Tú cho biết đã có nhiều người đến cơ quan công an trình báo việc con em họ bị kẻ xấu lừa bán sang nước ngoài. Tuy nhiên, việc điều tra của cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn do nạn nhân đang ở nước ngoài, không thể trực tiếp làm việc được. Trong khi đó, để xử lý các đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán người, cơ quan công an phải xác định được nạn nhân cụ thể.

Theo Trung tá Tú, để ngăn ngừa các vụ mua bán người, trước hết người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn dụ dỗ của các đối tượng xấu. Chính quyền địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu biết về pháp luật, nâng cao ý thức phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người. “Phải ngăn ngừa tội phạm mua bán người ngay từ khi mới manh nha, chứ để đến lúc nạn nhân đã bị bán sang nước ngoài, do chịu không được cực khổ mới cầu cứu cơ quan chức năng thì việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn” - Trung tá Tú nói.

Trần Danh

 

 

Tin xem nhiều