Từ ngày 6-8, trò chơi Pokemon Go (chơi trên điện thoại di động thông minh, máy tính bảng) được phát hành tại Việt Nam và ngay lập tức nhiều bạn trẻ tại TP.Biên Hòa đổ ra đường với điện thoại, máy tính bảng trên tay để "bắt" Pokemon.
Từ ngày 6-8, trò chơi Pokemon Go (chơi trên điện thoại di động thông minh, máy tính bảng) được phát hành tại Việt Nam và ngay lập tức nhiều bạn trẻ tại TP.Biên Hòa đổ ra đường với điện thoại, máy tính bảng trên tay để “bắt” Pokemon.
Nhiều bạn trẻ tham gia bắt Pokemon trên đường Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa). |
Do quá chú tâm vào việc chơi, nhiều người lơ là quan sát xung quanh nên vô tình dễ biến bản thân trở thành “miếng mồi ngon” cho kẻ xấu, hoặc có thể bị nạn.
Hiện tại, ở TP.Biên Hòa đã có nhiều địa điểm trở thành “Pokestop” (trạm dừng), nơi người chơi sẽ tập trung đến để bắt Pokemon; hoặc “Pokegym”, nơi người chơi sẽ huấn luyện và đấu các Pokemon với nhau.
Hấp dẫn với cách chơi mới lạ
Mỗi ngày, tại khu vực Công viên Nguyễn Văn Trị, chùa Bửu Sơn (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) tập trung rất nhiều bạn trẻ cầm điện thoại trên tay đến bắt Pokemon từ sáng đến tối, thậm chí tận khuya.
Các bạn trẻ tập trung chơi Pokemon Go sáng chủ nhật. |
Là người bắt đầu chơi Pokemon Go ngay từ ngày đầu trò chơi phát hành chính thức tại Việt Nam, anh Phạm Văn Tuyến (ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết: “Trò chơi rất thú vị khi sử dụng thành công ứng dụng tương tác ảo bằng sự kết hợp giữa một thế giới ảo của những con vật tưởng tượng được lồng ghép trên thực tế quen thuộc là các địa điểm xung quanh bạn. Người chơi phải di chuyển liên tục, điện thoại luôn bật camera, GPS nên sẽ rất tốn pin. Do đó, mỗi người chơi luôn kè kè một cục sạc dự phòng trên tay. Mấy ngày nay, mỗi khi chơi trò này tôi thường rủ thêm một người bạn cùng đi tìm các Pokemon yêu thích, vừa vui vừa có thêm người cảnh giới lúc mình cầm điện thoại hớ hênh”.
Theo nhiều bạn trẻ đang tụ tập bắt Pokemon ở Công viên Nguyễn Văn Trị, ngoài tính tương tác cao, người chơi còn tụ tập thảo luận về cách thức huấn luyện các “con thú”. Khi có một Pokemon xuất hiện, ai đến trước đến sau không quan trọng, miễn ai bắt trước thì Pokemon sẽ thuộc về người đó, nên tính cạnh tranh rất cao. Thậm chí, dù đang đi trên đường vào buổi tối, nếu nghe tiếng điện thoại báo có một Pokemon ở gần hoặc thấy nhiều người cùng giơ điện thoại, máy tính bảng bắt Pokemon, những người chơi khác theo quán tính cũng lấy điện thoại ra và tham gia chơi.
Nguy cơ mất an toàn
Thường xuyên chơi trò chơi trên điện thoại thông minh, anh Huỳnh Văn Tâm (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết: “Một trò chơi mới được ra mắt sẽ kéo theo sự quan tâm của rất nhiều người. Tâm lý đám đông cộng việc quảng cáo liên tục của các trang mạng xã hội cũng làm nên tính gây nghiện của trò chơi này. Ở trò Pokemon Go này, người chơi chỉ dán mắt vào màn hình mà không quan sát xung quanh, thậm chí cầm điện thoại di chuyển rất lơ đãng nên dễ trở thành nạn nhân của các vụ cướp, cướp giật, tai nạn giao thông… mà báo chí đã lên tiếng rất nhiều trong thời gian qua”.
Trên VNExpress, Trung tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Tuyên truyền hướng dẫn luật thuộc Cục Cảnh sát giao thông, cho rằng trò chơi này rất nguy hiểm với người tham gia giao thông. Trung tá Hồng Minh khuyến cáo “Pokemon Go hay bất kỳ trò chơi nào đều có 2 mặt, tốt hay xấu phụ thuộc ở người chơi. Để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra, người dân tuyệt đối không chơi Pokemon Go khi đang điều khiển phương tiện”. |
Một số địa điểm cần sự thành kính và yên tĩnh như trước Đình Tân Lân (đường Nguyễn Văn Trị, TP.Biên Hòa), hiện tại mỗi ngày có rất nhiều bạn trẻ đứng ở vỉa hè, dừng xe để bắt Pokemon. Tuy chưa dẫn tới ùn tắc, tai nạn giao thông hay xảy ra cướp giật tài sản, nhưng cũng khiến cho mọi người xung quanh lo ngại.
Trường hợp đầu tiên ở Việt Nam bị cướp giật điện thoại khi đang chơi Pokemon Go được báo chí phản ánh vào ngày 8-8. Tại khu vực Công viên Tao Đàn (TP.Hồ Chí Minh), một cô gái vừa đi bộ vừa cầm điện thoại “bắt” Pokemon đã bị đối tượng Nguyễn Văn Hiếu giật điện thoại rồi bỏ chạy. Rất may, Hiếu đã bị bảo vệ công viên và người đi đường bắt được ngay sau đó.
Theo Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự nếu dùng tay sử dụng điện thoại di động khi xe đang chạy trên đường sẽ bị xử phạt 600-800 ngàn đồng. Người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), nếu sử dụng điện thoại di động sẽ bị xử phạt 100-200 ngàn đồng. Do đó, những trường hợp đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường, nếu mê bắt Pokemon có thể bị xử phạt nặng.
Về việc mê bắt Pokemon dẫn đến hậu quả xấu có thể xảy ra, chị Trần Thị Minh Ngọc (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay: “Không thể đổ lỗi cho nhà sản xuất về các vấn đề xã hội phát sinh. Tự mỗi người phải biết được rủi ro có thể xảy ra khi cầm điện thoại ngoài đường và Luật Giao thông đường bộ cũng cấm hành vi sử dụng điện thoại khi lưu thông trên đường. Theo tôi, điều quan trọng là phải có sự nhắc nhở từ phía gia đình và bạn bè tự cảnh báo nhau khi tham gia trò chơi này ở nơi công cộng”.
Đăng Tùng