Vừa nghe Tòa án nhân dân tỉnh tuyên án "cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội vĩnh viễn", bị cáo Lê Đức Quyền (26 tuổi, ngụ tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) đã ngã quỵ trước vành móng ngựa.
Vừa nghe Tòa án nhân dân tỉnh tuyên án “cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội vĩnh viễn”, bị cáo Lê Đức Quyền (26 tuổi, ngụ tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) đã ngã quỵ trước vành móng ngựa. Tiếng con khóc cha, vợ khóc chồng, mẹ khóc con, em khóc anh… đồng thanh vang lên khiến cho cả phòng xử án trở nên bi ai, não lòng.
Bị cáo Lê Đức Quyền (giữa) bị dẫn ra xe chở phạm nhân. |
Trước đó, bị cáo vừa bước xuống xe phạm nhân là người dân xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, nơi diễn ra phiên xét xử lưu động) ồ ạt kéo tới để xem cho được hình hài của kẻ giết người, bởi vụ án diễn ra quá dã man trong khi động cơ gây án quá vô lý.
* Bi kịch vì mê game
Theo chị Trang, sau khi kết hôn năm 2012, vợ chồng chị từ tỉnh Thanh Hóa vào thuê trọ tại huyện Trảng Bom làm công nhân. Một thời gian sau, người chồng bỗng nhiên mê chơi game trên internet nên ngày càng sa đọa và ít lo được cho vợ con. Dù đã được người thân khuyên can nhiều lần nhưng bị cáo luôn bị cuốn vào những trò ảo tưởng của game mà bỏ bê công việc, gia đình. Do quá túng quẫn thiếu tiền chơi game, đồng thời bị ảo tưởng bởi những trò đâm chém trên mạng, bị cáo đã nảy ra ý định giết người cướp của để có tiền chơi game.
Từng chi tiết của vụ án được bị cáo khai rất bình tĩnh và rõ ràng. Sau thời gian chơi game trên internet, bị cáo có quen biết anh Nguyễn Duy Tiến (31 tuổi, ngụ tại huyện Cẩm Mỹ, là người thường mua đi bán lại các tài khoản game). Vào ngày 12-3-2015, Quyền gọi điện cho anh Tiến nói giới thiệu người bán tài khoản game nhưng thực chất là muốn dụ anh Tiến vào điểm vắng vẻ để cướp tài sản. Khi cả hai đến tại khu vực đồi tràm thuộc ấp 4 (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom), Quyền dùng dao thủ sẵn đâm trúng 20 nhát dao vào người anh Tiến. Nghĩ nạn nhân chưa chết, Quyền tiếp tục dùng cục đá đập vào vùng mặt khiến nạn nhân tử vong rồi lấy lá cây che lại. Sau đó, bị cáo cướp lấy tài sản gồm: tiền, điện thoại, xe mô tô với tổng giá trị hơn 32 triệu đồng.
* Nỗi đau những người mẹ
Quằn quại trong nỗi đau khi nghe chồng chịu án tử hình, con phải mồ côi, chị Phạm Thị Trang (vợ bị cáo) chỉ biết van xin: “Xin tòa cho anh ấy con đường sống” rồi nấc nghẹn từng tiếng. Mẹ của bị cáo ngồi kế bên hai hàng nước mắt không ngừng rơi. Chỉ có 2 con bé bỏng vẫn nhìn cha với ánh mắt trong veo, ngây thơ chưa hiểu chuyện.
Đưa bàn tay bị tật nguyền bẩm sinh, bà Vũ Thị Sợi (mẹ bị hại) kể lể, bị chồng ruồng bỏ nhiều năm nay bà một nách phải nuôi 3 con. Là người mù chữ, bà Sợi luôn cố gắng để cho 3 con có cơ hội được học hành tử tế, không thua kém bạn bè.
Anh Tiến vốn là sinh viên ngành công nghệ thông tin. Để gánh bớt lo toan cho mẹ già, anh đã tự mình kiếm tiền rồi vừa học vừa làm. Sai lầm của bị cáo đã tước đi tính mạng, ước mơ, hoài bão và một đám cưới dự tính sắp tổ chức của một chàng trai lương thiện.
Bà Sợi kể, hàng tuần anh Tiến được nghỉ học thì về nhà phụ giúp mẹ đi lấy hàng tạp hóa. Ngày định mệnh ấy bà không thấy con về nhà, liên lạc bạn bè đều không ai biết tung tích. Bằng đôi chân yếu ớt, người mẹ ấy đã đi khắp nơi, lục tung khắp các phòng trọ và gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để cầu cứu sự giúp đỡ, nhưng con bà vẫn bặt vô âm tín. “Mọi người cứ trấn an tôi là con lớn rồi, đi được thì về được. Nhưng tôi biết con mất tích là chuyện bất bình thường” - bà Sợi tâm sự.
Chờ đến hơn 3 tháng ròng, bà nhận được hung tin con trai đã bị sát hại, không còn hình hài nguyên vẹn. Đấm thình thịch vào lồng ngực, mẹ bị hại gào khóc: “Sao bị cáo lại ác ôn đến thế, mạng con tôi do tôi sinh ra, sao người khác có quyền tước đoạt chứ?”. Cứ khóc, cứ gào thét nhưng nơi khóe mắt của người mẹ già ấy nước mắt từ lâu đã cạn khô.
Đây là sự thức tỉnh cho những người suốt ngày vùi đầu vào việc chơi game và là sự nhắc nhở cho bậc làm cha mẹ trong việc quản lý con trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay.
Tố Tâm