Vì sao người lao động phải đình công? Khi tòa án tuyên cuộc đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp thì người lao động được và mất quyền lợi gì?
Vì sao người lao động phải đình công? Khi tòa án tuyên cuộc đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp thì người lao động được và mất quyền lợi gì?
Luật sư Lê Tấn Tý giải thích pháp luật cho người lao động. |
Vấn đề này đã được Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7) điều chỉnh tại Khoản 2, Điều 516 như sau: “Bãi bỏ các điều: 223, 224, 225, 226, 227, 228, 229, 230, 231, 232 và 234, Mục 5, Chương XIV của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13”.
* Khi quyền lợi bị xâm phạm
Do đối thoại chưa được người sử dụng lao động quan tâm thực hiện, hoặc có thực hiện nhưng chưa tốt; đồng thời phía sử dụng lao động không có thiện chí trao đổi với người lao động về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nên đã dẫn đến sự bất đồng, xung đột về lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động. Sự bất đồng sẽ âm ỉ, lớn dần và đến một thời điểm sẽ dẫn tới đình công.
Khoản 1, Điều 209 Bộ luật Lao động quy định: đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Đa số các cuộc đình công xảy ra đều có nguyên nhân do người sử dụng lao động thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật về chế độ, chính sách cho người lao động, như: tăng ca quá thời gian quy định, không tăng lương theo quy định của Chính phủ, cắt các khoản phụ cấp không hợp lý… Bên cạnh đó, pháp luật cũng có quy định hình thức “đối thoại lao động”, là một giải pháp rất hiệu quả nhằm hạn chế và ngăn ngừa đình công. |
Tòa án cấp tỉnh nơi xảy ra đình công là cơ quan có thẩm quyền xác định cuộc đình công là hợp pháp hoặc không hợp pháp. Theo quy định tại Điều 218 Bộ luật Lao động, khi người lao động không tham gia đình công, nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định của pháp luật. Đối với người lao động tham gia đình công thì không được trả lương, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp đã có quyết định của tòa án về cuộc đình công là bất hợp pháp mà người lao động không ngừng đình công, không trở lại làm việc thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật. Người nào lợi dụng đình công gây mất trật tự công cộng, làm hư hại máy móc, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
* Quyền của người lao động
Đảng và Nhà nước đã xác định đình công là quyền của người lao động và được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Công đoàn.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bãi bỏ các điều từ 223-234 của Bộ luật Lao động năm 2012 (chỉ giữ lại Điều 233). Theo luật sư Lê Tấn Tý (Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh), những điều luật này chủ yếu quy định thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Trên thực tế, những quy định này có nhiều điểm không phù hợp nên việc bãi bỏ, thay đổi là hợp lý.
Luật sư Lê Tấn Tý cho biết những quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có nhiều điểm ưu việt hơn so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, vì đã thể hiện việc cụ thể hóa tinh thần của Hiếp pháp năm 2013, Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong đó, có sự thay đổi một cách đáng kể trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia tố tụng thực hiện quyền dân sự của mình tại tòa án, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, ngắn gọn, hiệu quả hơn cho việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động. |
Luật sư Tý cho biết thêm, Khoản 2, Điều 225 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, khi một trong các bên tham gia tranh chấp lao động tập thể không đồng ý với phán quyết của tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công thì có quyền gửi đơn khiếu nại đến tòa án tối cao để nơi đây xem xét lại phán quyết của tòa án cấp tỉnh. Xét về mặt bản chất thì đây là việc đương sự thực hiện quyền kháng cáo của mình. Thế nhưng, điều luật lại dùng thuật ngữ “khiếu nại” là không phù hợp với quy định chung của pháp luật tố tụng.
Để khắc phục tình trạng đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã sử dụng thuật ngữ chính xác hơn là “kháng cáo” (quy định tại Khoản 2, Điều 405) và quy định tòa án cấp cao có thẩm quyền giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định của tòa cấp tỉnh về tính hợp pháp của cuộc đình công trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Hay vấn đề thành phần những người tham gia phiên họp để xét tính hợp pháp của cuộc đình công, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định gồm có: thẩm phán, thư ký ghi biên bản…, không quy định có “kiểm sát viên” tham dự. Trong khi đó, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thành phần tham gia phiên họp để xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải có kiểm sát viên của viện kiểm sát cùng cấp tham dự và phát biểu ý kiến đối với tính hợp pháp của cuộc đình công (quy định tại Điều 407 và Khoản 4, Điều 411). Rõ ràng, quy định này đảm bảo quyền kiểm sát trực tiếp của viện kiểm sát, cũng như việc tham gia đưa ra ý kiến của mình đối với tính hợp pháp của cuộc đình công, giúp cho tòa án có sự đánh giá, nhận định một cách khách quan, toàn diện và đưa ra phán quyết chính xác hơn.
Đoàn Phú