Qua 23 năm chuyển đổi mô hình Thi hành án dân sự từ Tòa án sang Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, các thế hệ cán bộ thi hành án dân sự trước đây nay nhiều người đã về hưu, người thì chuyển công tác. Thế nhưng, có những bản án do họ thực thi trước đây với vai trò chấp hành viên được khép lại với nhiều kỷ niệm mang giá trị nhân văn.
Qua 23 năm chuyển đổi mô hình Thi hành án dân sự từ Tòa án sang Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, các thế hệ cán bộ thi hành án dân sự trước đây nay nhiều người đã về hưu, người thì chuyển công tác. Thế nhưng, có những bản án do họ thực thi trước đây với vai trò chấp hành viên được khép lại với nhiều kỷ niệm mang giá trị nhân văn.
Cựu chấp hành viên Đặng Đức Hậu bên một ngôi mộ do Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh lập năm 2006 trong vụ án “hài cốt giả”. |
Cựu chấp hành viên thi hành án dân sự tỉnh Đặng Đức Hậu (thời kỳ 1987-2009) tâm sự, thời của ông, công tác thi hành án dân sự nhiều niềm vui hơn muộn phiền.
* Kỷ niệm khó quên
Hai ngôi mộ với gần 200 hài cốt không rõ danh tính do Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh lập trong vụ án: “Đ.V.T. (ngụ Đồng Nai) và đồng bọn giả danh nhóm “POW/MIA tự nguyện và nhân đạo” lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xâm phạm mồ mả, hài cốt” luôn là nhân chứng cho việc thi hành bản án “thấu tình, đạt lý” mà thế hệ thi hành án dân sự “già” đã tạo lập và chăm lo nhang khói. Sau khi tiếp nhận 200 bộ hài cốt từ Công an tỉnh, Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh đã lập tờ trình đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng để xử lý.
Ông Hậu nhớ lại, số hài cốt Công an tỉnh bàn giao đều có mã số và gói ghém cẩn thận. Để xử lý, Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh họp bàn rất nhiều và đưa ra phương án đem thiêu rồi chôn cất. “Mỗi bộ hài cốt được thiêu riêng và chừa lại một mẩu xương còn tốt bỏ vào hũ. Từng hũ đều có ghi mã số hài cốt theo đúng nội dung bản án và số thứ tự. Chúng tôi tỉ mỉ như vậy để phòng trường hợp người thân đến tìm sẽ dễ cung cấp, hoặc trao trả lại hài cốt người thân cho họ” - ông Hậu nói.
Lập mộ cho số hài cốt xong, Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh còn nhang khói cho linh hồn họ bớt lẻ loi. Ông Hậu và 2 cán bộ khác đảm trách nhiệm vụ này gần cả tuần mới xong. Lúc ấy, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
Kể từ đó cho đến khi về hưu, ông Hậu không quên ra nghĩa trang thắp nhang, chăm sóc những ngôi mộ này, bởi ông cảm nhận sự may mắn luôn đến với ông khi cùng Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh lo mồ yên, mả đẹp cho gần 200 hài cốt trong vụ án.
* Thấu tình đạt lý
Hàng chục năm làm nhiệm vụ Thi hành án dân sự tại Tòa án nhân dân tỉnh, Phòng Thi hành án dân sự tỉnh, rồi Cục Thi hành án dân sự tỉnh (từ năm 1993-2011), bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết có rất nhiều kỷ niệm với đồng nghiệp và công việc.
Bà Tuyết tâm sự, thời đó công tác thi hành án dân sự không chuyên nghiệp như bây giờ (chưa có Luật Thi hành án dân sự) nên khi thực thi nhiệm vụ, bà vừa là chấp hành viên, vừa kiêm luôn nhiệm vụ thư ký. Dù phải lặn lội đi vùng sâu, vùng xa thi hành án cho đương sự, bà vẫn không cảm thấy đơn độc.
“Pháp luật không điều chỉnh hết những hoàn cảnh, sự việc và từng con người cụ thể, nhưng chấp hành viên là con người, nếu có tâm tốt sẽ nhìn thấy điều mà pháp luật chưa điều chỉnh để có giải pháp thực thi phán quyết của tòa hợp lý, hợp tình” - cựu chấp hành viên Đặng Đức Hậu chia sẻ. |
Năm 1996, bà Tuyết thụ lý vụ việc của ông T. trong vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” tại huyện Vĩnh Cửu. Sau khi thuyết phục ông T. giao nhà và đất để thi hành bản án, bà Tuyết lại liên hệ với chính quyền thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) xin đất nhằm giúp cho gia đình ông có nơi ở mới.
“Ngoài mặt pháp lý phải thực thi trong thi hành bản án, chấp hành viên còn phải có tấm lòng để suy xét tình lý” - bà Tuyết tỏ bày.
Vốn là người hiền lành, ông Hậu đôi lúc cũng “nóng tính” với những bản án tòa tuyên chưa rõ mà thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự giao cho ông thực thi. Ông Hậu tâm sự, với trường hợp đó, ông không vội thực thi ngay mà tìm cách đấu lý với tòa. Khi lý lẽ đôi bên thông suốt, ông mới thực hiện. Còn pháp luật chưa rõ, hoặc gây thiệt hại cho các đương sự thì không bao giờ ông nhún nhường.
Cũng theo ông Hậu, công tác thi hành án dân sự nói nôm na là đi đòi nợ giùm cho đương sự theo quyết định của tòa. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn có rất nhiều người trong thực thi nhiệm vụ bị đương sự, dư luận phản ánh. Điều này thật sự ảnh hưởng xấu đến những chấp hành viên làm việc công tâm, trách nhiệm.
Đoàn Phú