Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), trường hợp bị hại không hợp tác với cơ quan điều tra thực hiện việc giám định sẽ bị dẫn giải để đảm bảo công tác điều tra.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), trường hợp bị hại không hợp tác với cơ quan điều tra thực hiện việc giám định sẽ bị dẫn giải để đảm bảo công tác điều tra.
Quy định này không chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan công an, mà còn đảm bảo quyền của bị hại trong quá trình điều tra vụ án.
* Bị hại từ chối giám định, không thể khởi tố
Ông Nguyễn Phạm Hùng, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự về trật tự xã hội (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh), cho biết có nhiều vụ án vi phạm giao thông, cố ý gây thương tích làm thiệt hại về người và tài sản nhưng cơ quan tố tụng không có cơ sở pháp lý để khởi tố, điều tra. Nguyên nhân là do phía bị hại từ chối giám định thương tật sau khi vụ việc xảy ra.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bị hại trong các vụ án nếu từ chối giám định sẽ bị dẫn giải để đảm bảo công tác điều tra. Trong ảnh: Bị hại trong một vụ cố ý gây thương tích ở TP.Biên Hòa. (Ảnh mang tính chất minh họa) |
Theo ông Hùng, việc từ chối giám định thương tật của bị hại xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể sau khi gây tai nạn, hoặc gây thương tích cho người khác, người gây tai nạn (hoặc gây án) đã dùng tiền mua chuộc, hoặc dùng áp lực để gây sức ép, khiến cho bị hại và gia đình bị hại không muốn, hoặc không dám đi giám định thương tật. Theo nhận định của ông Hùng, đã có nhiều vụ án xảy ra có thể thương tích của bị hại đã đủ cơ sở để khởi tố (tỷ lệ 11% trở lên), nhưng khi bị hại không đi giám định thì cơ quan tố tụng đành “bó tay”. Trong khi đó, luật cũ chưa quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với các trường hợp bị hại từ chối giám định, khiến cơ quan điều tra không thể xử lý được.
Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Lý Minh Định, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an TP.Biên Hòa, cho biết từ trước đến nay, trong các vụ tai nạn giao thông, cố ý gây thương tích, cơ quan điều tra đều trưng cầu cơ quan giám định về thương tật, sức khỏe của các nạn nhân mới có cơ sở để thụ lý điều tra. Nhưng trên thực tế, có một số vụ phía người bị hại không chịu đi giám định nên cơ quan điều tra không có cơ sở để xử lý.
Trung tá Định cho biết, theo quy định tại Điều 105, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại), trong nhiều trường hợp (như các vụ cố ý gây thương tích), mặc dù đối tượng có sử dụng hung khí nguy hiểm, gây thương tích nặng cho bị hại nhưng không giám định được mức độ thương tật thì cơ quan điều tra vẫn không có cơ sở để khởi tố. Đối với các vụ tai nạn giao thông gây chết người hoặc bị thương nặng cũng phải có giám định cơ quan điều tra mới có cơ sở để xử lý.
Theo Trung tá Định, nếu là tai nạn làm chết người cũng phải giám định để xác định nguyên nhân tử vong để cơ quan điều tra có cơ sở kết luận và xử lý. Nhiều trường hợp tai nạn giao thông gây chết người nhưng người nhà tự đưa nạn nhân về mai táng mà không chấp nhận giám định thì không xử lý được. Đối với các trường hợp tai nạn xảy ra, nạn nhân được đưa vào bệnh viện mới tử vong, cơ quan điều tra cũng có thể giám định qua hồ sơ bệnh án.
* Chỉ là biện pháp hành chính
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, bị hại trong các vụ án từ chối giám định mà không có lý do chính đáng sẽ bị dẫn giải. Theo ông Nguyễn Phạm Hùng, quy định này đã khắc phục được những tồn tại khiến cơ quan tố tụng gặp khó khăn lâu nay, đồng thời tạo điều kiện cho cơ quan điều tra thực hiện nhanh các vụ án và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của bị hại.
Quy định mới đã tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ cơ quan điều tra, nhưng theo Trung tá Lý Minh Định, đây vẫn chỉ là biện pháp hành chính. “Trong trường hợp này, cơ sở pháp lý đã có, nhưng điều quan trọng là phải áp dụng như thế nào cho đúng và có hiệu quả” - Trung tá Định cho biết.
Theo Trung tá Định, lực lượng dẫn giải không được dùng biện pháp mạnh để buộc người bị hại phải hợp tác, mà chỉ mang tính chất “mời” họ hợp tác. Thông thường, để người bị hại hợp tác, cơ quan điều tra chủ yếu thuyết phục, động viên họ nhận ra được quyền lợi và trách nhiệm của mình để từ đó họ chấp nhận hợp tác điều tra.
Trần Danh