"Bị cáo thể hiện bản tính côn đồ khi thực hiện hành vi chém người như chém chuối. Uống rượu vào, bản tính hung hăng trỗi dậy, dù trước đó không có bất kỳ mâu thuẫn nào nhưng bị cáo lại ra tay giết hại nạn nhân một cách rất dã man".
“Bị cáo thể hiện bản tính côn đồ khi thực hiện hành vi chém người như chém chuối. Uống rượu vào, bản tính hung hăng trỗi dậy, dù trước đó không có bất kỳ mâu thuẫn nào nhưng bị cáo lại ra tay giết hại nạn nhân một cách rất dã man”.
Hội đồng xét xử đánh giá về hành vi giết người của bị cáo Trần Anh Kiệt (21 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp).
* Án mạng sau cuộc nhậu
Ngày 10-8-2015, sau khi uống rượu tại phòng trọ của Trần Anh Kiệt (thuê trọ tại huyện Nhơn Trạch), anh Nguyễn Văn Sang (38 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) không chịu về mà đứng phía ngoài đập cửa, mắng chửi và dọa gọi người đến đánh Kiệt. Tức giận, Kiệt đã cầm dao rựa xông ra chém tới tấp vào bạn nhậu, khiến anh Sang tử vong tại chỗ.
Bị cáo Trần Anh Kiệt tại tòa. |
Sau phút giây uống rượu không làm chủ được bản thân, Kiệt đã phải tra tay vào còng và buộc chặt cuộc đời với song sắt trại giam bằng bản án chung thân. Thế là chuỗi ngày cùng cha và em trai rong ruổi qua các tỉnh, thành mưu sinh của Kiệt đã phải dừng lại ở tuổi mới đôi mươi.
Kiệt kể về chuỗi ngày thơ ấu Kiệt cho biết khi Kiệt được 3 tuổi, đứa em trai của bị cáo vừa chào đời thì người mẹ của họ đã bỏ nhà đi biệt xứ. Nhà cửa không có, tiền bạc cha Kiệt kiếm được như “gió vào nhà trống” nên 3 cha con Kiệt phải đến tỉnh Đồng Tháp nương nhờ nhà người cô ruột.
Trong khi chúng bạn cùng lứa được cắp sách đến trường, anh em Kiệt phải rong ruổi trên các đường làng, con hẻm để bán từng tờ vé số kiếm cơm qua ngày. “Cha tôi đi chăn vịt thuê cho người ta, nhưng cũng chẳng kiếm được bao nhiêu tiền nên anh em tôi đâu có cơ hội được học hành” - Kiệt tâm sự. Vậy nên, anh em Kiệt một chữ bẻ đôi cũng không biết.
Bị cáo phải làm mọi việc để kiếm sống ngay khi còn nhỏ. Cứ thế, 3 cha con Kiệt lang thang khắp các tỉnh miền Tây kiếm sống. Đến năm 2012, cha con bị cáo đến huyện Nhơn Trạch xin làm công ty. Kiệt và em trai thuê nhà trọ để làm công nhân, còn cha bị cáo xin được chân bảo vệ nên ăn ở tại công ty.
Kiệt không phải là tay giang hồ cộm cán, không phải dân đàn anh và chưa từng vi phạm pháp luật, nhưng chỉ vì uống rượu vào, bản tính thay đổi và bắt đầu có hành động mất nhân tính.
* Những số phận bất hạnh
Vị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Kiệt: “Tại sao bị cáo chém anh Sang một cách dã man như thế?”. Bị cáo Kiệt ấp úng trả lời: “Bị cáo cũng không biết tại sao?”. Vị chủ tọa lại hỏi: “Giữa bị cáo và bị hại có mâu thuẫn gì không?”. Bị cáo đáp: “Bị cáo và anh Sang làm chung công ty, thân thiết mới rủ nhau nhậu chứ không có mâu thuẫn”.
Những lời đối đáp diễn ra cho thấy bản thân bị cáo cũng không thể tin mình lại hành động như một kẻ máu lạnh. Vì rượu điều khiển nên những nhát dao cứ thế bổ vào người bị hại một cách vô thức. Bị hại tử vong, để lại một cuộc đời bất hạnh cho 2 con nhỏ.
Vào thời gian trước, vợ qua đời vì bệnh tật nên anh Sang dắt 2 đứa con nhỏ đến huyện Nhơn Trạch để làm ăn. Trong thời gian làm chung công ty, anh Sang quen biết và chơi thân với bị cáo Kiệt. Ngày xảy ra vụ án, anh Sang cũng say xỉn nên mới đập cửa phòng Kiệt rồi chửi rủa. Nào ngờ đâu, vụ án mạng đã xảy ra.
Vậy là 2 đứa con của bị hại thành trẻ mồ côi, lại sống trong cái nghèo, cái khổ và số phận bất hạnh như anh em bị cáo Kiệt từng sống. Bị cáo từ ngày vào trại giam cũng không biết cha và em trai đã phiêu bạt nơi nào. Chỉ duy nhất một lần người em trai vào thăm bị cáo, rồi sau đó biệt tăm.
Thay vì sống ấm êm và bình yên trong căn phòng trọ cùng cha và em trai thì bị cáo lại tự đẩy mình vào tù. Chỉ mong nhiều người lấy đó làm bài học, khi tham gia các cuộc nhậu phải giữ đúng mực để không bị ma men điều khiển mang lại sự bất hạnh cho bản thân và cho người khác.
Tố Tâm