Để con gái có bàn tay giả thẩm mỹ, bà L. (ngụ thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) kiên quyết buộc bà T. (người sử dụng lao động ngụ thị trấn Định Quán) bồi thường 120 triệu đồng.
Để con gái có bàn tay giả thẩm mỹ, bà L. (ngụ thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) kiên quyết buộc bà T. (người sử dụng lao động ngụ thị trấn Định Quán) bồi thường 120 triệu đồng.
Sau nhiều lần hòa giải bất thành, đến phiên xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân huyện Định Quán ngày 20-4, đôi bên mới tìm được tiếng nói chung. |
Nhưng trước sự phân giải lý tình của tòa và hoàn cảnh khó khăn của bà T., bà L. chỉ buộc bà này bồi thường tổng cộng 100 triệu đồng để vụ việc của con bà sớm khép lại.
* Lỗi tại chủ
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, em H. (học sinh lớp 8) đã nhờ một người bạn của chị gái xin vào làm việc bán thời gian tại cơ sở sản xuất bánh kẹo của bà T. Được bà T. nhận vào thử việc, H. hớn hở trong lòng vì có cơ hội kiếm được ít tiền lo việc học hành, để mẹ bớt vất vả. Ngày làm việc thứ nhất đối với H. thật sự là niềm vui vì mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Nhưng sang ngày làm việc thứ 2, bàn tay trái của em đã bị cuốn vào máy ép bánh kẹo, phải cắt bỏ 5 ngón tay (tỷ lệ thương tật 50%).
Xót cho con, bà L. vẫn điềm tĩnh cùng bà T. tìm cách giải quyết vụ việc êm đẹp sau khi tai nạn xảy ra. Nhưng vì không tìm được tiếng nói chung sau nhiều lần hòa giải, hai bên đã dắt nhau ra tòa.
Tại tòa, hai bên vẫn tranh luận xoay quanh số tiền bồi thường mà chưa quan tâm đến nỗi đau tinh thần của cô bé đang bước vào tuổi thiếu nữ.
Bà T. khẳng định, bà nhận H. vào làm việc (lúc đó em mới hơn 13 tuổi và còn đi học) vì lòng thương người, do H. không cẩn thận trong lúc làm việc nên mới bị tai nạn, chứ không phải do lỗi bà gây ra.
Ông Đặng Bửu Trọng, Trợ giúp viên thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho em H., cho biết ông rất hài lòng khi đôi bên thỏa thuận được số tiền bồi thường tai nạn lao động cho em H. để vụ việc nhanh chóng khép lại và H. ít bị tổn thương về mặt tinh thần. Qua vụ việc này, ông sẽ kiến nghị đến các cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền pháp luật lao động, quyền trẻ em trong các cơ sở, doanh nghiệp và người dân ở Định Quán. |
Việc bà T. nhận H. vào làm việc nhằm giúp em vượt qua cảnh khó khăn trong cuộc sống, học tập được mọi người ghi nhận về mặt tình cảm, nhưng xét về mặt pháp lý, cái lỗi của bà rất rõ khi sử dụng lao động trẻ em không ký kết hợp đồng, không có thỏa ước lao động với người lao động, giám hộ; bố trí việc làm cho trẻ em không phù hợp…
Dù vậy, trước tòa bà L. vẫn thiện chí đề nghị cho đôi bên một cơ hội thỏa thuận lần cuối và thiện chí của bà đã được tòa chấp thuận. Bà L. cho rằng, lẽ ra bà sẽ yêu cầu bà T. bồi thường cho H. theo quy định của pháp luật với tổng số tiền trên 600 triệu đồng (tổn thất tinh thần, trợ cấp mất sức lao động, chi phí làm tay giả…), nhưng để vụ việc được giải quyết nhanh, bà chỉ yêu cầu bà T. bồi thường 120 triệu đồng, không kể 40 triệu đồng bà T. đã bồi thường trước đó.
* Nỗi lòng
Số tiền 120 triệu đồng bà L. yêu cầu bà T. bồi thường tai nạn cho H. chỉ nhỉnh hơn số tiền bà T. đã đồng ý bồi thường trong các lần thỏa thuận trước đó (95 triệu đồng) không nhiều. Chỉ vì sự thách thức, bức xúc giữa hai bên và cả sự thiếu hiểu biết pháp luật lao động, dân sự của cả hai nên số tiền cứ vậy tăng dần lên hơn 600 triệu đồng theo mỗi lần hòa giải bất thành. Nay điềm tĩnh ngồi lại, lắng nghe sự phân tích thấu tình đạt lý của tòa, sự nóng giận, nghi kỵ của 2 bà L., T. cũng dịu dần và cả hai thống nhất con số 100 triệu đồng bồi thường cho em H.
Phiên tòa khép lại bằng phán quyết công nhận thỏa thuận thành giữa các đương sự. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và em H. nay mai sẽ có bàn tay giả.
Rời phiên tòa khi ý nguyện của mình được giải quyết thỏa đáng, bà L. tâm sự, lý do bà để em H. đi làm việc kiếm tiền ăn học là cả một câu chuyện dài về nỗi đau mà gia đình bà phải trải qua.
Năm 2000, khi H. được sinh ra, gia đình bà cũng có rẫy vườn cho thu nhập đủ để nuôi đàn con 5 đứa. Năm 2002, do chồng bị bệnh nên bà phải bán rẫy vườn chạy chữa cho chồng. Đến khi kinh tế gia đình khánh kiệt thì cũng là lúc ông qua đời. Thiếu vắng trụ cột gia đình, các con bà L. lần lượt nghỉ học để đi làm kiếm kế sinh nhai. Riêng H. còn nhỏ nên được mẹ và các anh chị động viên đến lớp. Vì thương mẹ, thương anh chị, H. đã tìm việc làm thêm để mẹ bớt vất vả và em cũng kiếm được một số tiền nho nhỏ chi tiêu cho việc học trước khi vào cơ sở bánh kẹo của bà T. làm việc. Thế rồi, chuyện không may đã xảy ra với H…
Đoàn Phú