Chiều 22-4, sau 3 ngày bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (34 tuổi, ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, người tố cáo một số bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành có hành vi đánh đập và phá chòi canh tôm của bà), đã được đề nghị cho tại ngoại điều tra.
Chiều 22-4, sau 3 ngày bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (34 tuổi, ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, người tố cáo một số bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành có hành vi đánh đập và phá chòi canh tôm của bà), đã được đề nghị cho tại ngoại điều tra.
Trước đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Nhơn Trạch và các cơ quan tố tụng của huyện liên quan đến vụ việc này.
*Bà Ngọc được đề nghị cho tại ngoại
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai vào chiều 22-4, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hồ Văn Năm cho biết, ông vừa chủ trì cuộc họp với Thường trực Huyện ủy Nhơn Trạch và đại diện các cơ quan tố tụng của huyện để xem xét về vụ bà Ngọc bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch khởi tố, bắt tạm giam về hành vi chống người thi hành công vụ. Qua làm việc với các bên liên quan, xác định việc bắt bà Ngọc để điều tra trong trường hợp này là chưa cần thiết, nên cơ quan tố tụng phải thay đổi ngay biện pháp ngăn chặn đối với bà Ngọc. Theo đó, bà Ngọc được cho tại ngoại để phục vụ công tác điều tra.
Giấy mời bà Ngọc lên Công an xã Phước An (ảnh trái) và bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (ảnh phải) Ảnh: CTV |
Về việc khởi tố bà Ngọc về hành vi chống người thi hành công vụ, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã đề nghị các cơ quan liên quan báo cáo toàn bộ vụ việc để xem xét; nếu phát hiện có sai phạm trong việc khởi tố, bắt tạm giam bà Ngọc thì các cá nhân liên quan sẽ phải bị xem xét xử lý theo quy định. Nhưng theo ông Năm, qua cuộc họp với các cơ quan liên quan bước đầu cho thấy việc khởi tố, bắt tạm giam bà Ngọc là do nhận thức pháp luật của cán bộ điều tra còn hạn chế chứ không có động cơ cá nhân.
Đối với việc bà Ngọc được đề nghị cho tại ngoại điều tra, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch xác nhận, đã nhận được chỉ đạo của Ban Nội chính Tỉnh ủy. Nhưng theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch phải ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, sau đó Viện Kiểm sát mới phê chuẩn để bà Ngọc được tại ngoại.
Như Báo Đồng Nai đã phản ánh vào ngày 19-4, khi đến Công an xã Phước An làm việc về vụ tố cáo bảo vệ rừng đánh đập, phá chòi canh tôm của mình theo giấy mời của công an xã, bà Ngọc đã bị Công an huyện bắt tạm giam để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra vào tháng 9-2015. Quyết định bắt bà Ngọc đã được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch phê chuẩn.
*Có dấu hiệu vi phạm tố tụng
Liên quan đến sự việc bà Ngọc bị bắt giữ, Chánh văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phan Văn Thắng cho rằng, việc bắt tạm giam bà Ngọc có mấy điểm chưa thuyết phục, gây nghi ngờ cho dư luận.
Theo ông Thắng, thời điểm bị bắt (ngày 19-4), bà Ngọc đang là người tố cáo bảo vệ rừng có hành vi đánh đập, phá chòi canh tôm của bà. Sự vụ chưa được Công an huyện Nhơn Trạch giải quyết xong (đang điều tra), nhưng cơ quan này lại ra quyết định bắt giữ bà Ngọc để điều tra về một vụ việc khác. Nhìn nhận một cách khách quan, nhiều người sẽ nghĩ cơ quan công an đang thực hiện một việc làm không thực sự công tâm. Dư luận sẽ nghĩ cơ quan điều tra đang bao che cho cán bộ bảo vệ rừng. Vì khi bị bắt, chắc chắn bà Ngọc sẽ khó khăn trong việc tiếp tục theo đuổi sự việc bà đang tố cáo bảo vệ rừng đánh đập, phá tài sản của bà.
Cùng quan điểm này, luật sư Phạm Tiến Dũng (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng việc cơ quan điều tra bắt tạm giam bà Ngọc khi bà đang tố cáo một hành vi khác đã hạn chế quyền công dân của bà. “Tôi đang tố cáo hành vi sai trái của một số người thuộc cơ quan chức năng với công an. Sự việc chưa biết ai đúng, ai sai nhưng công an lại bắt tôi vì một vụ việc khác thì chẳng khác nào bắt để dằn mặt…” - luật sư Dũng phân tích.
Một điều đáng quan tâm trong vụ án này là việc Công an huyện Nhơn Trạch thực hiện lệnh bắt giữ bà Ngọc khi sự việc đã xảy ra cách thời điểm bắt giữ hơn 6 tháng. Theo ông Thắng, hành vi chống người thi hành công vụ đã xảy ra từ tháng 9-2015 (theo báo chí phản ánh), nhưng đến nay mới khởi tố cho thấy có dấu hiệu vi phạm tố tụng.
Ông Thắng cho biết, tại khoản 2, Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định về nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố xác định: “Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố, hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp, hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá 2 tháng”. Chiếu theo quy định của pháp luật, việc bà Ngọc có hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra vào tháng 9-2015, đến nay đã quá thời hạn giải quyết.
Về vấn đề này, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch cho biết vụ việc đã được đưa vào hệ thống tin báo tố giác tội phạm, nhưng quá trình điều tra, cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn do bà Ngọc không hợp tác, khiến vụ việc kéo dài.
Trần Danh