Đứng nép mình vào ô cửa sổ bên trái hội trường tòa án, đứa trẻ 7 tuổi cố nhón chân lên để nhìn cho được bị cáo Nguyễn Trung Hiếu (32 tuổi, ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa).
Đứng nép mình vào ô cửa sổ bên trái hội trường tòa án, đứa trẻ 7 tuổi cố nhón chân lên để nhìn cho được bị cáo Nguyễn Trung Hiếu (32 tuổi, ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa).
Đứa bé ấy là con của bị cáo, một đứa con tội nghiệp đang thiếu vắng cả tình thương yêu, sự chăm sóc của cha lẫn mẹ.
* Kẻ nghiện giết người
Nhìn cha bị còng 2 chân đứng trước vành móng ngựa, đứa bé ấy vẫn còn ngơ ngác và không hiểu chuyện. Dù gì thì đứa trẻ ấy cũng chưa được nhiều lần sà vào lòng cha để ngủ, chưa nhiều lần được cùng cha chơi đùa hay sống một tuổi thơ đầy ắp tình thương. Những chuỗi ngày đáng ra cha nó phải ở cạnh bên chăm sóc con lại được thay bằng thời gian sống trong trại cai nghiện, trong trại tạm giam.
Bị cáo Nguyễn Trung Hiếu tại tòa. |
Cuộc sống của bị cáo Hiếu trở nên túng quẫn khi bước vào con đường chơi bời và nghiện ngập. Bị cáo kể rằng, học đến lớp 7 bị cáo đã từ bỏ đèn sách để phụ giúp cha mẹ việc gia đình. Từ đây, Hiếu quen nhiều bạn bè và hay tụ tập nhậu nhẹt. Trong một lần dự tiệc với bạn, Hiếu được “đãi” ma túy và bị nghiện, bắt đầu trở thành “người thừa” của xã hội. 20 tuổi, Hiếu chôn vùi cuộc đời trong ma túy và bị đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Cai nghiện được 24 tháng thì Hiếu được về xã hội để làm lại cuộc đời. Chỉ một thời gian ngắn sau, Hiếu dẫn một cô gái 18 tuổi về nhà xin cha mẹ cưới vợ cho mình. Nghĩ con trai lấy vợ rồi sẽ biết chí thú làm ăn, cha mẹ Hiếu đã đồng ý cho con lấy vợ khi mới 23 tuổi. Nhưng cưới vợ chưa đầy năm, Hiếu lại lao vào nghiện ngập và năm 2007 tiếp tục bị đưa vào trại cai nghiện.
Thời gian Hiếu đi cai nghiện cũng là lúc người vợ trẻ mang thai đứa con trai đầu lòng. Sinh con ra chưa đầy năm, vì quá chán nản nên người mẹ đành để con cho ông bà nội nuôi rồi bỏ đi biệt tăm.
Còn Hiếu, sau khi ra khỏi trại cai nghiện lại tái nghiện nên năm 2011 tiếp tục đi chữa bệnh bắt buộc. Đứa trẻ đó bỗng bị đẩy vào một gia đình có cha bị nghiện, mẹ bỏ đi và chỉ được ấp ủ bằng tình thương yêu của ông bà.
* Sự khoan dung của gia đình bị hại
Úp mặt trên đôi tay chai sần, chị Đỗ Thị Thanh Trúc (vợ của bị hại) khóc nức nở tại tòa. Chị kể rằng, sau khi có 2 đứa con, vợ chồng chị gom góp số vốn nhỏ dành dụm được, cộng thêm tiền vay ngân hàng để mở garage sửa chữa xe ô tô kiếm sống. Ăn nên làm ra mới được 9 tháng thì chồng chị vô cớ bị giết, chị đành bán sạch mọi thứ để trả nợ và đi làm thợ may cho người ta. Từ đó, gia đình chị tan hoang, con mất cha, vợ mất chồng, kinh tế phá sản, nợ nần chồng chất.
Theo cáo trạng, anh Võ Văn Nghĩa làm chủ garage sửa chữa ô tô Chánh Thịnh Phát (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa). Thời gian rảnh rỗi, anh Nghĩa thường đi qua sân bóng đá mini kế bên garage để chơi cờ cá ngựa với bạn. Trong một lần thấy anh Nghĩa chơi cờ, Hiếu đã đến “xin tiền” nhưng anh Nghĩa không cho. Gần 2 tháng sau, ngày 12-9-2015, nghĩ đến chuyện cũ nên Hiếu xách dao đến garage Chánh Thịnh Phát đâm anh Nghĩa tử vong. |
“Sau thời gian tìm hiểu, tôi biết gia đình bị cáo rất khó khăn, cha mẹ bị cáo đã già, con bị cáo thì bơ vơ. Tôi rất đồng cảm và chia sẻ với sự khó khăn của bị cáo, nhưng không biết bị cáo có đồng cảm và chia sẻ với nỗi đau mất mát mà tôi đang phải chịu đựng không. Tình trạng của tôi và con hiện vô cùng bi thảm” - nói đến đây, chị Trúc gục mặt xuống bàn khóc rưng rức.
Với lòng khoan dung của mình, chị Trúc đã mong Hội đồng xét xử không xem xét phần bồi thường về mặt dân sự cho mình. Theo chị, cho đến bây giờ, việc bồi thường cho cái chết của chồng chị đã trở nên vô nghĩa.
Đứng trước tòa, bị cáo Hiếu có gương mặt lạnh lùng, ánh mắt sắc lẹm và một thái độ vô cảm trước lòng bao dung của gia đình bị hại. Có lẽ, từ lâu bị cáo đã quên đi tình người, quên đi lòng trắc ẩn nên mới vô cớ tước đoạt mạng sống của người khác.
Cuộc đời của bị cáo lại chôn vùi trong lao tù bằng bản án chung thân. Nỗi đau gia đình bị hại thành vết sẹo không thể biến mất. Tôi chỉ còn nhớ hình ảnh đứa con bị cáo cố chen chân để đến được gần cha nó và bất giác ngước mắt lên hỏi bà nội: “Họ đưa ba con đi đâu vậy nội?”.
Tố Tâm