Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) ở Đồng Nai cũng như cả nước giảm so với những năm trước.
Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) ở Đồng Nai cũng như cả nước giảm so với những năm trước.
Đây là tín hiệu đáng mừng khi mà từ trước tết, các ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm tăng cường đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).
* Đã kéo giảm tai nạn giao thông dịp nghỉ tết
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, thời gian xảy ra TNGT chủ yếu từ 18 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Trong đó, phần lớn nam giới trong độ tuổi 19-30 là đối tượng tham gia giao thông và gây tai nạn chủ yếu (chiếm 86%). Nhóm phương tiện xe máy, xe tải, xe ô tô cá nhân và xe đầu kéo thường xuyên gây ra tai nạn. Trong đó, mô tô và xe máy chiếm tỷ lệ lớn nhất (hơn 66%).
Theo Ban ATGT tỉnh, nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết người chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông còn kém, không chấp hành pháp luật giao thông, như: chạy quá tốc độ cho phép; tránh, vượt sai quy định; chở quá số người quy định; phóng nhanh vượt ẩu… Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến TNGT trên địa bàn vẫn còn cao là do số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, nhất là ở các nơi có khu công nghiệp, đông công nhân lao động sinh sống.
Trước và sau Tết Nguyên đán, mỗi ngày có hàng ngàn phương tiện xe khách, xe tải, ô tô cá nhân từ tỉnh khác quá cảnh qua Đồng Nai để đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và hướng ngược lại. Điều này đã khiến áp lực giao thông tăng cao, nếu không có những biện pháp quyết liệt và chấn chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến tăng nguy cơ tai nạn.
Trong năm 2016, Đồng Nai phấn đấu kéo giảm 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do TNGT; giảm tỷ lệ ít nhất một người chết do tai nạn trên 10 vạn dân; giảm tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; giảm ùn tắc giao thông và không để ùn tắc kéo dài trên 30 phút. Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra xe khách qua địa phận Đồng Nai. |
Trước tết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã yêu cầu: “Phải khẩn trương và đẩy nhanh rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đối với các vị trí có nguy cơ là “điểm đen” về TNGT, mất ATGT phải khắc phục và xử lý kịp thời. Các thành viên, địa phương đã ký cam kết kéo giảm TNGT phải triển khai thực hiện bằng hành động cụ thể, nghiêm túc”.
Để tiếp tục kéo giảm TNGT, Ban ATGT tỉnh liên tục yêu cầu các ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết 88 của Chính phủ, “Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường thực hiện công tác bảo đảm ATGT ngay từ đầu năm.
So với dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, số vụ, số người chết và bị thương do TNGT năm nay được kéo giảm, nhưng theo đánh giá số người chết vẫn còn khá cao. Chính sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng đã góp phần làm cho tình hình giao thông trong những ngày đầu năm mới được kiểm soát.
* Nghiêm túc chấp hành văn hóa giao thông
Mục tiêu trong Năm ATGT 2016 là tạo động lực mạnh mẽ trong hoạt động bảo đảm trật tự ATGT; đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, các thành viên ban ATGT các địa phương, những người thực thi công vụ, thực hiện toàn diện, đồng bộ, liên tục các chủ trương, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về trật tự ATGT trên từng địa bàn, từng tuyến và toàn tỉnh.
Xây dựng văn hóa giao thông phải gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ với mục tiêu tính mạng con người là trên hết. Trên thực tế, người đi đường thường xuyên bắt gặp hình ảnh xe biển số xanh, biển số đỏ hay giành quyền ưu tiên khi đi trên đường. Người dân cho rằng, trước tiên việc nêu gương đơn giản là cả người điều khiển lẫn người ngồi trong những chiếc xe này cần nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật giao thông để người dân đi đường xem đó mà noi theo.
Nói về vấn đề này, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư đã nhấn mạnh: “Bất cứ người nào vi phạm pháp luật giao thông cũng đều bị xử lý, kể cả cán bộ, công chức. Không thể để người này chấp hành mà người kia không chấp hành. Báo chí, người dân cứ ghi hình cán bộ, công chức vi phạm rồi gửi về cho cơ quan chức năng để tỉnh có biện pháp xử lý nghiêm”.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy cũng đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ. Ông cũng đề nghị Công an tỉnh, Sở Giao thông - vận tải mở cuộc vận động trong cán bộ, công chức, thanh tra viên thực hiện nghiêm, dứt khoát nhiệm vụ, không để xảy ra sai sót trong khi thực thi công vụ.
Trong đợt ra quân thực hiện đảm bảo ATGT năm 2016, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết: “Trong việc chấp hành văn hóa giao thông, người đứng đầu phải nêu gương. Cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT để làm thay đổi cơ bản tình hình giao thông trên địa bàn, khắc phục triệt để những tồn tại kéo dài từ những năm trước. Đối với lực lượng thi hành công vụ, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, cần có tính chuyên nghiệp hơn nhằm nâng cao nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự ATGT”.
Thanh Hải