Báo Đồng Nai điện tử
En

Đâu rồi đạo làm con?

10:12, 25/12/2015

Là người bị hại, cũng là cha bị cáo Sẩm Lủy Kíu (47 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom), ông Sẩm Mầu khập khiễng đi từng bước vào phòng xét xử với khuôn mặt, khắc khổ của tuổi già. Đã bước qua tuổi 92, vậy mà ông Mầu phải chịu nỗi đau không gì bù đắp khi bị con gái hạ độc.

Là người bị hại, cũng là cha bị cáo Sẩm Lủy Kíu (47 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom), ông Sẩm Mầu khập khiễng đi từng bước vào phòng xét xử với khuôn mặt, khắc khổ của tuổi già. Đã bước qua tuổi 92, vậy mà ông Mầu phải chịu nỗi đau không gì bù đắp khi bị con gái hạ độc.

Bị cáo Sẩm Lủy Kíu nghe tòa tuyên án.
Bị cáo Sẩm Lủy Kíu nghe tòa tuyên án.

Được cha cho mảnh đất nhỏ, bị cáo Kíu cất nhà sống một mình bên cạnh nhà ông Mầu. Để có tiền trang trải cuộc sống, bị cáo đi làm rẫy và nuôi thêm mấy con gà thả vườn. Chính những con gà này là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến việc Kíu phạm tội giết cha.

* Đầu độc cha bằng thuốc trừ sâu

Quá trình sinh sống cạnh nhau, giữa 2 cha con bị cáo Kíu thường xuyên lời qua tiếng lại. Bị cáo Kíu nói: “Bị cáo sống một mình, tự nấu ăn riêng. Hai cha con cũng thường xuyên gây gổ, cha hay chửi bới bị cáo vì bị cáo nuôi gà thả rông ngoài vườn. Do gà nhảy lên bàn thờ, cha bị cáo nói bị cáo nhốt lại, nhưng bị cáo không nghe nên ông mắng bị cáo”.

Như lời bị cáo Kíu nói, khoảng tháng 4-2015, bị cáo để gà mình vào trong nhà ông Mầu phá phách. Đến 9 giờ ngày 20-4, gà lại nhảy lên bàn thờ gia tiên, làm vỡ ly nước cúng, khiến ông Mầu tức giận la mắng Kíu. Giận cha lâu nay đối xử tệ với mình, bị cáo Kíu đã nảy sinh ý định giết cha. Sẵn có bịch thuốc trừ sâu trong nhà, Kíu đã lén lấy pha vào ly cà phê của ông Mầu rồi bỏ đi làm.

Khoảng 15 giờ cùng ngày, ông Mầu uống ly cà phê có pha thuốc trừ sâu nên bị trúng độc, dẫn đến ói mửa. Nghi ngờ Kíu hạ độc mình, ông Mầu đã gọi anh Vũ (cháu ngoại ông Mầu) đến và kể cho anh Vũ biết sự việc. Khi Kíu về nhà, anh Vũ hỏi Kíu có hạ độc ông Mầu hay không thì bị cáo phủ nhận và hất đổ phần còn lại của ly cà phê xuống đất. Ông Mầu nhờ được người nhà đưa đi bệnh viện cứu chữa kịp thời nên đã thoát chết. Riêng bị cáo Kíu, từ việc trình báo của gia đình, vào ngày 21-4 bị cáo đã bị công an bắt.

Tại tòa, bị cáo Kíu không quanh co chối tội, mỗi lời bị cáo khai thể hiện sự thành khẩn, thật thà của người kém hiểu biết pháp luật. Khi vị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Kíu pha thuốc trừ sâu như thế nào thì bị cáo nhanh chóng khai nhận: “Biết cha hay uống cà phê nên bị cáo pha thuốc trừ sâu với nước rồi lén đổ vào ly cà phê của cha”.

* “Xin tòa xử nhẹ chút…”

Là người dân tộc thiểu số, lại sống có phần khép kín nên ông Mầu không nói được tiếng Việt, mỗi câu hỏi của vị chủ tọa phiên tòa ông đều nhờ đến người phiên dịch. Khi vị chủ tọa hỏi ông uống ly cà phê pha thuốc trừ sâu có thấy khác thường hay không, thì ông Mầu trả lời: “Có. Uống vào tôi thấy có mùi khác nên chỉ uống một ngụm. Uống xong thấy chóng mặt nên tôi ra võng nằm, rồi bị nôn ói…”.

Xét hoàn cảnh gia đình bị cáo Sẩm Lủy Kíu khó khăn, sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo 8 năm tù về tội giết người.

Vị chủ tọa đã lên án mạnh mẽ hành vi phạm tội của bị cáo Kíu: “Hành vi của bị cáo là bất hiếu; ngoài việc vi phạm pháp luật, bị cáo còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức của một người con đối với cha mình”.

Tuy nhiên, là người làm cha, ông Mầu không thể không tha thứ cho bị cáo Kíu. Ông cho biết: “Tôi thương nó mà nó không biết điều… Xin tòa xử nhẹ chút…”. Lý do đơn giản, bởi ông không muốn người con gái bấy lâu nay sống gần với mình phải chịu thêm nhiều khổ cực trong chốn lao tù.

Xét cho cùng, bị cáo Kíu là người có hoàn cảnh rất khó khăn. Lấy chồng được thời gian ngắn thì bị chồng bỏ. Bị cáo sống một mình bên cạnh cha, người vốn được người thân trong nhà đánh giá là rất khó tính. Thậm chí, nhiều lúc ông Mầu lại lấy sự bất hạnh trong hôn nhân của bị cáo Kíu ra mà mắng, khiến bị cáo bị tổn thương.

Trước thực tế đó, vị luật sư bào chữa cho bị cáo Kíu phân tích: “Bị cáo sống trong cộng đồng dân tộc thiểu số, ít tiếp xúc với bên ngoài, chữ viết, tiếng nói của người Kinh còn chưa rõ. Sống có phần lạc hậu, lại liên tục bị cha mắng nên hành động của bị cáo vừa đáng giận vừa đáng thương”.

Tội mà bị cáo Kíu làm sẽ bị pháp luật trừng trị, nhưng bị cáo còn phải chịu sự giày vò về lương tâm, về đạo đức của một người con đối với cha mình. Tuổi ông Mầu đã già, thụ án xong lần này chắc gì bị cáo Kíu còn có thể về và “được” nghe ông mắng nữa?

Thiên Quyết

 

 

 

 

Tin xem nhiều