Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho các tầng lớp nhân dân đang ngày càng đa dạng về hình thức, được cả hệ thống chính trị chung tay....
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho các tầng lớp nhân dân ngày càng đa dạng về hình thức, được cả hệ thống chính trị chung tay. Nhưng để đánh giá hiệu quả hoạt động TTPBGDPL thì các ngành, đơn vị, địa phương vẫn còn thiếu bộ tiêu chuẩn để xem xét.
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho rằng, cần phải có một tổ chức thực hiện công tác này một cách chuyên nghiệp để từ đó có những giải pháp đưa pháp luật vào cuộc sống tốt hơn.
* Nhiều mô hình tư vấn, hỗ trợ pháp lý
Bận rộn với công việc vườn rẫy nhưng ông Nguyễn Ngọc Thế Phong (ngụ ấp 2, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) vẫn tranh thủ đến trụ sở UBND xã nhờ các luật sư, luật gia của Hội Luật gia tỉnh tháo gỡ vướng mắc về trường hợp pháp lý của gia đình. Ông Phong bày tỏ, làm nông thì các luật gia, luật sư sẽ thua ông, nhưng để ông có đất trồng trọt, các luật gia, luật sư phải giúp ông thu hồi lại phần đất của gia đình bị người khác lấn chiếm trái phép.
Nhân Ngày Pháp luật năm 2015, Hội Luật gia tỉnh đã tổ chức tư vấn, hỗ trợ pháp lý lưu động tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú). |
Vấn đề của ông Phong được các luật gia tư vấn cặn kẽ trong chuyến tuyên truyền lưu động của Hội Luật gia tỉnh tại xã Trà Cổ ngày 31-10 (nằm trong chuỗi hoạt động của Hội Luật gia tỉnh nhân Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2015).
Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho hay việc đánh giá hiệu quả công tác TTPBGDPL hiện vẫn còn cảm tính, chung chung, chưa có tiêu chí rõ ràng. Tuy nhiên, qua triển khai Dự án “Trợ giúp pháp lý miễn phí cho đồng bào 6 xã ở huyện Tân Phú” năm 2014, Hội Luật gia tỉnh đã có những con người, vụ việc cụ thể để đánh giá. “Công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý là một cơ sở để đánh giá kết quả của công tác TTPBGDPL” - luật gia Nguyễn Đức nói.
Trong năm 2015, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện được trên 100 buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…, với trên 10 ngàn lượt người tham dự. Trong năm 2015, trung tâm và các đơn vị trực thuộc cũng đã thực hiện trợ giúp pháp lý được gần 1,5 ngàn vụ việc (tư vấn, hướng dẫn, giải đáp; tham gia tố tụng; đại diện ngoài tố tụng).
Ông Nguyễn Minh, Phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, cho hay tại các buổi tư vấn, trợ giúp pháp lý, các trợ giúp viên đã phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết ngay thắc mắc về pháp luật cho người dân, hoặc hướng dẫn họ khiếu nại lên cấp trên, khởi kiện ra tòa.
Theo luật gia Nguyễn Đức và trợ giúp viên Nguyễn Minh, tùy theo sự việc, chức năng, trình độ chuyên môn, kỹ năng… mà các luật gia, luật sư, trợ giúp viên giải đáp thắc mắc cho người dân ngay tại buổi tư vấn. Về phần người dân, khi đã nhận thức được vấn đề qua buổi tư vấn thì họ tự lựa chọn hướng đi tiếp theo của mình là dừng khiếu nại, hoặc phải tiếp tục khởi kiện vụ việc để đòi quyền lợi theo hướng dẫn của cán bộ pháp lý. Từ đây, đoàn công tác có thể đánh giá, nhận định được mục đích tuyên truyền của mình đã đạt được hay chưa, đạt ở mức độ nào và phải tiếp tục hỗ trợ người dân ở bước tiếp theo ra sao trong thời gian tới.
* Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Nhân Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2015, Sở Tư pháp và Công đoàn viên chức tỉnh đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề, công tác TTPBGDPL không phải của riêng ngành nào, mà cả hệ thống chính trị phải chung tay (được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, xuyên suốt của các cấp ủy, chính quyền). Quan điểm này, bấy lâu nay các cấp, đơn vị, địa phương đã làm và phát huy hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới phải tiếp tục khẳng định đó là quan điểm xuyên suốt, tăng cường hơn nữa trong nhiệm vụ TTPBGDPL. “Nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh công tác TTPBGDPL thì nơi đó làm rất tốt công tác này” - ông Lưu Văn Toàn (chuyên viên Phòng tư pháp TP.Biên Hòa) khẳng định.
Chủ đề Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015 là: “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Để triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015”, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, địa phương xác định cụ thể nội dung công việc, thời gian, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp với tính chất, điều kiện công tác. |
Nhận xét của ông Toàn rất đúng với thực tế khi chúng tôi cùng các đoàn công tác của Hội Luật gia tỉnh, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đi tư vấn, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân, công nhân… Theo đó, dù công tác chuẩn bị của các đơn vị thực hiện rất kỹ, rất bài bản nhưng nhiều địa phương vẫn không huy động được đối tượng cần tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp đến tham dự. Lý do khách quan là người dân bận công việc, thời gian đi tuyên truyền chưa hợp lý, hình thức chưa hấp dẫn. Còn lý do chủ quan là thông tin chưa đến với dân, chính quyền địa phương chưa thật sự cầu thị, hoặc ngại các chuyên gia pháp luật giúp dân chỉ ra những yếu kém của mình trong công tác quản lý, thực thi pháp luật.
Luật gia Nguyễn Đức ví von, nhu cầu hiểu biết pháp luật của người dân cần thiết như nhu cầu ăn, mặc, ở. Sự am hiểu pháp luật của người dân, sự thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước càng cao, đúng đắn thì phương châm: “Sống, làm việc, tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật” của xã hội ngày càng phát triển lên tầm cao. Để làm tốt điều này, ngoài việc Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tiến bộ, hội nhập thì công tác TTPBGDPL của Đảng, Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân cũng quan trọng không kém.
Đoàn Phú