Sáng 4-11, Sở Tư pháp và Công đoàn Viên chức tỉnh phối hợp tổ chức buổi tọa đàm về "Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai".
Sáng 4-11, Sở Tư pháp và Công đoàn Viên chức tỉnh phối hợp tổ chức buổi tọa đàm về “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.
Tại buổi tọa đàm, các đơn vị, sở, ngành đã cùng thống nhất quan điểm: “Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật không chỉ riêng ngành nào mà là cả hệ thống chính trị phải cùng chung tay”.
* Chỉ rõ bất cập
Theo đánh giá của Sở Tư pháp, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cần sớm tìm giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Cụ thể như: bộ phận giúp việc cho cơ quan thường trực hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, chưa tương xứng với áp lực công việc; kinh phí cho công tác này ở cấp tỉnh thường chậm, phân bổ phân tán nhiều đầu mối; tổ chức triển khai các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ tại các sở, ngành, đơn vị còn thiếu sự phối hợp…
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: VĂN CHÍNH |
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu là đến nay tỉnh chưa có được một tổ chức thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật một cách chuyên nghiệp, đảm bảo sự tập trung thống nhất về nguồn lực con người và tài chính.
Trao đổi kinh nghiệm về công tác, ông Trần Minh Giám (Ủy ban MTTQ tỉnh) nhìn nhận việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân tuy đạt tỷ lệ khá cao nhưng chưa thường xuyên; chưa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng những nội dung trọng tâm; còn hình thức, chưa sát với yêu cầu cuộc sống, tập trung đúng đối tượng. Về phía ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên ở cơ sở, do lực lượng mỏng, công việc nhiều nên chưa thật sự chủ động trong công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Kiến thức pháp luật của một số thành viên trong “nhóm nòng cốt” còn hạn chế. “Trong công tác tuyên truyền, tập huấn pháp luật cho cán bộ cơ sở cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, tránh chồng chéo, trùng lặp nội dung, đối tượng” - ông Giám đề nghị.
* Giải pháp
Ông Viên Hồng Tiến cho rằng cần thống nhất lại quan điểm phân loại đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật theo 2 nhóm cơ bản: cán bộ, công chức và nhân dân, từ đó đi đến phân công nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng cán bộ, công chức thuộc về trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị. Còn việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân thuộc về hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp.
Còn ông Lâm Văn Còn, Phó chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh, đề ra giải pháp các cấp ủy Đảng phải thường xuyên tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và phải xác định vai trò gương mẫu, tiên phong của đảng viên trong công tác này; tăng cường xây dựng lực lượng đoàn viên nòng cốt; chú trọng đội ngũ báo cáo viên; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền… “Hiệu quả công tác này phụ thuộc vào trình độ, nhận thức, am hiểu pháp luật của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, đảng viên và phụ thuộc vào sự gương mẫu, thực thi, tôn trọng, chấp hành pháp luật của họ” - ông Còn nhấn mạnh.
Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho hay sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cấp Hội, tầng lớp phụ nữ gắn với nâng cao hiệu quả các hoạt động, mô hình phát triển kinh tế cho phụ nữ. Mục tiêu đặt ra là: mỗi hội viên là một tuyên truyền viên pháp luật tại gia đình, địa bàn dân cư. Đồng thời, cần biên tập các nội dung tuyên truyền pháp luật cho ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ.
TP.Biên Hòa với 30 đơn vị xã, phường, tập trung nhiều khu công nghiệp, hoạt động dịch vụ phát triển, tăng dân số cơ học cao. Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, ông Lưu Văn Toàn (cán bộ Phòng Tư pháp TP.Biên Hòa) nêu quan điểm vai trò lãnh đạo của Đảng ở các cơ sở phải là điều kiện tiên quyết. Sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị với nhiều hình thức khác nhau sẽ đảm bảo tính đan xen, liên tục, lâu dài.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện truyền thông, như: Báo Đồng Nai, Báo Lao Động Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai luôn được đánh giá cao, thu hút đông đảo bạn xem, nghe, đọc từ các chuyên mục tư vấn pháp luật, hỏi - đáp pháp luật… Đại diện các cơ quan truyền thông đề nghị thời gian tới, các cơ quan pháp luật tỉnh cần phối với báo chí trong việc định hướng tuyên truyền, chủ điểm tuyên truyền, hỗ trợ nhân lực và tập huấn pháp luật cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên để các bản tin, chuyên mục, chuyên đề sinh động, hấp dẫn hơn nữa.
Đoàn Phú