Báo Đồng Nai điện tử
En

Trục lợi bảo hiểm: Xử lý khó

12:10, 27/10/2015

Việc khách hàng cố tình làm giả, sai lệch hồ sơ, dựng hiện trường giả... nhằm lấy tiền bồi thường của các công ty kinh doanh bảo hiểm hiện diễn ra theo chiều hướng tăng và ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản cho các công ty bảo hiểm.

Việc khách hàng cố tình làm giả, sai lệch hồ sơ, dựng hiện trường giả... nhằm lấy tiền bồi thường của các công ty kinh doanh bảo hiểm hiện diễn ra theo chiều hướng tăng và ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản cho các công ty bảo hiểm.

Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý hành vi này lại gặp nhiều khó khăn, bởi một khi phát hiện khách hàng có dấu hiệu trục lợi thì thông thường công ty bảo hiểm chỉ từ chối bồi thường và không truy cứu tới cùng.

Hiểu một cách đơn giản, trục lợi trong bảo hiểm là hành vi khách hàng cố tình gian dối, có chủ định ngay từ khi tham gia bảo hiểm, hoặc sau khi xảy ra rủi ro nhằm buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại trong khi đáng lý ra họ không được hưởng.

* Trục lợi bảo hiểm bằng nhiều hình thức

Đối với bảo hiểm vật chất xe (bảo hiểm xe cơ giới), hành vi trục lợi bảo hiểm diễn ra phổ biến dưới các hình thức, như: làm sai lệch hồ sơ, hiện trạng xe khi tai nạn xảy ra; tham gia bảo hiểm sau khi gặp tai nạn; cố tình hủy hoại xe... Những hành vi gian dối này được một số người thực hiện tinh vi, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không cảnh giác, cẩn thận trong quá trình xem xét bồi thường thì người trục lợi có thể rút ruột số tiền hàng trăm triệu đồng.

Ông Đỗ Hữu Phúc, Trưởng phòng nghiệp vụ 3 Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, đưa ra một trường hợp điển hình: tháng 10-2014, một khách hàng đã đến công ty mua bảo hiểm vật chất xe dành cho xe ô tô, chỉ 1 tháng sau thì người này đến công ty yêu cầu bồi thường vì xe bị tai nạn. Tiến hành xác minh hồ sơ, công ty phát hiện cản trước của xe khi ký hợp đồng bảo hiểm màu trắng, nhưng hình chụp xe xảy ra tai nạn lại màu đỏ. Cho rằng xe đã bị tai nạn trước rồi mới mua bảo hiểm, công ty đã từ chối bồi thường. “Nếu không phát hiện được hành vi gian dối thì số tiền công ty bồi thường có thể tới gần 100 triệu đồng” - ông Phúc cho biết thêm.

Thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, trong giai đoạn 2007-2014, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm gần 64 ngàn vụ (tăng trung bình 31,3%/năm), tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỷ đồng (trung bình gần 110 tỷ đồng/năm). Trước sự phức tạp và nguy hiểm của hành vi này, trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Quốc hội sẽ xem xét, bổ sung hành vi làm sai lệch thông tin, sự kiện bảo hiểm đã xảy ra, làm giả, sai lệch hồ sơ; tự gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản... để hưởng bảo hiểm thành một tội danh mới và có thể bị phạt đến 10 năm tù.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe, việc khách hàng nhờ người quen làm trong các phòng khám, bệnh viện kê đơn thuốc, làm giấy tờ khám chữa bệnh khi không có bệnh để đòi bồi thường bảo hiểm diễn ra ngày càng phổ biến.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Bảo hiểm con người Công ty cổ phần bảo hiểm Pjico Đồng Nai, chia sẻ: “Việc khách hàng lợi dụng bảo hiểm sức khỏe ngày một nhiều. Có trường hợp khách hàng đi làm răng thẩm mỹ thì khai báo là bị sâu răng; có người không có bệnh nhưng quen biết bác sĩ nên đi khám bệnh để nhờ bác sĩ kê nhiều đơn thuốc, cấp phiếu khám bệnh, chỉ định của bác sĩ rồi đến công ty yêu cầu trả tiền. Việc này rất khó phát hiện vì đi xác minh thì giấy tờ đều hợp lệ”.

* Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh

Theo Nghị định 98/2013 về xử phạt hành chính trong bảo hiểm, hành vi gian dối, lập hồ sơ giả trong bảo hiểm hiện bị phạt hành chính từ 90-100 triệu đồng. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều công ty bảo hiểm khi phát hiện khách hàng có hành vi trục lợi lại không xử lý triệt để, chỉ khi bị mất tiền bồi thường họ mới truy cứu. Nguyên nhân một phần vì hình ảnh của công ty, phần vì quan hệ với khách hàng, sợ bị mất hợp đồng... Vậy nên, với những trường hợp ấy, các công ty không báo cơ quan chức năng để điều tra, xử lý.

Đề cập đến vấn đề này, ông Thái Khắc Nhất, Trưởng phòng Xe cơ giới Công ty cổ phần bảo hiểm Pjico Đồng Nai, nhận định: “Chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp khách hàng cố tình trục lợi nhưng chỉ từ chối bồi thường, tránh làm ảnh hưởng đến công ty, bởi vì khách hàng chưa gây thiệt hại nên công ty không làm đơn tố cáo”.

Một khi hành vi trục lợi của khách hàng diễn ra trót lọt thì thiệt hại của các công ty có thể lên đến vài trăm triệu đồng cho đến hàng tỷ đồng, nên nếu chỉ bị xử phạt hành chính như hiện nay chưa đủ sức răn đe.

Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho rằng: “Do thị trường bảo hiểm phát triển nhanh nên người mua bảo hiểm có thể trục lợi bằng nhiều cách. Những hành vi này đều xâm hại đến quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng việc xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ mạnh, chưa đánh giá đúng về mức độ nguy hiểm của hành vi”.

Đánh giá về hành vi trục lợi bảo hiểm, luật sư Ngô Văn Định (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng: “Những hành vi trục lợi bảo hiểm có thể truy cứu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hay làm giả hồ sơ, giấy tờ của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, việc điều tra sẽ gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp chỉ truy cứu lúc họ bị thiệt hại. Hơn nữa, rất khó chứng minh có sự móc nối hay không, nhất là trong bảo hiểm sức khỏe, vì mỗi bệnh đều có phác đồ điều trị cụ thể, bác sĩ và bệnh nhân cứ theo phác đồ đó mà thực hiện”.

Từ những phân tích trên cho thấy, dù có xử lý thế nào thì trước tiên các công ty bảo hiểm phải tự cứu mình trước. Theo đó, phải đảm bảo chặt chẽ từ khâu khai thác, bán hàng đến khâu bồi thường; khi có tai nạn xảy ra phải kịp thời đến hiện trường ghi nhận. Bên cạnh đó là việc tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ của nhân viên bảo hiểm... Có như vậy mới hạn chế được những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Thiên Quyết

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích