Dù chấm dứt hợp đồng lao động trái luật đối với người lao động, Công ty TNHH sản xuất hàng mây gỗ Đồng Nai - Bochang (viết tắt Công ty Bochang, TP.Biên Hòa) vẫn cho rằng mình đúng chỉ đến khi ra tòa thì đại diện công ty đuối lý.
Dù chấm dứt hợp đồng lao động trái luật đối với người lao động, Công ty TNHH sản xuất hàng mây gỗ Đồng Nai - Bochang (viết tắt Công ty Bochang, TP.Biên Hòa) vẫn cho rằng mình đúng chỉ đến khi ra tòa thì đại diện công ty đuối lý.
* Bất ngờ bị cho thôi việc
Ngày 1-12-1999, chị Nguyễn Thị Thân được công ty ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nhiệm vụ phụ trách là nhân viên thống kê (thuộc bộ phận quản lý sản xuất), mức lương gần 3,5 triệu đồng/tháng. Ngày 15-5-2013, công ty đơn phương cho chị Thân thôi việc (tính từ ngày 15-4-2013) với lý do rất vô lý: “Giải quyết theo nguyện vọng của người lao động”.
Đại diện Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (trái) bảo vệ quyền lợi cho 2 chị Nguyễn Thị Thân và Vũ Thị Dung tại tòa. |
Chị Thân cho biết, chị đang nuôi con nhỏ nên rất cần việc làm ổn định. Vì vậy, lý do công ty chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị là phi lý.
Giống như chị Thân, chị Vũ Thị Dung (32 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cũng bị Công ty Bochang chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 18-5-1993, với lý do: “Giữa 2 bên đã có sự thỏa thuận”.
Chị Dung trình bày, chị vào làm việc tại Công ty Bochang từ tháng 3-1997 (hợp đồng lao động không xác định thời hạn). Công việc của chị là ở bộ phận bao bì, mức lương căn bản 3,3 triệu đồng/tháng. “Thực tế, công ty không có thương lượng với tôi để chấm dứt hợp đồng lao động. Tôi cũng không có làm đơn xin nghỉ việc” - chị Dung khẳng định.
Bức xúc vì bị công ty ra quyết định cho nghỉ việc không đúng quy định của pháp luật, 2 chị Dung và Thân đã nhờ Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) hỗ trợ pháp lý, khởi kiện công ty ra tòa. Chị Dung và chị Thân đề xuất nguyện vọng trước tòa, buộc công ty phải hủy quyết định thôi việc, nhận các chị trở lại làm việc; trả đầy đủ tiền lương từ ngày công ty cho nghỉ đến ngày nhận trở lại làm việc; truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; bồi thường 2 tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật…
* Giới chủ nói gì?
Trong quá trình tranh tụng, đại diện phía Công ty Bochang cho rằng, sau Tết Nguyên đán 2013, chị Thân tự ý nghỉ việc 13 ngày mà không gọi điện xin phép lãnh đạo công ty. Đến khi Phòng Nhân sự của công ty mời chị lên làm việc thì chị không nêu ra được lý do chính đáng. Lẽ ra, công ty sa thải đối với chị Thân ngay lập tức, nhưng xét thấy chị còn nuôi con nhỏ nên công ty không nỡ làm. Vì vậy, công ty mới thỏa thuận với chị Thân là tự làm đơn xin thôi việc để được hưởng các chế độ liên quan và chị đã đồng ý.
Riêng trường hợp của chị Dung, công ty lập luận, vào ngày 3-4-2013, Ban Chấp hành Công đoàn của công ty có mời chị Dung lên thương lượng về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Lý do, chị Dung thực hiện thao tác công việc không chính xác; chị bị bệnh tay run, dẫn đến làm việc không hiệu quả, không đạt được năng suất theo yêu cầu của công ty. Mặc dù công ty đã nhiều lần điều chuyển vị trí làm việc cho phù hợp với bệnh lý của chị Dung, nhưng chị vẫn không hoàn thành công việc được giao. Do đó, sau buổi làm việc với chị Dung, ngày 18-5-2013, công ty đã ra quyết định cho chị thôi việc và giải quyết đầy đủ các chế độ cho chị.
* Tòa phán xét
Quá trình đưa vụ việc tranh chấp lao động ra xét xử, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đề nghị Công ty Bochang cung cấp chứng cứ khi chấm dứt hợp đồng lao động với 2 chị Dung và Thân. Chẳng hạn, khi chị Thân tự ý nghỉ việc 13 ngày mà không nêu lý do chính đáng thì công ty có lập biên bản vi phạm nội quy lao động hay không? Công ty có lập biên bản thỏa thuận về việc chị Thân đồng ý nghỉ việc? Người lao động có làm đơn xin nghỉ việc không?
Trường hợp chị Dung cũng vậy, công ty phải cung cấp đơn xin nghỉ việc, văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động giữa 2 bên.
Tuy nhiên, những cơ sở, chứng cứ này phía công ty không cung cấp được, với lý do: “Bị thất lạc, không tìm ra”.
Từ những cơ sở trên, Hội đồng xét xử đã quyết định chấp nhận nội dung đơn khởi kiện của 2 chị Dung và Thân, buộc Công ty Bochang phải bồi thường cho chị Dung tổng số tiền gần 114 triệu đồng (về khoản tiền lương và tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… trong những ngày người lao động không được làm việc cho đến ngày xét xử sơ thẩm) và chị Thân trên 117 triệu đồng.
Đoàn Phú