Báo Đồng Nai điện tử
En

Giả danh công an lừa chuyển tiền vào tài khoản

01:10, 29/10/2015

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Đàm Mạnh Thanh (25 tuổi, ngụ quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Đàm Mạnh Thanh (25 tuổi, ngụ quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thanh là một trong những mắt xích trong đường dây chuyên giả danh cán bộ công an, nhân viên bưu điện… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Các đối tượng lừa đảo này thường gọi điện cho các bị hại thông báo họ có liên quan đến các tổ chức tội phạm, đường dây lừa đảo, buôn bán ma túy để uy hiếp, buộc bị hại phải đưa tiền nhằm chiếm đoạt.

* Giả danh công an để lừa đảo

Theo kết quả điều tra ban đầu, vào ngày 20-10, bà C. (ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) bất ngờ nhận được điện thoại từ một phụ nữ xưng là nhân viên bưu điện, thông báo bà đang nợ cước viễn thông 9 triệu đồng. Nghe thông tin này, bà C. khẳng định mình không hề thiếu tiền của bất kỳ đơn vị nào.

Liên quan đến việc làm rõ vụ án lừa đảo này, vào ngày 26-10, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh, đã trao thưởng đột xuất cho PC46 và Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế, cùng 2 cá nhân thuộc 2 đơn vị vì đã có thành tích trong công tác điều tra phá án.
Liên quan đến việc làm rõ vụ án lừa đảo này, vào ngày 26-10, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh, đã trao thưởng đột xuất cho PC46 và Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế, cùng 2 cá nhân thuộc 2 đơn vị vì đã có thành tích trong công tác điều tra phá án.

Một lúc sau, bà C. lại nhận được một cuộc gọi từ số máy khác. Lần này, một người đàn ông tự xưng trung tá công an, đang công tác tại Bộ Công an. Vị “trung tá công an” thông báo cho bà C. biết, số điện thoại và tài khoản của bà tại ngân hàng có liên quan đến một đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Nếu bà không hợp tác với cơ quan công an để điều tra thì sẽ gặp rắc rối, thậm chí có thể bị bắt cùng các đối tượng trong đường dây tội phạm này. Để tránh bị rắc rối, bà C. phải chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản của bà vào tài khoản của “cơ quan điều tra” để “phục vụ công tác điều tra”. Khi “cơ quan điều tra” chứng minh được bà C. vô can thì sau 24 giờ, số tiền bà đã chuyển vào tài khoản của “cơ quan điều tra” sẽ được chuyển trả lại cho bà đầy đủ.

Khi biết bà C. đã tin lời mình nói, vị “trung tá công an” đã cung cấp cho bà số tài khoản mang tên Đỗ Văn Thắng, được lập tại một ngân hàng ở tỉnh Hải Dương. Và để giúp “cơ quan công an” phá án, bà C. đã chuyển số tiền 375 triệu đồng vào tài khoản này.

Sau khi chuyển tiền, bà C. nhận ra mình đã bị kẻ gian lừa đảo, nên tìm đến cơ quan công an trình báo toàn bộ sự việc.

* Bắt kẻ lừa đảo tại ngân hàng

Từ chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, cơ quan công an đã phối hợp với ngân hàng nhanh chóng cho phong tỏa tài khoản mà bà C. vừa chuyển tiền vào; đồng thời sử dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh tung tích của đối tượng liên quan đến vụ việc này.

Chỉ sau một ngày vào cuộc điều tra, các trinh sát xác định đối tượng đang tìm cách rút số tiền bà C. đã chuyển tại một chi nhánh ngân hàng ở tỉnh Hải Dương. Trưa 21-10, đối tượng đã đến ngân hàng tại tỉnh Hải Dương để rút số tiền của bà C. đã chuyển. Mọi hành động của đối tượng đều nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng công an và kẻ lừa đảo đã nhanh chóng bị bắt giữ.

Tại cơ quan công an, đối tượng khai tên Đàm Mạnh Thanh, là người quản lý tài khoản mà bà C. đã chuyển tiền vào. Tuy nhiên, qua xác minh tại ngân hàng này, trong tất cả các giao dịch với ngân hàng, Thanh đều xuất trình giấy chứng minh nhân dân và khai tên Đỗ Văn Thắng.

Theo cơ quan điều tra, trước khi tham gia đường dây lừa đảo này, Thanh được một người (chưa rõ lai lịch) yêu cầu mở tài khoản ngân hàng bằng tên của người khác. Sau khi có người chuyển tiền vào tài khoản này, Thanh sẽ được hưởng lợi 5%. Để thực hiện yêu cầu này, Thanh đã tìm mua một giấy chứng minh nhân dân mang tên Đỗ Văn Thắng rồi dán hình của mình vào, sau đó ra ngân hàng mở tài khoản mang tên Thắng.

Đến ngày 21-10, khi biết tài khoản mình vừa mở có người chuyển vào 375 triệu đồng, Thanh đã tìm cách rút tiền thì bị công an bắt.

Theo cơ quan công an, để thực hiện “phi vụ” này, các đối tượng lừa đảo đã tìm hiểu kỹ thông tin của bị hại. Đặc biệt, chúng biết được các mối quan hệ cũng như tài sản riêng của bị hại. Sau khi có đủ thông tin, qua điện thoại, chúng đã dựng ra một màn kịch nhằm “thuyết phục” bị hại tin lời và nghe theo những gì chúng hướng dẫn. Đây là chiêu lừa đảo khá tinh vi, kẻ gian đã chuẩn bị sẵn một kịch bản để đe dọa, buộc bị hại phải rơi vào “cái bẫy” chúng đã giăng sẵn.

Trần Danh

 
 

 

Tin xem nhiều