Một nội dung được nhiều người quan tâm trong dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi lần này là quy định xử lý hình sự trường hợp trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng đó phải là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, hoặc có giá trị tinh thần nào đó...
Một nội dung được nhiều người quan tâm trong dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi lần này là quy định xử lý hình sự trường hợp trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng đó phải là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, hoặc có giá trị tinh thần nào đó...
* Giải quyết được nạn trộm vặt
Điều 138 BLHS hiện hành quy định trường hợp trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích, mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Ngoài 3 trường hợp trên, dự thảo BLHS sửa đổi bổ sung thêm trường hợp bị xử lý hình sự khi tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng, nhưng đó là “phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ” (Điểm d, Khoản 1, Điều 172 dự thảo).
Có nhiều ý kiến ủng hộ quy định này, vì giải quyết được bức xúc của người dân đối với các trường hợp trộm cắp tài sản giá trị chưa đến 2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống mưu sinh của người dân. Theo nhiều người, tình trạng trộm cắp tài sản xảy ra ở địa bàn nông thôn thời gian qua diễn ra khá phổ biến. Nhất là nạn trộm vặt, như: trộm chó, nông sản, vật thờ cúng… xảy ra khá nhiều, tại hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các vụ trộm này rất khó xử lý hình sự vì trị giá tài sản bị trộm thường dưới 2 triệu đồng (mức định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS hiện hành thì trị giá tài sản từ 2 triệu đồng trở lên).
Ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) bày tỏ, nếu BLHS quy định xử lý hình sự trường hợp trộm cắp con vật quý, hay tài sản có giá trị tinh thần, như: đồ thờ cúng, kỷ vật thiêng liêng của gia đình…, thì sẽ giải quyết được sự bức xúc cho người dân, góp phần răn đe các đối tượng phạm tội.
* Băn khoăn về tính khả thi
Luật sư Phạm Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, cho rằng: “Quy định tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ để xử lý hình sự thì vô lý quá. Bởi thế nào là phương tiện kiếm sống chính? Cái bơm xe đạp, cái cuốc, cái cày..., nếu cứ thế bổ sung vào “đội ngũ” phương tiện kiếm sống chính để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự thì nhiều quá. Đặc biệt, quy định phương tiện kiếm sống của “người bị hại và gia đình họ” sẽ dẫn đến việc khó có thể liệt kê hết các loại tài sản này”.
Luật sư Phạm Tiến Dũng: “Cái bơm xe đạp, cái cuốc, cái cày..., nếu cứ thế bổ sung vào “đội ngũ” phương tiện kiếm sống chính để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự thì nhiều quá”. |
Đối với tài sản mang tính tinh thần của người bị hại, theo luật sư Tiến Dũng, thực tế ai cũng có vật tinh thần nào đó. “Cặp nhẫn cưới, tấm ảnh của cha mẹ để lại cũng có thể là vật tinh thần của một ai đó..., như vậy có xử lý hình sự được không?” - luật sư Tiến Dũng phân tích. Theo luật sư Dũng, nếu bổ sung quy định như vậy vào điều luật thì quá tủn mủn, khó có căn cứ khi áp dụng vào thực tế.
Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Trần Huy Hùng cho rằng quy định tài sản bị trộm là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại rất trừu tượng. “Chiếc xe thồ ở miền Tây Nam bộ là phương tiện kiếm sống chính của một số người dân, nhưng đây chưa phải là phương tiện phổ biến. Nếu vì một phương tiện không phổ biến mà thay đổi luật thì có nên không?” - ông Hùng nêu ví dụ.
Ông Hùng phân tích, trong xu thế hội nhập, người lao động có nhiều điều kiện, phương tiện để tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Quy định về phương tiện kiếm sống chính phù hợp với điều kiện sống ở vùng sâu, vùng xa, nhưng lại không phù hợp với môi trường đô thị. Nếu quy định như vậy thì việc vận dụng pháp luật vào thực tiễn sẽ khó khăn.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng đồng tình với việc xử lý hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản là vật mang tính tinh thần, hoặc vật linh thiêng. “Có những tài sản tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng có giá trị đặc biệt về tinh thần, như: bộ lư hương trên bàn thờ tổ tiên, tượng phật, vật phẩm linh thiêng tại nhà thờ, chùa chiền..., có ảnh hướng lớn đến tín ngưỡng, lòng tin của nhiều người, dễ gây phẫn nộ cho nhân dân và ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương” - ông Hùng nói.
Ở một khía cạnh khác, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Công Ngôn đề nghị xem xét lại những trường hợp phạm tội chưa hoàn thành đối với tội trộm cắp tài sản. Theo ông Ngôn: “Các đối tượng trộm cắp không ai ý thức trước là trộm tài sản dưới 2 triệu đồng. Những đối tượng đã có ý thức cạy cửa, phá khóa nhưng chưa lấy được tài sản có giá trị là nằm ngoài ý muốn, nên cũng cần phải xem xét để xử lý”.
Trần Danh