Tình trạng kinh doanh các ngành nghề dịch vụ nhạy cảm dẫn đến phát sinh các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua diễn biến khá phức tạp.
Tình trạng kinh doanh các ngành nghề dịch vụ nhạy cảm dẫn đến phát sinh các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua diễn biến khá phức tạp.
Ðể dẹp bỏ các loại hình kinh doanh biến tướng này không phải dễ dàng, nên cần có những biện pháp mạnh tay, siết chặt quản lý ngay từ khâu thẩm định cấp phép, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giám sát suốt quá trình hoạt động.
* Ồn ào... quán bar
Toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở kinh doanh quán bar hoạt động như vũ trường, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đa ngành nghề. Ban đêm, các quán bar không chỉ là nơi tập hợp một bộ phận giới trẻ vui chơi, giải trí mà còn là điểm đến của các đối tượng tội phạm, tệ nạn từ khắp nơi đổ về. Không chỉ “làm loạn” ở trong quán, khi ra khỏi địa điểm vui chơi, những đối tượng này (phần lớn đã say xỉn) còn la hét, đánh nhau, phóng xe làm náo loạn đường phố.
Cơ quan công an kiểm tra hoạt động một quán bar trong đợt ra quân truy quét tội phạm, tệ nạn xã hội tại các quán bar, vũ trường. |
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.Biên Hòa và một số huyện còn xuất hiện loại hình mới về kinh doanh nhà hàng ăn uống, giải khát thường gọi là “beer club”. Dưới “vỏ bọc” kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhưng thực chất hoạt động không khác gì những quán bar, vũ trường. Nơi đây thường tổ chức ăn nhậu, hát hò ầm ĩ giữa đêm khuya, khách hàng vào ra liên tục với đủ mọi độ tuổi, đối tượng khác nhau.
Thống kê của cơ quan công an cho thấy, từ cuối năm 2010 đến nay, tại các địa điểm, như: quán bar, beer club… đã xảy ra 4 vụ giết người và hàng chục vụ cố ý gây thương tích ảnh hưởng đến trật tự trị an. Khách vào đây thường uống rượu, bia hoặc sử dụng chất ma túy rồi tổ chức nhảy múa thác loạn dẫn đến không kiểm soát được bản thân, đập phá, đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng. Tình hình trật tự tại đây trở nên phức tạp khi một số chủ quán bar lôi kéo các đối tượng đã có tiền án, tiền sự vào làm bảo vệ để giải quyết mâu thuẫn khi phát sinh với khách.
Đáng chú ý, vào đêm 7-3, anh Nguyễn Hữu Minh (31 tuổi, ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) vào quán bar MTM (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) để dự sinh nhật bạn và xảy ra mâu thuẫn với một nhóm thanh niên khác. Sau đó, anh Minh lấy xe ra về thì bị một nhóm thanh niên bịt mặt dùng mã tấu chém gây thương tật tỷ lệ gần 30%.
Rạng sáng 31-10-2014, anh Phạm Ngọc Anh Huy (23 tuổi, ngụ phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) đang vui chơi trong một quán bar ở phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) thì có một nhóm thanh niên lạ mặt đến gọi anh ra ngoài quán nói chuyện. Anh Huy vừa bước ra khỏi quán bar thì bất ngờ bị 2 đối tượng rút dao từ trong người ra chém. Anh Huy bỏ chạy nhưng vẫn bị các đối tượng này tiếp tục đuổi theo giữ lại và dùng dao chém vào người dẫn đến bị thương nặng.
* Siết chặt các dịch vụ nhạy cảm
Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh quá lớn nên sau nhiều lần bị kiểm tra, xử lý các chủ quán bar này tiếp tục vi phạm. Thời gian qua, các Đội kiểm tra liên ngành 814 đã thực hiện hàng trăm lượt kiểm tra những quán bar, beer club và các dịch vụ nhạy cảm, phát hiện khá nhiều lỗi vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính, tạm đình chỉ kinh doanh chứ chưa thể đưa ra biện pháp mạnh như đề xuất rút giấy phép kinh doanh, buộc đóng cửa khi phát hiện sai phạm.
Từ năm 2012 đến nay, lực lượng công an đã kiểm tra 36 lượt quán bar, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trên 900 triệu đồng. Qua đó, thống kê được các lỗi vi phạm chủ yếu, như: để khách sử dụng chất ma túy, khiêu vũ; hoạt động quá giờ quy định; độ ồn, âm thanh vượt tiêu chuẩn cho phép; phổ biến băng, đĩa nhạc không có tem kiểm soát, không ký kết hợp đồng lao động; không có cam kết bảo vệ môi trường…
Ông Nguyễn Văn Bông, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa, cho biết vừa qua UBND TP.Biên Hòa vừa có văn bản đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các quán bar, các điểm kinh doanh, các dịch vụ nhạy cảm tại thành phố nơi tập trung số lượng lớn các loại hình dịch vụ này. Ông Bông cũng thừa nhận để đưa loại hình kinh doanh trên đi vào khuôn khổ pháp luật không phải dễ dàng. Nhiều chủ quán cố tình vi phạm, lách luật hoặc dùng các chiêu đối phó tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Hiện tại, 11 cơ sở kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm ở TP.Biên Hòa đã làm cam kết: không hoạt động sau 24 giờ, không để khách hàng tụ tập sử dụng ma túy, tiêu thụ hàng lậu… nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra vẫn có vi phạm. “Lâu nay, hoạt động ở các quán bar vốn phức tạp, trước đây đã có xử lý, tuy nhiên vẫn tái vi phạm. Sắp tới chúng tôi sẽ siết chặt quản lý, không để một số đối tượng tội phạm lợi dụng lẩn trốn để chờ thời cơ hoạt động…” - ông Bông nhấn mạnh.
Tại hội nghị tìm giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng gây mất an ninh trật tự tại những cơ sở kinh doanh nhạy cảm do Công an tỉnh tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đề xuất tăng cường xử lý tình trạng đậu xe lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè tại những điểm kinh doanh quán bar, vũ trường; đo nồng độ cồn đối với khách rời vũ trường khi tham gia giao thông… Tuy nhiên, việc xử lý với những vi phạm này không phải dễ, bởi không ít đối tượng phát hiện thấy bóng dáng công an liền dắt xe đi bộ, thậm chí nằm dài trước cửa vũ trường không chịu về.
Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho rằng: “Không ít người đàng hoàng không dám vào quán bar vì sợ bị đánh lộn. Chúng ta cần làm tốt công tác phòng ngừa, bịt kín sơ hở không để các cơ sở kinh doanh này vi phạm, xử phạt chỉ là giải pháp cuối cùng; tiếp tục phối hợp nghiên cứu để tham mưu UBND tỉnh sớm có quy định tạm thời nhằm quản lý loại hình dịch vụ này đi vào nề nếp”.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng kiến nghị các sở, ngành và bộ phận có liên quan trong thời gian tới cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong việc quản lý quán bar ngay từ khâu thẩm định cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và đề xuất rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vi phạm nhiều lần.
Thanh Hải - Văn Nhuệ