Thông qua công tác kiểm sát công tác thụ lý, giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân - gia đình của tòa án, Phòng Kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân - gia đình (gọi tắt là Phòng 5) Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã kịp thời phát hiện các vi phạm, từ đó kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
Thông qua công tác kiểm sát công tác thụ lý, giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân - gia đình của tòa án, Phòng Kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân - gia đình (gọi tắt là Phòng 5) Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã kịp thời phát hiện các vi phạm, từ đó kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
Viện kiểm sát (VKS) tham gia vào vụ án là nhân danh xã hội để bảo vệ lợi ích của hai bên chứ không phải đứng về phía bên nào.
* Nâng cao vai trò giám sát
Ông La Minh Dũng, Trưởng phòng 5, cho biết mặc dù các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự qua từng giai đoạn có sự khác nhau, nhưng kháng nghị và kiến nghị vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giám sát pháp luật.
Một phiên tòa liên quan đến lĩnh vực Phòng Kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân - gia đình phụ trách. |
Trước đây, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định VKS được thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị và kháng nghị, nhưng lại hạn chế việc tham gia phiên tòa của VKS. “Nếu không ngồi dự tòa thì không thể kiểm sát việc lập hồ sơ để phát hiện ra vi phạm. Quy định như kiểu đánh đố đó đòi hỏi cán bộ, kiểm sát viên phải dày dạn kinh nghiệm và chuyên sâu mới có thể chỉ đọc bản án, quyết định của tòa án mà phát hiện ra được vi phạm, từ đó có quyết định đề xuất kháng nghị” - ông Dũng lý giải.
Bộ luật Tố tụng dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2012 như “cởi trói”, nâng cao công tác giám sát của VKS trong giải quyết các án dân sự, hôn nhân - gia đình. Vai trò, quyền hạn của VKS được mở rộng tối đa, hầu như kiểm sát viên được quyền tham gia đến 80% phiên tòa sơ thẩm và 100% phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Kiểm sát viên có thể phát hiện thêm nhiều vi phạm để kịp thời kháng nghị, kiến nghị lên cấp trên.
Từ năm 2010-2014, Phòng 5 đã tham gia 156 phiên tòa sơ thẩm, hơn 1,3 ngàn phiên tòa phúc thẩm và giám đốc thẩm; qua đó đề xuất lãnh đạo VKS ban hành 135 quyết định kháng nghị. Chất lượng kháng nghị của VKS nhân dân tỉnh được tòa án cùng cấp chấp nhận đạt tỷ lệ trên 90%. Bên cạnh đó, Phòng 5 còn phát hiện nhiều trường hợp vi phạm chưa đến mức kháng nghị đã kịp thời đề xuất cấp trên ban hành 41 văn bản yêu cầu tòa án chấn chỉnh vi phạm nhằm cho ra bản án khách quan, đúng pháp luật.
* Công minh, khách quan và thận trọng
Nhiều kiểm sát viên đánh giá, án dân sự, hôn nhân - gia đình là lĩnh vực rộng lớn, thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều luật; số vụ việc năm sau luôn cao hơn năm trước, quan hệ dân sự phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng. Do đó, người làm công tác giám sát pháp luật không chỉ nắm chắc luật, mà còn phải bám sát tình hình thực tế khi vận dụng và giải quyết án.
Điển hình là các vụ án dân sự phức tạp, kéo dài nhiều năm mà đại diện VKS nhân dân tỉnh tham gia tranh tụng đã có những ý kiến, tranh luận hợp lý, khách quan nhằm cho ra bản án đúng luật. Như vụ buộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom bồi thường cho ông Vũ Đức Liêm (huyện Trảng Bom) hơn 2,5 tỷ đồng do đã kê biên, phát mãi trái pháp luật toàn bộ tài sản của gia đình ông Liêm (năm 2013); vụ ông Lê Ngọc Minh và vợ là Lâm Thị Lan phải trả 19,6 lượng vàng 24K cho bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (TP.Biên Hòa) do vỡ hụi (năm 2004)…
Ông Vũ Ngọc Quỳ, nguyên Phó viện trưởng VKS nhân dân tỉnh phụ trách án dân sự, kinh tế và hành chính thời kỳ 1992-1998, cho rằng sự tham gia của VKS trong tố tụng dân sự rất quan trọng, nhằm đảm bảo pháp luật được tuân thủ nghiêm ngặt hơn. Cán bộ, kiểm sát viên ngành kiểm sát luôn liêm chính, khách quan và thận trọng. Người được phân công thụ lý án phải có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực dân sự để đối chiếu các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Gần 25 năm trong nghề, kiểm sát viên Đỗ Thị Yến (VKS nhân dân tỉnh) cho biết, các loại án lĩnh vực dân sự thuộc dạng “vô hình vạn trạng”. Cùng một vụ việc nhưng có nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn, dễ xung đột và gây chồng chéo trong cách giải quyết. Do đó, khi giải quyết án, kiểm sát viên phải suy xét thấu tình đạt lý, không được dựa vào ý chí chủ quan của kiểm sát viên mà phải trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ của vụ việc.
Trung bình, mỗi kiểm sát viên tham gia khoảng 100 vụ/năm từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm. “Công việc khá nhiều. So với các án hình sự, lao động, hành chính…, án dân sự khó khăn và phức tạp hơn. Nếu thẩm phán và hội thẩm nhân dân lắng nghe được thông tin nhiều chiều, trong đó có ý kiến của kiểm sát viên, nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật trước khi nghị án thì nhất định sẽ có quyết định đúng pháp luật, được công dân tâm phục khẩu phục” - kiểm sát viên Đỗ Thị Yến chia sẻ.
Thanh Hải