Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nhân viên có máu gian tham

10:04, 05/04/2015

Lợi dụng sơ hở trong việc quản lý tài chính của Công ty TNHH một thành viên tài chính PPF Việt Nam (trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh), các nhân viên đã làm giả hồ sơ khách hàng để mua hàng trả góp, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.

 

Lợi dụng sơ hở trong việc quản lý tài chính của Công ty TNHH một thành viên tài chính PPF Việt Nam (trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh), các nhân viên đã làm giả hồ sơ khách hàng để mua hàng trả góp, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố các bị can: Mai Bá Trường Giang (22 tuổi), Lê Thị Quỳnh Trâm (22 tuổi) đều ngụ huyện Long Thành, Nguyễn Hồng Lý (23 tuổi, quê tỉnh Cà Mau), Mai Thị Thảo Trang (25 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nguyễn Thị Hồng Hạnh (25 tuổi, ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), tất cả đều làm nhân viên của Công ty PPF, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

* Lợi dụng sơ hở của công ty…

Ngoài việc cho vay tài chính, Công ty PPF còn có dịch vụ cho người dân vay tiền mua hàng trả góp tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm mà công ty này có mối liên kết.

Theo quy định của Công ty PPF, khách hàng muốn vay tiền mua hàng trả góp phải liên hệ với nhân viên tiếp nhận thông tin của công ty để làm hồ sơ vay vốn, cũng như phương án trả nợ. Để đủ điều kiện vay mua hàng trả góp, khách hàng phải có các loại giấy tờ cá nhân, như: chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, thông tin về người thân… Sau khi nhân viên Công ty PPF thẩm tra thông tin thấy chính xác và phù hợp với quy định sẽ lập hợp đồng cho khách hàng vay tiền mua hàng trả góp tùy theo nhu cầu của mỗi người.

Từ tháng 12-2013 đến tháng 3-2014, Trang và Hạnh đã thực hiện 2 vụ lập hồ sơ để lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng của Công ty PPF.

Là nhân viên bộ phận tiếp nhận và thẩm tra thông tin khách hàng, xác minh hồ sơ khách hàng…, các đối tượng: Giang, Trang và Hạnh biết được những sơ hở trong các quy định cho vay vốn của Công ty PPF, nhất là trong việc lập hồ sơ cho vay mua hàng trả góp, nên đã làm giả hồ sơ khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của công ty.

*… Để làm giả hồ sơ lừa đảo

Trên cơ sở những chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của các khách hàng có sẵn, Trang và Hạnh đã dùng bút tẩy xóa, điền các thông tin khách hàng mới (không có thật) vào. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, Trang và Hạnh dùng mã số nhân viên của mình ghi vào hồ sơ khách hàng, rồi lập giấy đề nghị vay vốn và phương án trả nợ chuyển đến bộ phận phê duyệt của công ty qua hệ thống email.

Vào ngày 22-12-2013, Trang và Hạnh làm giả hồ sơ mang tên P.M.T. (ngụ TX.Long Khánh) để mua trả góp điện thoại di động trị giá hơn 14 triệu đồng tại một cửa hàng mua bán điện thoại ở phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Sau khi trả trước cho cửa hàng mua bán điện thoại 6,2 triệu đồng, Trang và Hạnh đã lấy điện thoại đem bán lại được 10 triệu đồng chia nhau tiêu xài. Ngày 14-3-2014, cả hai tiếp tục lập hồ sơ giả mua điện thoại trị giá hơn 13 triệu đồng và cũng bán lấy tiền tiêu xài.

Với thủ đoạn tương tự, Giang đã làm giả hồ sơ khách hàng vay tiền mua hàng trả góp bằng cách scan giấy tờ tùy thân của mình thành nhiều bản rồi tẩy xóa, điền tên khác vào. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, Giang đã lập giấy đề nghị vay vốn và phương án trả nợ gửi bộ phận thẩm định của Công

ty PPF.

Quá trình lập hồ sơ vay vốn, để tránh bị công ty phát hiện, các đối tượng: Giang, Trang và Hạnh tự đóng giả người thân khách hàng trả lời thẩm vấn khi công ty gọi điện thoại xác minh. Trường hợp những hồ sơ là nữ (do Giang làm giả), Giang đã nhờ Trâm và Lý đóng giả người thân của người vay vốn trả lời. Khi được Công ty PPF duyệt hồ sơ, Giang nhờ Trâm đóng giả khách hàng đến các cửa hàng, trung tâm mua sắm để làm các thủ tục nhận hàng, sau đó đem bán lấy tiền tiêu xài.

Với thủ đoạn này, Giang đã thực hiện thành công 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng chục triệu đồng của Công ty PPF. Ngoài ra, Giang còn làm giả hồ sơ để cho Lý thực hiện 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của Công ty PPF với cách thức tương tự.

Trần Danh

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều