Điều 9 Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành quy định: "Tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ", nhưng chưa xác định cụ thể trách nhiệm của tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác trong việc thụ lý, giải quyết vụ, việc dân sự trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật về vụ, việc dân sự đó. Dự thảo BLDS lần này đã có điều chỉnh những hạn chế này.
Điều 9 Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành quy định: “Tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”, nhưng chưa xác định cụ thể trách nhiệm của tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác trong việc thụ lý, giải quyết vụ, việc dân sự trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật về vụ, việc dân sự đó. Dự thảo BLDS lần này đã có điều chỉnh những hạn chế này.
Cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh tiếp người dân đến làm việc tại tòa. |
Theo đó, Điều 19 của Dự thảo BLDS quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng; trong trường hợp này tòa án căn cứ vào tập quán, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét giải quyết”. Đây là một trong những vấn đề trọng tâm được đưa ra bàn thảo trong đợt lấy ý kiến của người dân.
* Đưa vào khuôn khổ pháp luật
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tòa án có trách nhiệm xem xét, giải quyết mọi tranh chấp dân sự, kể cả trong trường hợp không có luật điều chỉnh thì sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân một cách kịp thời và triệt để hơn. Điều này phù hợp với nội dung được quy định tại Khoản 3, Điều 102 Hiến pháp năm 2013: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Các ý kiến đồng tình về vấn đề này lý giải, nhiều nước trên thế giới cũng quy định thẩm phán không được từ chối giải quyết các vụ, việc dân sự kể cả trong trường hợp chưa có quy định của luật.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phạm Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, cho biết công dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, mọi hoạt động trong xã hội đều phải tuân theo pháp luật. Vì vậy, khi có một tranh chấp xảy ra giữa các cá nhân, pháp nhân… đều phải được giải quyết theo pháp luật. Luật sư Dũng nêu ra giả thiết, nếu tòa án từ chối những vụ việc của các cá nhân, pháp nhân do chưa có quy định trong luật thì ai sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những cá nhân, pháp nhân đó? Trong trường hợp này, không lẽ người dân tự đứng ra giải quyết với nhau? Nếu vậy xã hội sẽ phát sinh các hệ lụy nguy hiểm, gây mất an ninh trật tự.
Để giải quyết vấn đề này, theo luật sư Dũng, nên đưa tất cả các vụ, việc dân sự vào khuôn khổ, tức là mọi tranh chấp dân sự đều phải đưa ra tòa án giải quyết. Trường hợp chưa có quy định của pháp luật, có thể dựa vào phong tục, tập quán, cân nhắc giữa tình và lý để giải thích pháp luật cho các bên nhằm tìm ra hướng giải quyết tốt nhất; trường hợp đặc biệt tòa án có thể xét xử theo án lệ. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét để điều chỉnh, bổ sung luật cho phù hợp.
* Tăng thẩm quyền cho tòa án
Đồng tình với nội dung Điều 19 của Dự thảo BLDS, nhưng một số ý kiến thể hiện sự băn khoăn đối với áp lực của thẩm phán, tòa án khi phải “gánh” thêm các quy định này.
Ông Cao Văn Quang, Phó chánh Thanh tra tỉnh, cho rằng Điều 19 của Dự thảo BLDS phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, việc giải quyết các vụ việc chưa có pháp luật điều chỉnh sẽ gây khó khăn cho thẩm phán. Để giải quyết những khó khăn đó, đòi hỏi thẩm phán phải nâng cao kỹ năng xét xử và am hiểu pháp luật.
Theo Luật sư Phạm Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đồng Nai, trên thực tế các quy định của pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của xã hội nên còn nhiều vấn đề vướng mắc, tranh chấp chưa được quy định trong luật. Các vấn đề này không được giải quyết thấu đáo thông qua các cơ quan có trách nhiệm sẽ gây ra nhiều phát sinh làm ảnh hưởng không tốt đến tiến trình phát triển của xã hội. |
Đồng tình với ý kiến của ông Quang, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đề xuất thẩm phán và hội thẩm nhân dân phải được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, kỹ năng giải thích pháp luật.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhận định, ngoài việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể tham gia quan hệ dân sự, Điều 19 của Dự thảo BLDS còn nâng cao trách nhiệm của cơ quan xét xử. Quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, tòa án sẽ dễ dàng tập hợp những vướng mắc, bất cập để đẩy mạnh việc giải thích pháp luật cũng như hướng dẫn xét xử cho người dân.
Thẩm phán Trần Thị Ngọc, Chánh tòa Dân sự Tòa án nhân dân tỉnh, cho rằng nội dung Điều 19 Dự thảo BLDS phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Việc quy định tòa án phải thụ lý tất cả các vụ việc dân sự (kể cả những vụ việc chưa có pháp luật điều chỉnh) sẽ không gây áp lực mà là tăng thẩm quyền cho tòa án. Nhưng theo thẩm phán Ngọc, để áp dụng quy định này cần phải có một lộ trình, bởi giải quyết các vụ việc chưa có quy định của luật thì thẩm phán phải áp dụng án lệ. Trong khi đó, quy định về án lệ trong Luật Tổ chức tòa án nhân dân mới được Quốc hội thông qua và đang tiến hành rà soát tập hợp.
Trần Danh