Trong hội nghị trực tuyến an toàn giao thông (ATGT) toàn quốc vừa qua, Ủy ban ATGT quốc gia đã giao chỉ tiêu giảm tai nạn giao thông (TNGT) cả 3 mặt về số vụ, số người chết, số người bị thương từ 5-10%.
Trong hội nghị trực tuyến an toàn giao thông (ATGT) toàn quốc vừa qua, Ủy ban ATGT quốc gia đã giao chỉ tiêu giảm tai nạn giao thông (TNGT) cả 3 mặt về số vụ, số người chết, số người bị thương từ 5-10%.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đi kiểm tra tình hình xe quá tải trên đường Tân Cang, TP.Biên Hòa vào chiều ngày 14-1-2015. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh đang xem xét một xe tải đầu kéo “khủng”. Ảnh: T.TOÀN |
Trong năm 2014, TNGT toàn quốc xảy ra trên 25,3 ngàn vụ, làm chết 8.966 người, bị thương trên 24 ngàn người. So với năm 2013 giảm gần 14% số vụ, giảm 373 người chết (4,1%), giảm trên 17% người bị thương. Đây là lần đầu tiên số người chết vì TNGT ở Việt Nam giảm dưới con số 9 ngàn. Tuy nhiên TNGT vẫn diễn biến phức tạp, còn nhiều tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra (chết một lúc nhiều người/vụ). Số người chết tuy giảm nhưng vẫn còn nhiều (Đồng Nai chết trên 400 người), có đến 9 tỉnh,thành còn tăng người chết vì TNGT.
* Những kinh nghiệm
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết đầu năm 2014 khi thấy TNGT có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh đã chỉ đạo tìm ngay nguyên nhân. Qua điều tra cho thấy nguyên nhân chính do nhiều người say rượu bia lái xe gây ra, tỉnh đã giao cho công an và ngành giao thông vận tải tập trung kiểm tra gắt gao việc vi phạm nồng độ cồn. Ngay sau đó TNGT ở Tây Ninh đã giảm hẳn. Tây Ninh cũng tập trung xây dựng bến đò, phà an toàn, an ninh, văn hóa và 16 tuyến đường ATGT. Kết quả đã kéo giảm trên 10% TNGT cho địa phương.
Những nguyên nhân trực tiếp gây TNGT vẫn còn nhiều người vi phạm, như: chạy quá tốc độ, tránh vượt sai, vi phạm nồng độ cồn. Tỷ lệ TNGT do người đi xe hai bánh gây ra vẫn còn rất cao. |
Quảng Trị là một trong 5 tỉnh có số người chết vì TNGT tăng trên 10%. Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết bài học rút ra là phải tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát thường xuyên ở các “điểm đen” TNGT, chú trọng thời điểm từ 16-22 giờ hàng ngày. Theo ông Chính, đây là thời điểm có nhiều người vi phạm nồng độ cồn lái xe trên đường. Do vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo công an tổ chức tuần tra kiểm soát để TNGT không tăng nặng nề hơn.
Tỉnh Hà Nam tuy kéo giảm TNGT ở cả 3 mặt, nhưng nguy cơ từ các đường ngang dân sinh (ngang đường sắt) mất an toàn luôn đe dọa làm gia tăng TNGT. Do vậy, địa phương đề nghị Bộ Giao thông - vận tải nhanh chóng đầu tư thêm đường gom (đường bộ) cạnh đường sắt để ATGT ở Hà Nam bền vững hơn. Tỉnh cũng cần phát triển cảng, bến sông để giảm tải cho đường bộ, cũng là góp phần kéo giảm TNGT toàn tỉnh.
Tỉnh Cà Mau là một trong 10 địa phương được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia biểu dương do giảm người chết vì TNGT (toàn tỉnh có 18 người chết vì TNGT trong cả năm 2014) trên 20%. Tuy nhiên, do số đầu xe và mật độ lưu thông không nhiều nên kinh nghiệm giảm TNGT ở tỉnh này khó thực hiện ở các tỉnh có mật độ giao thông cao. Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị được giữ lại 100% tiền thu phạt vi phạm giao thông để địa phương chủ động, kịp thời trong việc đầu tư, chi phí cho công tác bảo đảm ATGT. Đây cũng là kiến nghị của hầu hết các địa phương tham gia ý kiến trong hội nghị trực tuyến ATGT nói trên.
* Chỉ đạo từ cấp trên
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, nhận định TNGT cả nước tuy giảm cả 3 mặt, nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Bộ Công an sẽ tăng cường các nội dung bảo đảm ATGT trong năm mới, như: tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT; tăng cường phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông; chỉ đạo tổ chức chỉ huy giao thông, phân cấp kiểm soát giao thông phù hợp với địa bàn, tuyến; tập trung điều tra xử lý TNGT, xử lý các đối tượng chống người thi hành công vụ; tăng cường chấn chỉnh lực lượng tuần tra kiểm soát (có lực lượng bí mật ghi hình, kiểm tra cảnh sát giao thông); tập trung xử lý nồng độ cồn, chú ý các tuyến đường nông thôn, người đi mô tô, xe máy; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác kiểm soát giao thông và công tác bảo đảm ATGT. Tất cả các tỉnh, thành đều phải thực hiện tuần tra kiểm soát phối hợp cảnh sát giao thông và cảnh sát khác, nhằm đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm kết hợp bảo đảm trật tự ATGT. Thượng tướng Lê Quý Vương cũng nhắc nhở, phó giám đốc công an các tỉnh, thành (phụ trách cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự…) phải thường xuyên có mặt ở các tuyến đường trọng điểm để kiểm tra, hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời lực lượng tuần tra kiểm soát.
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban ATGT tỉnh cũng phải trực tiếp chỉ đạo công tác xử lý xe quá tải. Mục tiêu của Bộ Giao thông - vận tải trong năm 2015 là không còn xe quá tải hoạt động, thực hiện chủ đề năm ATGT 2015 “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm tra tải trọng xe” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”. |
Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đề nghị Bộ Giao thông - vận tải và UBND các tỉnh, thành phối hợp kiểm tra xe mang biển số giả biển số quân đội. Các xe mang biển số đỏ giả này thường là xe tải ben giả biển số quân đội để qua mặt lực lượng tuần tra kiểm soát, chở quá tải. Để kiểm soát xe quá tải hiệu quả hơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Đinh La Thăng cho biết trong năm 2015 sẽ bổ sung trạm cân xe tại tất cả các trạm thu phí BOT. Đối với các xe quá tải, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo, tất cả các xe quá tải đều bị phạt và phải quay về nơi xếp hàng để hạ tải. Đây là trách nhiệm của chủ xe, lực lượng tuần tra kiểm soát không phải lo bãi hạ tải cho xe vi phạm. Bộ trưởng Thăng có ý kiến quyết liệt hơn, tiến tới sẽ đề nghị truy tố các trường hợp xe quá tải 100%, vì đây là đối tượng phá hoại đường sá cũng là phá hoại tài sản của xã hội.
Thanh Toàn