Báo Đồng Nai điện tử
En

Để kéo giảm tai nạn giao thông trong năm mới

10:12, 22/12/2014

Tổng kết an toàn giao thông (ATGT) của tỉnh năm 2014, số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) giảm chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng cũng đạt yêu cầu giảm TNGT cả 3 mặt về số vụ, số người chết, số người bị thương. Để năm 2015 kéo giảm được TNGT đạt mục tiêu cả 3 mặt, cần nhìn lại diễn biến TNGT trong năm 2014, rút ra kinh nghiệm để năm mới đạt kết quả đảm bảo ATGT tốt hơn.

Tổng kết an toàn giao thông (ATGT) của tỉnh năm 2014, số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) giảm chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng cũng đạt yêu cầu giảm TNGT cả 3 mặt về số vụ, số người chết, số người bị thương. Để năm 2015 kéo giảm được TNGT đạt mục tiêu cả 3 mặt, cần nhìn lại diễn biến TNGT trong năm 2014, rút ra kinh nghiệm để năm mới đạt kết quả đảm bảo ATGT tốt hơn.

Trong quý I và II-2014, số người chết vì TNGT ở Đồng Nai gia tăng làm UBND tỉnh hết sức lo ngại và họp khẩn cấp để bàn giải pháp kéo giảm TNGT. Cụ thể, trong quý I chết 165 người, tăng 40 người chết; quý II chết 111 người, tăng 27 người.

* “Nóng” vì người chết tăng

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, trong quý I-2014, TNGT ở Đồng Nai gia tăng có phần do công tác đảm bảo ATGT trên công trường cải tạo, thi công các quốc lộ: 1, 20, 51 chưa được đơn vị thi công quan tâm đầy đủ.

Như việc đào bới, ngăn cách các mặt đường trên quốc lộ 20, quốc lộ 1 chưa được thi công dứt điểm, để kéo dài gây ùn tắc cục bộ và nguy hiểm cho người đi đường, nhất là người đi xe máy. Quốc lộ 51 chưa thực hiện dải phân cách tách làn xe 2-3 bánh theo đề nghị của UBND tỉnh (đã được Bộ Giao thông - vận tải đồng ý). Công tác tuần tra kiểm soát, xử phạt vi phạm giao thông ở các đơn vị, địa phương hầu hết đều giảm (chỉ có TX.Long Khánh và các huyện: Cẩm Mỹ, Tân Phú tăng).

Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông ở các nút giao giao thông, nhất là ở các công trình giao thông mới. Trong ảnh: Người đi bộ qua đường thiếu an toàn ở ngã tư Vũng Tàu, ở đây chưa có vạch qua đường cho bộ hành.
Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông ở các nút giao giao thông, nhất là ở các công trình giao thông mới. Trong ảnh: Người đi bộ qua đường thiếu an toàn ở ngã tư Vũng Tàu, ở đây chưa có vạch qua đường cho bộ hành.

Điều đáng lưu ý là tuy số vụ TNGT giảm trên 7%, nhưng số người chết lại tăng đến 35%. Điều này cho thấy mức độ của các vụ TNGT nghiêm trọng hơn, hậu quả nặng nề hơn, như: ở 2 huyện Cẩm Mỹ và Tân Phú đều có xảy ra tai nạn chết một lúc 3 người/vụ do người đi xe máy gây ra; Biên Hòa xảy ra một vụ xe khách đụng xe tải làm chết 1 người, bị thương 12 người.

Trong cuộc họp sơ kết ATGT 6 tháng đầu năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Trưởng ban ATGT tỉnh, đã thẳng thắng nêu thực trạng ở các công trường nâng cấp mở rộng quốc lộ vừa thi công vừa khai thác trên địa bàn tỉnh có tình trạng các đoạn đường đang thi công áp dụng biện pháp an toàn bằng cách “giăng dây cho có…”; đơn vị thi công biết là không an toàn nhưng vẫn làm bừa, làm ẩu.

Như quốc lộ 20 qua nhiều khu dân cư, nhưng các đơn vị thi công thực hiện tràn lan, không bảo đảm chiều dài (đoạn đường phải đào bới làm lại…), cũng như khoảng cách giữa các đoạn đang thi công không theo đúng quy định. Thực tế, TNGT ở các huyện Thống Nhất, Định Quán nơi có quốc lộ 20 đi qua đều gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay.

Thượng tá Lê Xuân Nam, Phó trưởng Công an huyện Tân Phú, cho biết 6 tháng đầu năm 2014, TNGT ở huyện xảy ra trên quốc lộ 20 chiếm 60% số vụ TNGT trên địa bàn huyện, trong đó có 2 vụ do xe thi công quốc lộ gây ra làm chết 2 người. Ngoài ra, còn có những vụ TNGT khác có nguyên nhân gián tiếp do công trình thi công thiếu an toàn gây ra. Hậu quả, trong năm 2014 TNGT ở huyện Tân Phú tăng cả 3 mặt, trong đó tăng đến 13 người chết.

Một vấn đề khác làm tình hình TNGT diễn biến phức tạp là việc phân bổ tiền thu phạt vi phạm giao thông theo quy định mới làm chậm trễ và thiếu trong việc cung cấp kinh phí cho hoạt động bảo đảm ATGT năm 2014 từ cấp cơ sở cho đến cấp tỉnh, thành.

Tại các buổi kiểm tra công tác bảo đảm ATGT ở cấp huyện trong tỉnh Đồng Nai trong năm 2014, các địa phương đều kêu ca về việc chậm trễ và thiếu kinh phí để điều hành hoạt động ATGT. Việc này cũng gây ảnh hưởng đến việc làm giảm nhịp độ tuần tra kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Trong cuộc họp tổng kết ATGT năm 2014, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận định đây gần như là quy luật, giảm tuần tra kiểm soát thì TNGT có chiều hướng gia tăng; việc tuần tra kiểm soát giảm nên việc giám sát người đi đường giảm theo và có một bộ phận đáng kể người đi đường vẫn vi phạm vì không bị giám sát.

* Giải pháp kéo giảm

Trước tình hình gia tăng người chết vì TNGT trong 6 tháng đầu năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh Đinh Quốc Thái đã chỉ đạo phải quyết liệt kéo giảm TNGT trong 2 quý còn lại của năm. Trong đó có yêu cầu các lực lượng tuần tra kiểm soát tăng cường hoạt động hơn nữa, kiểm tra kỹ các “điểm đen”, đoạn, tuyến mất ATGT để thông báo cho các địa phương, cơ quan chức năng xóa ngay “điểm đen” và có biện pháp bảo đảm ATGT. Các đơn vị tuần tra kiểm soát còn phải làm tốt công tác dự báo và xử lý các điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông, giải quyết nhanh chóng khi xảy ra ùn ứ. Chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) phải chịu trách nhiệm nếu tai nạn gia tăng trên các tuyến do địa phương quản lý. Kết quả, trong quý III đã giảm 36 người chết do TNGT; quý IV giảm 44 người.

Trong kỳ họp thứ 12 HĐND khóa VIII vừa qua, đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND đặt câu hỏi: “Tại sao khi các cơ quan chức năng và các địa phương quyết liệt vào cuộc trong 6 tháng cuối năm thì giảm người chết do TNGT. Ở đây cần xem xét trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức có trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm ATGT”.

Trong hội nghị tổng kết ATGT năm 2014, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chỉ đạo, để bảo đảm trong năm 2015 có kinh phí hoạt động kịp thời, các địa phương, đơn vị phải làm ngay dự trù kinh phí ATGT năm mới một cách bài bản, đúng quy định để cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các kế hoạch bảo đảm ATGT từ tỉnh đến cơ sở phải được thực hiện cụ thể, đồng bộ. Việc ký kết bảo đảm ATGT giữa công an và chính quyền địa phương phải được thực hiện bằng hành động cụ thể. Phải quyết liệt hơn nữa thực hiện các kế hoạch, giải pháp bảo đảm ATGT trong năm. Ban ATGT từ tỉnh đến cơ sở phải có mục tiêu cụ thể để kéo giảm TNGT hơn nữa.

Trong năm 2015 sẽ có nhiều công trình giao thông, như: quốc lộ 20, quốc lộ 1, quốc lộ 51 đoạn tránh thị trấn Long Thành, đoạn cao tốc Long Thành - Dầu Giây…, do vậy các đơn vị chức năng, lực lượng tuần tra kiểm soát phải tăng cường bảo đảm ATGT ở các nút giao với công trình mới, điều tiết phân luồng để các phương tiện giao thông lưu thông hợp lý hơn nhằm giảm ùn tắc, phòng ngừa TNGT. Việc siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải phải quyết liệt hơn. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm có tầm quan trọng trong việc kéo giảm TNGT, nên các lực lượng tuần tra kiểm soát phải phối hợp thực hiện ở những đoạn, tuyến giao thông phức tạp, có nguy cơ cao xảy ra TNGT. Việc xử lý người vi phạm giao thông cần áp dụng thêm biện pháp “bêu gương” trên loa đài công cộng để tăng tính răn đe, giáo dục. Cán bộ, công chức khi tham gia giao thông phải làm gương chấp hành pháp luật giao thông. Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT” phải được triển khai, thực hiện đến từng chi bộ Đảng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng nhắc nhở Ban ATGT các địa phương, đơn vị tăng cường bảo đảm ATGT ở các tuyến đường nông thôn, đường nội bộ các khu công nghiệp.

Thanh Toàn

 

Tin xem nhiều