Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự: Có nên quy định quyền im lặng?

11:11, 17/11/2014

Quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bị can có quyền được đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra…, đó là những vấn đề được nhiều đại biểu có ý kiến tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức mới đây.

Quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bị can có quyền được đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra…, đó là những vấn đề được nhiều đại biểu có ý kiến tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức mới đây.

* “Quyền im lặng”: Không ổn

Một vấn đề trong dự thảo bộ luật được quan tâm nhiều là quyền được im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quy định tại các điều: 52, 53, 54, 55 của Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự.

Luật sư Nguyễn Đức đóng góp ý kiến tại hội nghị.
Luật sư Nguyễn Đức đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Theo luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, việc đưa vào dự thảo bộ luật các điều khoản trên là điều đáng mừng, nhưng để quyền này đến được với bị can, bị cáo, người bị bắt… thì ai là người có trách nhiệm trình bày, giải thích? Nếu không có quy định cụ thể, nhiều bị can, bị cáo sẽ… không biết để thực hiện quyền này. Do đó, luật sư Nguyễn Đức đề nghị nên quy định cụ thể giao trách nhiệm cho điều tra viên thực hiện việc trình bày, giải thích quyền cho các đối tượng trên. Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, dự thảo bộ luật đưa vào quyền im lặng để chờ khi có luật sư, người bào chữa trình bày là hợp lý.

Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự gồm 8 phần, 36 chương, 476 điều, trong đó có 286 điều sửa đổi, 142 điều được bổ sung mới, giữ nguyên 48 điều và bỏ 12 điều của Bộ luật Tố tụng hình sự cũ. Để đảm bảo sự hợp lý về bố cục và phù hợp với sự phân chia giai đoạn tố tụng, dự thảo bộ luật đề xuất hoàn thiện khung kết cấu của Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng tách chương quyết định việc truy tố khỏi phần khởi tố, điều tra vụ án hình sự để xây dựng thành một phần độc lập (phần truy tố); ghép phần xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm thành một phần (phần xét xử vụ án hình sự). Ngoài ra, dự thảo bộ luật bổ sung 10 chương mới và sắp xếp vào các phần tương ứng.

Ông Hoàng Hữu Long, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.Biên Hòa, đề nghị giữ cách quy định như Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành: “Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến”. Việc trình bày lời khai, đưa ra ý kiến được quy định là quyền, chứ không phải là nghĩa vụ của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nên họ có thể thực hiện, hoặc không thực hiện quyền này.

Tuy nhiên, thẩm phán Trần Thanh Tùng lại cho rằng, nếu ra trước tòa mà bị cáo im lặng thì không ổn. “Phải quy định cụ thể những trường hợp im lặng thì phải có luật sư bào chữa, nếu không sẽ đi đến bất lợi cho người phạm tội vì trước tòa im lặng thường là đồng ý” - ông Tùng nói.

Thượng tá Bùi Thanh Sơn, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh, lại cho rằng nếu quy định quyền im lặng sẽ rất khó khăn trong quá trình điều tra. Theo ông Sơn, nhiều vụ án nếu không kịp thời lấy lời khai bị can sẽ để lại hậu quả khó lường.

* Bị can được sao chụp hồ sơ vụ án?

Một vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo bộ luật là quy định về quyền của bị can được đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra, được quy định tại Điều 54 dự thảo.

Có 2 luồng ý kiến đóng góp cho Điều 54 của dự thảo bộ luật. Ý kiến thứ nhất cho rằng, Hiến pháp năm 2013 quy định người bị buộc tội có quyền được bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Do đó, nếu bị can không có điều kiện thuê luật sư bào chữa thì phải được quyền đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra. Ý kiến thứ hai lại cho rằng không nên quy định quyền này cho bị can vì quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là với bị can đang bị tạm giam, nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của hồ sơ vụ án.

Một số đại biểu cho rằng, Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự đã tăng một số quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo… Điều đó cho thấy dự thảo bộ luật đã quan tâm bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự và việc nâng cao các quyền của con người sẽ góp phần làm giảm các vụ án oan sai.

Với 2 luồng ý kiến này, ông Hoàng Hữu Long đề nghị nên để cho bị can được đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án khi đã kết thúc điều tra; có như vậy quyền tự bào chữa của những người không có điều kiện thuê luật sư mới được đảm bảo. Đồng tình với ý kiến này, nhiều đại biểu cho rằng khi đã kết thúc điều tra bị can có quyền được nắm bắt hồ sơ vụ án của mình để làm cơ sở bào chữa trước phiên tòa.

Nhưng theo thẩm phán Trần Thanh Tùng, việc quy định bị can được đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án phải đảm bảo an toàn. Hồ sơ ban đầu của vụ án là những tài liệu, chứng cứ rất quan trọng để làm sáng rõ vụ án, trong khi đó có những trường hợp khi tiếp cận hồ sơ bị can có thể hủy hoại hồ sơ vụ án.

Một số đại biểu lại cho rằng, để đảm bảo an toàn cho hồ sơ vụ án, trong trường hợp phải cho bị can tiếp xúc hồ sơ vụ án thì điều tra viên có thể sao chép thành 2 bản.

Trần Danh

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều