Báo Đồng Nai điện tử
En

Tan nát một gia đình...

09:10, 10/10/2014

"Cha mẹ thường xuyên đánh nhau, cha thường đánh mẹ trước nhưng mỗi lần đánh nhau mẹ đều thắng"- đó là lời khai của cháu C.H.(con riêng của nạn nhân Nguyễn Thị Bé) tại phiên tòa xét xử bị cáo Đào Văn Phượng (47 tuổi, ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) giết vợ.

“Cha mẹ thường xuyên đánh nhau, cha thường đánh mẹ trước nhưng mỗi lần đánh nhau mẹ đều thắng”- đó là lời khai của cháu C.H.(con riêng của nạn nhân Nguyễn Thị Bé) tại phiên tòa xét xử bị cáo Đào Văn Phượng (47 tuổi, ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) giết vợ.

Chuyện tình của anh vé số

Bà Đỗ Thị Nửa (mẹ bị cáo Phượng) kể lại, bà sinh được 8 người con, nhưng chỉ có mình Phượng bị tàn tật. Sau một cơn sốt “thập tử nhất sinh”, Phượng đã bị teo cơ chân tay khi mới lên 2 tuổi. Thấy Phượng bị thiệt thòi hơn các anh chị em nên cả nhà ai cũng dành tình thương cho Phượng. 18 tuổi, thấy bản thân tàn tật không phụ giúp được gì cho gia đình, Phượng xin mẹ mua vé số về cho mình đi bán dạo. Thấy con nài nỉ, bà Nửa đã đồng ý. Ban đầu, Phượng chỉ ngồi một chỗ bán vé số. Về sau thấy ế ẩm, Phượng xin mẹ mua cho chiếc xe đạp để đạp đi bán vé số dạo khắp nơi trong xã.

Bị cáo Đào Văn Phượng cố quay lại nhìn các con trước khi về trại giam.
Bị cáo Đào Văn Phượng cố quay lại nhìn các con trước khi về trại giam.

Về phần nạn nhân Bé, chồng mất để lại 2 con thơ khiến cuộc sống của chị khá chật vật. Việc đi làm mướn thất thường chẳng đủ cho mẹ con chị có cái ăn, mặc. Được nhiều người chỉ bảo, chị gửi 2 đứa con cho mẹ ruột rồi đi lấy vé số bán. Bén duyên với nghề bán vé số dạo được một thời gian thì chị bén duyên với Phượng. Thấy Phượng tật nguyền nhưng chịu thương chịu khó, chị Bé đã đồng ý làm vợ Phượng dù bị gia đình ngăn cản.

 Sau khi sinh con, cha mẹ Phượng cho vợ chồng họ một miếng đất. Cố gắng dành dụm được chút ít, họ đã cất một căn nhà tạm bợ và chị Bé đưa 2 con riêng về chung sống.

Cứ thế, vợ chồng Phượng đi bán vé số mỗi ngày kiếm tiền nuôi con. Nhưng cuộc sống mỗi lúc một khó khăn, việc thiếu thốn tiền bạc khiến gia đình mâu thuẫn, vợ chồng Phượng thường xuyên cãi nhau. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi chị Bé đem chiếc xe đạp cũ cho đứa cháu mượn mà không có sự đồng ý của Phượng. Bực mình trước thái độ của Phượng, chị Bé đã chửi, đánh chồng rồi dẫn các con ra thuê phòng trọ ở riêng.

Ngày 12-3, Phượng đến gặp chị Bé để lấy sổ trợ cấp hàng tháng đối với người khuyết tật thì bị chị Bé đánh, chửi. Tức giận vợ nhiều lần đánh mình, chiều cùng ngày Phượng mua con dao nhọn rồi đi tìm chị Bé. Vừa thấy chồng, chị Bé đã giơ tay tát 2 cái vào mặt chồng, Phượng liền rút dao ra đâm 3 nhát vào người vợ khiến chị Bé tử vong.

Sau khi gây án, Phượng đem dao đi vứt rồi đến cơ quan công an đầu thú.

Không đội trời chung

Nhà chỉ cách nhau 4km, nhưng sau khi vụ án xảy ra, gia đình 2 bên mới chạm mặt nhau khi đến dự phiên tòa xét xử Phượng phạm tội giết người. Chẳng những không thèm hỏi han mà vừa gặp mặt nhau, 2 bên đã lời qua tiếng lại dẫn đến đánh nhau tại tòa. Nhờ có sự can thiệp kịp thời của bảo vệ tòa án nên không có ai bị thương tích.

Ngồi trong một hội trường, nhưng gia đình chị Bé và gia đình Phượng ngồi tách bạch ra ở 2 dãy ghế để tránh đụng chạm nhau. Trước tòa, mẹ chị Bé tức giận đề nghị: “Mong tòa xem xét, con gái tôi bị nó giết một cách đau đớn như thế. Sống với chồng 8 năm nhưng chưa có ngày nào con tôi được yên ổn. Nó cứ uống rượu vào là hành hạ, đánh đập con tôi. Đã 2 lần con tôi bị đánh tét đầu phải đi khâu nhiều mũi. Nó ác ôn lắm…”.

Còn bị cáo Phượng, vì tật nguyền không đứng được nên tòa cho phép ngồi trước vành móng ngựa để trả lời. “Bị cáo thường xuyên bị vợ đánh. Mỗi lần bị cáo nói câu gì không vừa lòng là vợ bị cáo chửi và đánh vào mặt bị cáo. Không đánh trả được nên bị cáo ra chợ mua con dao phòng thân, khi nào vợ đánh thì bị cáo đâm. Ngày xảy ra vụ án, bị cáo mang con dao ra dọa vợ, nhưng tại vợ cứ đánh nên bị cáo đâm luôn” - Phượng khai.

Bảo vệ quyền lợi của bị cáo Phượng tại tòa, luật sư cho rằng: “Bị hại là người chủ động gây gổ, đánh vào mặt bị cáo làm cho bị cáo ức chế, không kìm chế được nên mới đâm chết vợ. Đề nghị tòa xem xét tội danh giết người của bị cáo là do lỗi của bị hại”.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, bị cáo đã thủ sẵn dao với mục đích giết vợ nên truy tố bị cáo tội giết người ở Khoản 1, Điều 93 (có tính chất côn đồ) là đúng người, đúng tội. Ông cũng khuyên: “Đã là vợ chồng với nhau, dù có tức giận đến mấy bị cáo cũng không thể có hành động thủ dao để trả thù vợ. Còn chị Bé, khi đã chấp nhận một người tật nguyền làm chồng thì phải biết tôn trọng chồng để vun vén hạnh phúc gia đình”.

Phiên tòa kết thúc, khi Phượng bị dẫn giải ra xe về trại giam thì những đứa con chạy ùa tới cố níu lấy vạt áo của cha rồi khóc lóc. Phượng được ôm các con vào lòng lần cuối và nói vội: “Đợi cha 12 năm nữa, cha sẽ về làm lại cuộc đời”, rồi khuất bóng dần vào chiếc xe chở phạm nhân để về trại giam.

Tố Tâm

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều