Ngày 20-6, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 967/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Ngày 20-6, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 967/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Qua gần 3 tháng triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng, công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh ngày càng được chính quyền và các cấp, ngành ở địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Đảm bảo an toàn cháy, nổ trong khu dân cư
Sau khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Cảnh sát PCCC tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ra các văn bản chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức thực hiện nghiêm, đồng thời lập đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và các huyện để tổng kiểm tra việc chỉ đạo, điều hành công tác PCCC trên địa bàn.
Một buổi diễn tập chữa cháy phối hợp nhiều lực lượng tại một cơ sở kinh doanh khí hóa lỏng trọng điểm ở huyện Long Thành. |
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra 25 đơn vị, cơ sở gồm: Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH huyện Nhơn Trạch, huyện Định Quán, TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh và 8 xã (phường, thị trấn), Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN), các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, các cơ sở trọng điểm nguy hiểm về cháy, nổ. Cấp huyện đã kiểm tra 173 cơ sở trọng điểm và khu dân cư tập trung. Nội dung kiểm tra xoay quanh việc quản lý Nhà nước về thực hiện công tác PCCC&CNCH của UBND các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC; công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC tại các xã (phường, thị trấn), các KCN và các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN...
Qua kiểm tra cho thấy, tại 4 huyện và 8 xã (phường, thị trấn) đã tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác PCCC&CNCH. Các địa phương đã quan tâm công tác phổ biến pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCH. Việc tổ chức tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức, như: tuyên truyền miệng, qua hệ thống phát thanh tại địa phương, tờ rơi, áp phích...
UBND các địa phương đã chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị chức năng tập trung kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và hộ kinh doanh trên địa bàn khu dân cư thực hiện tốt các quy định về an toàn PCCC; xây dựng phương án chữa cháy phối hợp nhiều lực lượng tại các khu phố, xóm, ấp có nhiều nguy cơ về cháy, nổ; hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn PCCC và xử lý các tình huống cháy, nổ tại các hộ gia đình.
Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo tổ chức ký cam kết thi đua đảm bảo an toàn PCCC đối với các xã (phường, thị trấn) và các ấp, khu phố, hộ dân; triển khai xây dựng mô hình điểm “Cụm dân cư an toàn PCCC”, “Cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn PCCC”…, từ đó phát huy được ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc phòng ngừa cháy, nổ và tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC&CNCH tại nơi ở, nơi làm việc.
Giảm nguy cơ cháy, nổ
Tại các KCN, cụm công nghiệp, để giảm thiểu các nguy cơ về cháy, nổ, Ban Quản lý các KCN đã phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức cho 25 công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và 1.043 doanh nghiệp thuộc 31 KCN trên địa bàn tỉnh ký cam kết thi đua đảm bảo an toàn PCCC& CNCH. Việc trang bị phương tiện PCCC&CNCH tại các KCN cũng được quan tâm thực hiện. Đến nay, hầu hết các KCN đã tự trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy; một số KCN, như: Amata, Biên Hòa 2, Tam Phước… còn tự trang bị xe chữa cháy.
Toàn tỉnh có 24/28 KCN (đang hoạt động) đã xây dựng được hệ thống đường ống cấp nước và trụ cấp nước chữa cháy theo thiết kế được phê duyệt; 6/31 KCN xây dựng hệ thống cấp nước chữa cháy theo hình thức xây dựng đến đâu lắp đặt đến đó. Ban Quản lý các KCN còn thường xuyên hướng dẫn các doanh nghiệp và nhà đầu tư thực hiện công tác PCCC ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư đến khi đi vào hoạt động.
Gần đây nhất, Ban Quản lý các KCN đã phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức xây dựng 11 mô hình “Cụm doanh nghiệp đảm bảo an toàn PCCC”, xây dựng quy chế hoạt động, quy chế kiểm tra và mỗi đơn vị trong cụm đều cam kết thực hiện tốt công tác PCCC&CNCH.
Các cơ sở trọng điểm nguy hiểm về cháy, nổ, như: trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất - kinh doanh có quy mô lớn, tính chất nguy hiểm về cháy, nổ cao…, đều đã có sự quan tâm tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, như: xây dựng nội quy an toàn PCCC; trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy; lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động cho các kho chứa hàng hóa; xây dựng và thực tập phương án chữa cháy tại chỗ theo quy định; chủ động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCCC cho người lao động. Tại các chợ, trung tâm thương mại, các ban quản lý thường xuyên phát thanh trên loa, đài tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn PCCC để nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh và người dân, cũng như xây dựng các đội PCCC tại chỗ, phân công trực sẵn sàng chiến đấu để kịp thời xử lý các tình huống.
Đức Việt