Phiên tòa kết thúc, bà Phạm Thị Thanh (48 tuổi, ngụ KP.4, phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) vội vã cùng chồng đón xe đưa con (anh Võ Ngọc Dũng, 21 tuổi) về nhà.
Phiên tòa kết thúc, bà Phạm Thị Thanh (48 tuổi, ngụ KP.4, phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) vội vã cùng chồng đón xe đưa con (anh Võ Ngọc Dũng, 21 tuổi) về nhà.
Từ một thanh niên khỏe mạnh với nhiều hoài bão, sau tai nạn lao động, Dũng không còn nhận thức được nữa và chỉ nằm dặt dẹo một chỗ như đứa trẻ bị bệnh bại não bẩm sinh.
Tan giấc mơ tuổi trẻ
Sau khi có tấm bằng nghề hàn tiện bậc 3/7, anh Dũng xin vào Công ty TNHH cơ khí chính xác Đồng Hiệp Phát (KP.3, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) làm công nhân. Anh được công ty nhận vào thử việc với mức lương 2 triệu đồng/tháng, kèm theo lời hứa sẽ ký hợp đồng chính thức sau khi hết thời gian thử việc nếu Dũng làm việc tốt.
Anh Võ Ngọc Dũng được cha mẹ chăm sóc. |
Hay tin con trai có được việc làm gần nhà, tiền lương cũng tạm chấp nhận được trong thời buổi khó tìm việc, bà Thanh vội vã xách giỏ ra chợ mua gà về làm bữa tiệc gia đình nho nhỏ chúc mừng Dũng. Trong buổi tiệc vui vẻ ấy, Dũng hí hửng nói về tương lai.
Bà Thanh rơm rớm nước mắt kể, Dũng nói tháng lương đầu tiên sẽ đưa hết cho cha mẹ lo cho anh trai học xong cao đẳng nghề và 2 đứa em nhỏ đang học phổ thông. “Nó nói sẽ chịu khó làm việc kiếm tiền để còn tiếp tục học lên cao đẳng, đại học” - bà Thanh buồn bã kể lại.
Những ngày đầu mới đến công ty làm việc, Dũng được phân công làm những chuyện vặt, như: dọn dẹp vệ sinh, giao hàng, làm phụ các thợ lâu năm… Tuy không được làm đúng chuyên môn, Dũng vẫn không có ý kiến mà phấn đấu làm tốt việc công ty đã giao. Kết thúc ngày làm việc thứ nhất, thứ hai, thứ ba…, dáng thư sinh của Dũng vơi đi ít nhiều. Thấy Dũng có vẻ mệt mỏi với công việc, cả nhà đã xúm lại động viên, bà Thanh thì chăm chút bữa cơm gia đình nhiều thịt, cá hơn thường ngày.
Đến ngày làm việc thứ 21 của Dũng, vợ chồng bà Thanh rụng rời tay chân khi hay tin con bị điện giật bất tỉnh trong lúc làm việc. Lúc ấy, vợ chồng bà được giám đốc công ty hứa lo tất cả chi phí thuốc men cho Dũng trong quá trình nằm viện điều trị.
Xót lòng…
Nhờ sự chăm sóc tích cực của bác sĩ, Dũng không còn bị nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vẫn nằm bất động. Sau một tháng điều trị, Dũng được xuất viện, nhưng do bị thiếu máu não nên anh không thể nói được, nằm dặt dẹo như đứa trẻ bị bại não bẩm sinh (thương tật tỷ lệ 85%).
Nhìn con từ một thanh niên khỏe mạnh, giàu mơ ước nay phải sống đời sống thực vật, vợ chồng bà Thanh ứa nước mắt. “Thời gian đầu, lãnh đạo công ty còn đến bệnh viện thăm hỏi và hỗ trợ viện phí 31 triệu đồng. Nhưng khi con tôi xuất viện thì họ trốn tránh trách nhiệm. Gia đình tôi nhờ cơ quan chức năng can thiệp họ mới đưa thêm 40 triệu đồng. Số tiền đó chỉ đáp ứng được một phần nhỏ trong tổng số tiền hơn 500 triệu đồng gia đình tôi lo cứu chữa Dũng từ năm 2012 đến nay” - bà Thanh bức xúc giãi bày với tòa.
Nhiều lần đến công ty yêu cầu giải quyết sự việc có tình lý nhưng bất thành, bà Thanh đã nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Tuy nhiên, phía công ty vẫn không có được tiếng nói chung với gia đình về các khoản bồi thường viện phí, mất sức khỏe và bảo hiểm xã hội… theo Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, buộc gia đình bà Thanh tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh nhờ hỗ trợ pháp lý và khởi kiện công ty ra tòa. “Công ty chỉ đồng ý hỗ trợ gia đình tôi tất cả các khoản với số tiền 200 triệu đồng, bởi họ cho rằng con tôi chỉ được nhận làm việc dạng lao động phổ thông, đang thời gian thử việc, chưa được ký hợp đồng lao động” - bà Thanh nói.
Ngày 8-9, Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm và đã tuyên buộc công ty bồi thường cho anh Dũng hơn 300 triệu đồng, gồm các khoản (tạm tính từ 5-2012 đến 5-2014): chi phí điều trị bệnh, tổn thất tinh thần, tiền lương một tháng Dũng đã làm việc, tiền mất thu nhập của những người chăm sóc anh Dũng, tiền bồi thường tai nạn lao động cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên...
Rời phiên tòa, bà Thanh nước mắt ngắn dài cho chúng tôi biết, tòa chỉ tạm gút số tiền công ty bồi thường cho anh Dũng từ tháng 5-2012 đến tháng 5-2014, đồng thời dành cho bà quyền khởi kiện công ty trong một vụ án dân sự khác để yêu cầu bồi thường thêm cho anh Dũng các khoản chi phí phát sinh theo luật định. “Gia đình tôi đồng tình với phán quyết của tòa án, nhưng thực tế các khoản tiền đó chỉ đáp ứng một phần chi phí gia đình tôi phải vay mượn lo cho con. Điều tôi xót xa là gia đình đã suy kiệt kinh tế, nhưng vẫn không cứu được con thoát khỏi đời sống thực vật; nhất là việc lãnh đạo công ty than làm ăn khó khăn nên chỉ bồi thường được 71 triệu đồng rồi không đoái hoài đến con tôi nữa” - bà Thanh nghẹn lòng nói.
Đoàn Phú