Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Căn cước công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức ngày 8-9, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm chính là vấn đề nội dung, hình thức và cách thức quản lý thẻ căn cước công dân được thực hiện như thế nào cho hợp lý và đồng nhất?
Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Căn cước công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức ngày 8-9, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm chính là vấn đề nội dung, hình thức và cách thức quản lý thẻ căn cước công dân được thực hiện như thế nào cho hợp lý và đồng nhất?
Ông Mai Văn Sinh, Trưởng phòng nghiệp vụ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cho rằng: “Cần phải thống nhất về độ tuổi công dân được cấp thẻ căn cước trong dự thảo luật và các nội dung của dự luật phải phù hợp với các văn bản luật khác”.
* Bộ nào thực hiện, quản lý?
Theo ông Sinh, Điều 19 dự thảo luật quy định về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân phân ra thẻ căn cước cho người chưa đủ 14 tuổi và người đủ 14 tuổi trở lên, trong khi Điều 20 dự thảo luật quy định về số và hạn sử dụng thẻ căn cước công dân lại quy định hạn sử dụng thẻ căn cước cho người dưới 15 tuổi và từ 15 tuổi trở lên. Vì vậy, cần có quy định thống nhất một độ tuổi để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai luật.
Đại biểu tham gia góp ý tại hội nghị diễn ra ngày 8-9. |
Theo đại diện Sở Tư pháp, Luật Hộ tịch từ trước đến nay giao cho ngành tư pháp thực hiện (làm luật), nhưng giấy chứng minh nhân dân lại do công an cấp. Khi thẻ căn cước công dân ra đời, ngành nào sẽ quản lý thẻ căn cước, vì trong thẻ này có chứa những thông tin mà ngành tư pháp thực hiện, như: giấy khai sinh, quê quán, nơi thường trú (nằm trong Luật Hộ tịch)…
“Luật ra đời nhằm giảm thủ tục pháp lý, tạo thuận lợi cho người dân nên phải cân nhắc, thống nhất trong việc thực hiện, tránh trường hợp chồng chéo, khó đi vào cuộc sống. Vì vậy, cần phải quy định rõ ngành công an hay tư pháp thực hiện cấp, quản lý thẻ căn cước công dân” - ông Huỳnh Minh Thiện, Phó giám đốc Sở Tư pháp, băn khoăn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Sinh đề nghị giao cho ngành công an thực hiện thẻ căn cước công dân, vì ngành công an đã có sẵn cơ sở tàng thư, có hệ thống thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký chứng minh nhân dân tốt và bài bản, trong khi ngành tư pháp chỉ quản lý về hộ khẩu, hộ tịch.
* Tiến tới Chính phủ điện tử
Không đồng tình đổi tên gọi chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân, đại diện Tòa án nhân dân tỉnh cho rằng, từ trước đến nay các văn bản giấy tờ đều thể hiện chứng minh nhân dân. Sắp tới, khi Dự thảo Luật Căn cước công dân được thông qua và có hiệu lực (từ 1-7-2015), thẻ này sẽ được thay thế thì kho lưu trữ sẽ lẫn lộn, sẽ có hồ sơ là chứng minh nhân dân, có hồ sơ là căn cước nhân dân, như vậy rất phức tạp cho việc quản lý. “Chúng ta phải cân nhắc, vì sự thay đổi này sẽ tạo ra một sự xáo trộn, lãng phí vô cùng lớn. Bỏ đi gần 70 triệu chứng minh nhân dân cũ để làm mới với số tiền lên đến cả ngàn tỷ đồng, trong khi các giao dịch hành chính hiện nay đều dùng tên gọi giấy chứng minh nhân dân. Ngành tòa án cũng gặp khó khi giải quyết hồ sơ, các tranh chấp dân sự…” - đại diện ngành tòa án lý giải.
Luật sư Nguyễn Bình An, đại diện Hội Luật gia tỉnh, nêu ý kiến: “Khi luật mới ra đời sẽ giảm bớt thủ tục pháp lý, đơn giản trong thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, không để xảy ra tình trạng việc ban hành một số luật mới như trước đây là chờ luật này thực hiện xong mới làm luật kia”. |
Giải thích vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công an tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh, khẳng định việc cấp mã số công dân, thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân sẽ chấm dứt quản lý bằng hộ khẩu và tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử theo đề án 896 về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính Nhà nước.
Theo đề án 896, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cùng với các cơ sở dữ liệu khác góp phần thúc đẩy, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động… Khi đưa vào ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cùng với việc sử dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác sẽ giảm một số loại giấy tờ công dân, thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước.
“Việc thực hiện, quản lý luật này sẽ giúp công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự…, chứ không phải tạo điều kiện cho ngành này, sở kia hoạt động thuận lợi” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh khẳng định.
Thanh Hải