Những năm gần đây, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đặc biệt. Thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo PCCC tỉnh và sự hướng dẫn tích cực của Cảnh sát PCCC Đồng Nai, tình hình cháy, nổ tại các KCN đã được kiềm chế và từng bước kéo giảm, phục vụ đắc lực cho việc ổn định sản xuất, góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh.
Những năm gần đây, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đặc biệt. Thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo PCCC tỉnh và sự hướng dẫn tích cực của Cảnh sát PCCC Đồng Nai, tình hình cháy, nổ tại các KCN đã được kiềm chế và từng bước kéo giảm, phục vụ đắc lực cho việc ổn định sản xuất, góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh.
* Thi đua đảm bảo an toàn PCCC
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, Đồng Nai hiện có 31 KCN đã được thành lập với tổng diện tích gần 9.560 hécta, trong đó có 28 KCN đã đi vào hoạt động, 3 KCN đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng hạ tầng, kêu gọi đầu tư. Tính đến ngày 31-6, đã có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư 935 dự án với tổng số vốn gần 16,5 tỷ USD; 350 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 42 ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 442 ngàn lao động.
Một buổi diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Công ty TNHH Green Feed (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom). |
Tính chất đặc thù ở các KCN là chứa một khối lượng lớn vật tư, thiết bị sản xuất và phục vụ sản xuất, trong đó có nhiều đơn vị sản xuất các mặt hàng dễ cháy, như: giày da, may mặc, chế biến gỗ, thức ăn gia súc, phun sơn, dệt nhuộm... Những năm trước, mặc dù đã có Luật PCCC, nhưng do tập trung cho sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp ít quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCCC cho người lao động, ít đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCC, không xây dựng lực lượng chữa cháy cũng như phương án chữa cháy tại chỗ, nên để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng gây thiệt hại lớn đến sản xuất và tài sản.
Thông qua việc tổ chức thực hiện nghiêm túc cam kết thi đua về PCCC và cứu nạn cứu hộ giữa các KCN và giữa các doanh nghiệp trong KCN, doanh nghiệp đã nhận thức tốt hơn về trách nhiệm của các đơn vị sản xuất - kinh doanh, từ đó quan tâm đến việc đầu tư lực lượng và trang bị, phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ tại doanh nghiệp. |
Để đảm bảo an toàn về PCCC phục vụ sản xuất phát triển, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCCC tỉnh đã tập trung đề ra nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC tại các địa phương nói chung và tại các KCN nói riêng, đặc biệt là công tác tăng cường kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn việc thực hiện công tác PCCC tại các KCN. Hàng năm, qua sự phối hợp giúp đỡ, hướng dẫn của Cảnh sát PCCC tỉnh và các huyện, Ban Quản lý các KCN đã thường xuyên tổ chức họp giao ban với các doanh nghiệp trong KCN để thông báo tình hình cháy, nổ và các giải pháp phòng ngừa, góp phần nâng cao ý thức pháp luật về PCCC cho các chủ doanh nghiệp.
Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng đã phối hợp với Cảnh sát PCCC tổ chức ký giao ước thi đua đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ giữa các KCN và giữa các doanh nghiệp trong các KCN, qua đó có 1.043 doanh nghiệp trong 28 KCN đang hoạt động tham gia ký kết.
* Kéo giảm các vụ cháy
Tính đến nay, dù tất cả các KCN trên địa bàn tỉnh chưa có Đội PCCC và cứu nạn cứu hộ chuyên ngành, nhưng hầu hết các KCN đều đã thành lập được lực lượng PCCC cơ sở, hoặc ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh hạ tầng, dịch vụ bảo vệ để chăm lo công tác PCCC.
Bên cạnh đó, hầu hết các KCN đã tự trang bị phương tiện chữa cháy cơ bản, như: dây, máy bơm chữa cháy, lăn nước chữa cháy, bình chữa cháy, lắp đặt hệ thống báo cháy... Một số KCN, như: Amata, Biên Hòa 1, Tam Phước…, còn tự trang bị xe chữa cháy.
Theo thống kê, hiện đã có 24/28 KCN xây dựng hệ thống đường ống cấp nước, trụ cấp nước chữa cháy theo thiết kế; 6/31 KCN, như: Dầu Giây, Long Khánh, Suối Tre, Xuân Lộc, Lộc An - Bình Sơn, Thạnh Phú thực hiện việc xây dựng hạ tầng đến đâu, hệ thống cấp nước chữa cháy được xây dựng đến đó.
Để công tác PCCC tại các KCN ngày càng đi vào chiều sâu và có kết quả tích cực, Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên phối hợp với Cảnh sát PCCC thực hiện nghiêm quy chế thẩm duyệt về PCCC, tham gia ý kiến đối với các dự án, công trình, cấp giấy phép xây dựng, quy hoạch hệ thống cấp nước PCCC và yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu về PCCC. Mọi công trình xây dựng mới, hoặc mở rộng trong các KCN đều phải được thẩm duyệt về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC mới được triển khai thực hiện.
Với những nỗ lực nêu trên, công tác an toàn về PCCC tại các KCN trên địa bàn tỉnh ngày càng đạt được kết quả khả quan. Số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ tại các KCN được kiềm chế và từng bước kéo giảm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn các KCN trong tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu là do chập điện và sự cố kỹ thuật với mức thiệt hại khoảng 2,3 tỷ đồng. So với năm 2013, số vụ cháy không tăng, không giảm, nhưng mức thiệt hại được kéo giảm đáng kể.
Đức Việt