Sau khi phê duyệt thí điểm chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai đã có 3 văn phòng thừa phát lại đi vào hoạt động. Để bạn đọc hiểu rõ những thông tin về hoạt động thừa phát lại, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Châu, Phó giám đốc Sở Tư pháp.
Ông Phan Văn Châu, Phó giám đốc Sở Tư pháp. |
Sau khi phê duyệt thí điểm chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai đã có 3 văn phòng thừa phát lại đi vào hoạt động. Để bạn đọc hiểu rõ những thông tin về hoạt động thừa phát lại, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Châu, Phó giám đốc Sở Tư pháp. Ông Châu cho biết:
- Cơ sở pháp lý về hoạt động thừa phát lại được quy định khá rõ trong Nghị định 61/2009 và Nghị định 135/2013 của Chính phủ đã ban hành. Theo đó, các nghị định này quy định thừa phát lại có 4 nhiệm vụ: thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự.
* Thưa ông, ngoài 4 nhiệm vụ như đã nêu, thừa phát lại có thể giúp người dân lập vi bằng trong những trường hợp nào?
- Lập vi bằng là ghi lại sự việc một cách trung thực, chính xác về các giao dịch dân sự nhằm tạo lập bằng chứng một cách khách quan cho các đương sự để có cơ sở cung cấp cho tòa án khi có tranh chấp cần giải quyết. Chính vì vậy, các quan hệ dân sự cần làm bằng chứng khi xảy ra tranh chấp đều có thể nhờ đến thừa phát lại lập vi bằng, như: ghi nhận các vụ việc dân sự; giao nhận hiện trạng, ghi nhận việc giao thông báo…
* Các cơ quan thực thi pháp luật có vai trò như thế nào trong hoạt động của thừa phát lại, thưa ông?
- Ban Chỉ đạo thí điểm chế định thừa phát lại của tỉnh mới đây đã ban hành quy chế hoạt động. Qua đó xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan trong việc thí điểm chế định thừa phát lại. Cụ thể như sau: Công an tỉnh có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, công an các địa phương cùng các đơn vị phối hợp, hỗ trợ thực hiện các yêu cầu của các văn phòng thừa phát lại theo quy định của Luật Thi hành án; kịp thời cung cấp, trao đổi đầy đủ, chính xác các thông tin, số liệu về đăng ký các phương tiện giao thông… khi có yêu cầu của thừa phát lại.
Tòa án nhân dân các cấp có nhiệm vụ tuyên truyền, quán triệt chế định thừa phát lại trong hệ thống tòa án; thỏa thuận với thừa phát lại thực hiện chuyển giao việc tống đạt văn bản, quyết định… Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện kiểm sát việc tuân thủ pháp luật đối với hoạt động tống đạt giấy tờ của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự và việc trực tiếp thi hành án của các văn phòng thừa phát lại. Cục Thi hành án dân sự tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo chi cục thi hành án các địa phương phối hợp với thừa phát lại trong việc tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định của pháp luật.
Lễ cắt băng khánh thành Văn phòng Thừa phát lại TP.Biên Hòa. Ảnh D.Trường |
* Hoạt động của thừa phát lại sẽ tạo điều kiện cho người dân những thuận lợi gì?
- Nếu như trước đây hoạt động thi hành án chỉ có duy nhất một cơ quan thực thi đó là Cục Thi hành án dân sự, thì nay hoạt động thừa phát lại góp thêm một dịch vụ mới cho người dân lựa chọn cơ quan thi hành án. Khi hoạt động thừa phát lại đi vào hoạt động ổn định, sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động thi hành án. Và như vậy, hoạt động thi hành án sẽ không còn sự độc quyền nên những vấn đề liên quan đến thi hành án sẽ hoạt động nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông!
Trần Danh (thực hiện)