Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới vào ngày 8-5, nhiều đại biểu phản ảnh các quán bar, vũ trường hoạt động trá hình trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã gây bức xúc trong dân.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới vào ngày 8-5, nhiều đại biểu phản ảnh các quán bar, vũ trường hoạt động trá hình trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã gây bức xúc trong dân.
Quán bar MTM trên đường Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). |
Nhiều đại biểu cho rằng, các quán bar, vũ trường… hoạt động trá hình đã thu hút các đối tượng tội phạm tụ tập gây mất an ninh trật tự. Đây còn là nơi để các đối tượng tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy, hoạt động mại dâm…
* Khó quản lý
Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Long cho biết: “Các vi phạm liên quan đến hoạt động văn hóa trước hết phải nâng cao công tác phòng ngừa là chủ yếu và phải làm quyết liệt”. Theo ông Long, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đã quy hoạch hoàn chỉnh các lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, như: vũ trường, quán bar, karaoke… Theo đó, Đồng Nai chỉ cho phép 4 vũ trường hoạt động và hiện có 2 vũ trường trong các khách sạn cao cấp. “Ngoài quy hoạch này, không một cơ sở nào được phép hoạt động vũ trường” - ông Long nhấn mạnh.
Điều kiện để các vũ trường hoạt động được quy định chặt chẽ, như: phải đảm bảo đầy đủ ánh sáng, cách âm… và nằm cách trường học, bệnh viện 200m trở lên. Nhưng thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động này còn nhiều bất cập. Một số thanh thiếu niên hư hỏng thường tụ tập tại các quán bar trá hình gây mất an ninh trật tự. Dù chủ cơ sở cam kết khi phát hiện khách sử dụng chất kích thích, hoạt động khiêu dâm hoặc chưa đủ tuổi… thì phải mời ra ngoài, nhưng trên thực tế, một số chủ cơ sở vì lợi nhuận đã để các đối tượng này len lỏi vào hoạt động.
Theo ông Long, khi kiểm tra, lực lượng chức năng rất khó phát hiện được các sai phạm. Mỗi lần tổ chức kiểm tra hay giám sát hoạt động tại các cơ sở kinh doanh quán bar, vũ trường…, lực lượng kiểm tra phải có sự hỗ trợ của các lực lượng, như: Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, hay tổ công tác liên ngành 814 của tỉnh… Và hệ quả, hoạt động bất chấp vi phạm các quy định của pháp luật ở một số cơ sở kinh doanh đã gây bất bình trong dân và nhiều người cho rằng lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm.
* Hoạt động phải vào nề nếp
Ông Long giãi bày, việc xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm (nhất là các doanh nghiệp) phải thực hiện theo trình tự luật định, phải có chế tài, chế định rõ ràng. Trong khi đó, để đi vào hoạt động, các cơ sở kinh doanh đăng ký với Sở Kế hoạch - đầu tư nhiều ngành nghề khác nhau. Thực tế hoạt động, các cơ sở này chỉ bị phát hiện sai phạm một số lĩnh vực, nên không thể tước toàn bộ giấy phép hoạt động của họ. Đây là bài toán nan giải cho các ngành chức năng. “Trước những khó khăn đó, các ngành chức năng chỉ còn cách tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật” - ông Long nói.
Qua kiểm tra, gần đây lực lượng chức năng đã phát hiện một số sai phạm tại Công ty TNHH một thành viên MTM (quán bar MTM, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Sau khi xem xét, lực lượng chức năng chỉ xử phạt hành chính tối đa 15 triệu đồng.
Ông Thi Văn Dũng, Phó bí thư Thành ủy Biên Hòa, cho biết hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn thành phố thời gian qua diễn biến khá phức tạp, số đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa (tuổi 18-25 chiếm 90%). Một số hoạt động văn hóa mang tính nhạy cảm trên địa bàn thành phố, như: quán bar, vũ trường, karaoke… thường xảy ra các hoạt động không lành mạnh. Trong khi đó, công tác điều tra, xử lý chưa mang lại hiệu quả cao, khiến người dân bất bình, phản ứng.
Liên quan đến vấn đề này, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương nhấn mạnh, công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực văn hóa chưa cao, giáo dục về đạo đức xã hội chưa tốt dẫn đến một số loại tội phạm, tệ nạn đã tăng cao, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Trước thực trạng đó, đồng chí Lê Hồng Phương yêu cầu các ngành chức năng phải quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở trên một số lĩnh vực văn hóa nhạy cảm, như: nhà hàng, quán bar, karaoke…, đưa các hoạt động này đi vào nề nếp để tránh các loại tội phạm phát sinh.
Trần Danh