Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố bị can Võ Thanh Tùng (bút danh Duy Đông, 32 tuổi, nguyên phóng viên Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh thường trú tại Đồng Nai) về các tội cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố bị can Võ Thanh Tùng (bút danh Duy Đông, 32 tuổi, nguyên phóng viên Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh thường trú tại Đồng Nai) về các tội cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Cùng bị truy tố trong vụ án còn có các bị can: Nguyễn Kim Cương (35 tuổi, nguyên phóng viên Báo Thanh Niên thường trú tại Đồng Nai), Nguyễn Văn Tài (22 tuổi, nguyên sinh viên Trường đại học Đồng Nai) và Dương Văn Minh (25 tuổi, nguyên nhân viên Tổ trật tự quản lý đô thị phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa).
* Tống tiền chủ quán bar…
Tháng 7-2013, khi viết bài về tình hình hoạt động của các quán bar trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, Tùng đã yêu cầu Tài và Minh thâm nhập vào các quán bar để thu thập thông tin.
Ngày 29-7-2013, Tùng gửi tòa soạn cho đăng loạt bài Vào quán bar xem múa cột, phản ảnh việc tổ chức múa cột tại quán bar M.T.M (TP.Biên Hòa). Sau khi báo đăng, chủ quán bar M.T.M Trần Thế Duy Thanh đã hẹn gặp Tùng để thương lượng không đăng bài nữa. Tùng cho biết có 4 kỳ báo viết về quán bar M.T.M, nếu anh Thanh gặp sớm thì sẽ không đăng kỳ 2 và giới thiệu anh gặp Tài để giải quyết.
Sau khi hẹn và gặp Tài, Minh tại quán cà phê V. (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), anh Thanh đã đưa Tài 5 triệu đồng. Khi nghe Tài báo lại vụ việc, Tùng gọi điện cho anh Thanh nói kỳ 2 đã gửi tòa soạn không thể dừng, nếu muốn dừng 2 kỳ sau thì phải chi 10 ngàn USD.
Những ngày sau đó, Tùng chỉ đạo Tài gặp anh Thanh yêu cầu chi tiền để dừng đăng 2 kỳ báo cuối. Do chưa chuẩn bị đủ tiền, anh Thanh chỉ đưa thêm cho Tài 10 triệu đồng.
Ngày 1-8-2013, anh Thanh gọi điện thì được Tùng nói “Bài báo sáng nay đã nói tốt cho anh rồi…” và yêu cầu anh Thanh phải làm theo thỏa thuận như đã trao đổi với Tài. Do anh Thanh không chuyển tiền, Tùng và Tài liên tục gọi điện giục anh chuyển tiền, nếu không: “Sẽ cho đăng bài, sẽ rút giấy phép quán bar M.T.M”.
Ngày 7-8-2013, Tùng hẹn gặp anh Thanh tại khách sạn Wooshu (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) để nhận tiền như đã thỏa thuận. Tại đây, anh Thanh đưa cho Tùng bọc tiền 200 triệu đồng. Do sợ camera của khách sạn ghi hình, Tùng yêu cầu anh Thanh để 50 triệu đồng vào một phòng gần đó, rồi Tùng đi vào lấy. Khi Tùng cầm tiền đi ra hành lang thì bị công an bắt quả tang.
*… Đến cưỡng đoạt tiền của công an
Tháng 5-2013, sau khi chỉ đạo Tài đi quay phim để viết bài Những trường gà vùng giáp ranh…, Tùng đã gọi điện cho anh Trần Lê Anh Nhân (cảnh sát giao thông Trạm Mađagui, tỉnh Lâm Đồng) nói quay được hình của anh trong trường gà và yêu cầu anh chi tiền để không đăng hình. Do trước đó có vào trường gà xem đá gà và mua gà chết, sợ bị ảnh hưởng đến công việc, anh Nhân gọi điện hẹn gặp Tùng và Tài ở TP.Biên Hòa để thương lượng không đăng hình anh trên báo.
Liên quan đến vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, do nhận “bảo kê” xe tải quá nhiều, không thể kiểm soát hết, Tùng đã gọi điện nhờ Nguyễn Kim Cương “giúp đỡ” với chi phí 1,5 triệu đồng/xe/tháng. Tất cả số xe này, Tùng đều chỉ đạo Tài ghi biển số và dặn tài xế khi bị công an chặn bắt thì nói xe của “Kim Cương”, nếu không được giải quyết cho đi thì gọi cho Kim Cương giải quyết. Số tiền Cương nhận được trong việc “bảo kê” xe tải là 19,5 triệu đồng. Ngoài ra, Cơ quan điều tra Bộ Công an còn đề nghị lãnh đạo Công an 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng xử lý các cán bộ, chiến sĩ có liên quan. |
Ngày 27-5, tại một quán cà phê ở TP.Biên Hòa, anh Nhân đưa Tùng 100 triệu đồng. Tùng đã chia cho Tài 20 triệu đồng và dặn nếu anh Nhân có hỏi thì nói phải chi thêm.
Sáng 28-5, anh Nhân hẹn gặp Tùng và Tài đi ăn sáng và tiếp tục trao đổi việc không đăng hình anh trên báo. Lần này, Tùng yêu cầu anh Nhân chi thêm 100 triệu đồng nữa. Sau khi nhận thêm 100 triệu đồng của anh Nhân, Tùng đã nhờ Tài đưa cho cha của Tùng cất giữ.
Tháng 4-2013, sau khi quay được cảnh nhóm cảnh sát trật tự huyện Thống Nhất dừng phương tiện sai quy trình trên quốc lộ 20, Tùng đã gọi điện cho anh Trần Xuân Thanh, cán bộ Đội Cảnh sát trật tự Công an huyện Thống Nhất, hù dọa sẽ đăng báo. Do sợ có những sai sót trong nghiệp vụ, anh Thanh đã hẹn gặp để thương lượng và được Tùng ra giá 150 triệu đồng. Số tiền nhận của anh Thanh, Tùng dùng vào việc trả nợ và đặt cọc mua đất.
* Và “bảo kê” xe quá tải
Ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, Tùng còn nhận “bảo kê” cho hàng chục xe chở hàng quá tải qua địa bàn Đồng Nai khỏi bị lực lượng chức năng xử phạt.
Ngày 10-6-2013, qua sự giới thiệu của một cán bộ công an, Tùng đã nhận “bảo kê” 11 xe tải chuyên vận chuyển thức ăn gia súc của anh Hồ Ngọc Toàn (ngụ TP.Biên Hòa) với giá 1,5 triệu đồng/xe/tháng. Theo đó, mỗi khi tài xế xe chở quá tải bị lực lượng chức năng thổi phạt, tài xế sẽ nói là xe của “Duy Đông”, nếu không được thì gọi cho Tùng giải quyết.
Sau khi nhận “bảo kê” số xe trên, Tùng đã giao cho Tài chịu trách nhiệm nắm biển số xe và báo lại cho Tùng khi xe bị xử lý.
Ngoài 11 xe của anh Toàn, Tùng và Tài còn nhận “bảo kê” cho 3 chủ xe khác, với số xe hàng chục chiếc, trong đó có những chiếc nhận tiền “bảo kê” đến 6 triệu đồng/tháng.
Tổng số tiền Tùng nhận được từ việc bảo kê là hơn 124 triệu đồng.
Nhóm P.V