Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao tranh tụng tại tòa

11:01, 06/01/2014

Cuối tháng 12-2013, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở một số phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị đã đề cập. Tại các phiên tòa này, các bước thủ tục không khác với các phiên tòa trước đó, nhưng công tác tranh tụng đã chú trọng hơn.

Cuối tháng 12-2013, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở một số phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị đã đề cập. Tại các phiên tòa này, các bước thủ tục không khác với các phiên tòa trước đó, nhưng công tác tranh tụng đã chú trọng hơn.

* Thủ tục phiên tòa không đổi

Trực tiếp theo dõi các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, chúng tôi ghi nhận phiên tòa vẫn triển khai các thủ tục như các phiên tòa bình thường. Sau phần công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử, chủ tọa phiên tòa tiến hành thẩm vấn lý lịch bị cáo. Trước khi đi vào nội dung chính của phiên tòa, chủ tọa đề nghị đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng trước khi bắt đầu phần xét hỏi đối với các bị cáo...

Kiểm sát viên tham gia tranh luận tại phiên tòa.
Kiểm sát viên tham gia tranh luận tại phiên tòa.

Nói về các thủ tục này, ông Trần Nam Phương, Chánh văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh, cho biết dù được triển khai theo hướng cải cách tư pháp, nhưng các bước thủ tục của phiên tòa vẫn được thực hiện như trước đây; chủ tọa là người chủ trì các bước thủ tục từ khi khai mạc đến lúc kết thúc phiên tòa. Ông Phương cũng cho biết, thực tế chưa có công văn nào quy định về việc thay đổi thủ tục xét xử. Nhưng theo ông Phương, việc triển khai phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp là nhằm đề cao công tác tranh luận tại phiên tòa.

“Để thực hiện phiên xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, chủ tọa chỉ là người điều hành phiên tòa và để đại diện viện kiểm sát tranh luận với luật sư. Chủ tọa phiên tòa sẽ ít hỏi hơn, mà dành phần lớn thời gian để kiểm sát viên đặt câu hỏi và đối đáp với luật sư. Đối với những vấn đề kiểm sát viên và luật sư chưa làm rõ trong quá trình xét hỏi và tranh luận, chủ tọa phải đặt câu hỏi cho bị cáo và các bên liên quan. Có như vậy, Hội đồng xét xử (HĐXX) mới có căn cứ để đưa ra bản án đúng người, đúng tội” - ông Phương phân tích.

* Nâng cao hoạt động tranh tụng

Một trong những nội dung được đề cập tại phiên tòa xét xử theo hướng cải cách tư pháp là việc đề cao hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.

Theo ông Đặng Thành Hưng, Phó trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự về trật tự xã hội (Phòng 1A) Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, phiên tòa được xét xử theo hướng cải cách tư pháp nhằm tăng cường vai trò của công tố và luật sư, qua đó mở rộng hoạt động tranh tụng giữa các bên, từ xét hỏi đến tranh luận. Các bên tham gia tranh tụng sẽ có vai trò làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, trên cơ sở đó chủ tọa phiên tòa sẽ xem xét để tuyên án. Ông Hưng cũng cho biết, từ trước đến nay, các hoạt động này đã được áp dụng tại các phiên tòa. Nhưng so với trước đây, tại các phiên tòa theo hướng cải cách tư pháp, chủ tọa sẽ không tham gia xét hỏi nhiều, mà chủ động gợi mở các nội dung liên quan để các bên tham gia tranh tụng mổ xẻ vấn đề cần làm rõ.

Theo luật sư Phan Thiên Vượng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đồng Nai, nếu nâng cao tranh tụng tại phiên tòa thì phải giảm phần xét hỏi của HĐXX, thay vào đó các bên tham gia tranh tụng sẽ phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho lập luận của mình. Luật sư Vượng cũng cho biết, thực hiện tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49, các luật sư đã chủ động tích cực tham gia nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa.

Như tại phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Văn Định và Đinh Phi Hải về tội giết người (ngày 25-12-2013), khi luật sư bào chữa cho bị cáo Hải đặt vấn đề: “Trước tòa, bị cáo hứa sẽ bồi thường cho bị hại nên HĐXX có thể xem xét để giảm nhẹ hình phạt?”, thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm để HĐXX xem xét. Sau khi đại diện viện kiểm sát tranh luận: “Việc bị cáo hứa trước tòa là việc làm chưa được thực hiện và có thể làm hoặc không làm, nên không thể xem đó là tình tiết giảm nhẹ”, thì chủ tọa xác định nội dung tranh luận của đại diện viện kiểm sát có cơ sở, nên được chấp nhận.

Theo ông Hưng, việc nâng cao tranh tụng tại tòa, ngoài góp phần làm rõ nội dung vụ án, còn giúp các bị cáo, người dự khán… hiểu được tính chất, mức độ và vai trò của các bị cáo trong vụ án. Qua việc phân tích các tình huống và vụ việc cụ thể, sẽ giúp cho người dân hiểu rõ pháp luật, qua đó nâng cao tính chất răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Danh Trường

 

 

 

 

Tin xem nhiều