Báo Đồng Nai điện tử
En

Vi phạm nồng độ cồn: Cần xử lý mạnh hơn

10:12, 02/12/2013

Những người say rượu, bia lái xe trên đường dễ gây nguy hiểm cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông.

Những người say rượu, bia lái xe trên đường dễ gây nguy hiểm cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông. Do vậy, mức phạt người lái xe say rượu, bia (còn gọi vi phạm nồng độ cồn) rất cao, hơn cả chi phí người vi phạm nồng độ cồn thuê xe về nhà. Thế nhưng, tình trạng người vi phạm nồng độ cồn tham gia giao thông hiện vẫn còn nhiều.

Trên 50% nạn nhân bị tai nạn giao thông điều trị ở Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có nồng độ cồn trong máu khi nhập viện.
Trên 50% nạn nhân bị tai nạn giao thông điều trị ở Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có nồng độ cồn trong máu khi nhập viện.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết có khoảng 3/4 người bị tai nạn giao thông (TNGT) chuyển từ Khoa Cấp cứu của bệnh viện đến (bị thương nặng, chấn thương sọ não) khoa này đều có liên quan đến nồng độ cồn.

* “Dzô… tới bến”

Không biết từ bao giờ, người ta sử dụng câu nói “không say không về” để thể hiện sự nhiệt tình của việc tổ chức, cũng như tham gia các buổi nhậu. Sau các chầu nhậu, nhiều “chiến hữu” gặp nhau vừa có vẻ than thở, vừa có vẻ tự hào cho biết: “Khi tỉnh rượu, không nhớ lúc say rượu chạy xe về nhà bằng cách nào…”. Có người lấy đó làm nỗi sợ hãi để răn mình, nhưng đa số chủ quan cho rằng mình đã nhiều lần say rượu, bia mà còn chạy xe được về nhà, nên họ tiếp tục “Dzô tới bến” khi tham gia các cuộc nhậu. Hậu quả của việc “ma men” cầm lái (người điều khiển xe say rượu, bia) là họ thường chỉ chạy xe theo quán tính, dễ dẫn đến tai nạn.

Ngày 15-10, sau khi nhậu, N.V.C. (30 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ) điều khiển xe máy chở anh L.V.L. chạy trên đường ấp 1, xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ). Do quan sát không kỹ, C. đã điều khiển xe tránh vượt không đúng quy định và đụng vào ô tô đang lưu thông ngược chiều, làm anh L. chết, C. bị thương nặng. Qua kiểm tra cho thấy, C. có mức vi phạm nồng độ cồn khá cao.

Tháng 10-2013, Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm tuyên truyền, xử lý vi phạm nồng độ cồn và đã có trên 400 trường hợp người điều khiển xe máy, ô tô vi phạm bị xử lý. Trong đó, tỷ lệ người đi xe máy vi phạm nồng độ cồn chiếm áp đảo. Có nhiều trường hợp, người đi xe máy có mức độ cồn vượt gấp 5-10 lần nồng độ cho phép (mức cho phép 0,25mg cồn/lít khí thở).

Thiếu tá Trần Trung Thủy, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP.Biên Hòa, cho biết có trường hợp người lái ô tô không kiềm chế được thói quen “nhậu tới bến”, nên dù đã bị phạt mức trên 10 triệu đồng, nhưng vẫn tái phạm. Dù lực lượng CSGT đã tăng cường xử lý nồng độ cồn, nhưng số trường hợp vi phạm bị xử lý chưa thấm vào đâu so với thực tế vi phạm. Thực tế trong đợt cao điểm xử lý vừa qua, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý chiếm chưa đến 1% tổng số trường hợp vi phạm giao thông nói chung. Số trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở TP.Biên Hòa bị phát hiện, xử lý trong đợt cao điểm vừa qua chỉ bằng 50% số lượng tương tự ở huyện Vĩnh Cửu.

* Cần mạnh tay với “ma men” lái xe

Uống rượu, bia là chuyện lễ nghĩa đã ăn sâu vào cuộc sống xã hội. Vấn đề là ngăn chặn người đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông gây nguy hiểm cho lưu thông. Công tác tuyên truyền về “nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông” đã được thực hiện nhiều lần, nhiều đợt, nhưng có lẽ chưa tác động mạnh vào ý thức của dân nhậu.

Thiếu tá Trần Trung Thủy cho biết, xử lý người vi phạm nồng độ cồn không dễ vì người say rượu, bia thường không hợp tác, có khi còn gây gổ, chống đối lực lượng thi hành công vụ…

Mức phạt đối với người lái xe vi phạm nồng độ cồn hiện rất cao, người đi xe máy nếu vi phạm bị phạt từ 200 ngàn đến 3 triệu đồng; người lái ô tô có thể bị phạt từ 3-15 triệu đồng, tùy mức nồng độ cồn đo được trong máu. Nếu lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý mạnh tay hơn nữa thì người đã uống rượu, bia sẽ chọn đi xe thuê để tốn ít tiền hơn là tự lái xe mà bị phạt vì vi phạm nồng độ cồn.

Thực tế, các chủ quán nhậu hiếm khi khuyên khách bớt uống bia, rượu vì lợi nhuận của việc bán thức uống có cồn rất cao; người “chủ xị” thường chiều bạn nhậu “uống thả ga” mới được tiếng là chịu chơi…

Để ngăn chặn tình trạng người say rượu, bia lái xe, lực lượng CSGT cần tăng cường xử lý hơn nữa. Cũng cần trang bị thêm thiết bị đo nồng độ cồn hiện đại (người bị kiểm tra không cần ngậm ống thổi, chỉ cần đọc 10-20 chữ trước đầu máy đo nồng độ cồn) cho lực lượng làm nhiệm vụ để tạo thuận lợi cho người thực hiện kiểm tra và người bị kiểm tra. Hoạt động kiểm tra bằng thiết bị mới này đang được thực hiện có hiệu quả ở Hà Nội.

Hiện đang vào cuối năm, có nhiều dịp ăn nhậu, tiệc tùng mừng lễ, tết, rất mong lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn mạnh tay hơn để góp phần kéo giảm TNGT hơn nữa.

Thanh Toàn

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều