Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuyên truyền an toàn giao thông: Cần đúng đối tượng, đúng trọng tâm

01:12, 16/12/2013

Từ ngày 9 đến 12-12, tại Đồng Nai đã diễn ra hội thi thông tin lưu động tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) của các tỉnh miền Đông Nam bộ và lân cận.

Từ ngày 9 đến 12-12, tại Đồng Nai đã diễn ra hội thi thông tin lưu động tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) của các tỉnh miền Đông Nam bộ và lân cận. Công tác tuyên truyền được xác định rất quan trọng để nâng cao ý thức người tham gia giao thông, nâng cao hiệu quả của việc thông tin lưu động về ATGT góp phần ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) cho xã hội.

Nhiều người xúc động trước nỗi đau do tai nạn giao thông gây ra khi xem tiểu phẩm đoạt giải nhất của Đội thông tin lưu động tỉnh Long An.
Tiểu phẩm "Nỗi đau còn lại" của Đội thông tin lưu động tỉnh Long An đoạt giải nhất hội thi.

Trong 4 buổi thi, các đội thông tin lưu động của các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An và TP.Hồ Chí Minh đã ra sức trình diễn cho người xem các tiết mục ca múa, tiểu phẩm về ATGT. Các tuyên truyền viên, ca sĩ, diễn viên đã có nhiều cố gắng truyền đạt những nội dung về ATGT đến người xem.

* Chưa thu hút người xem

Tại buổi tổng kết hội thi, ban giám khảo nhận định, dù các đội phải thực hiện chương trình dự thi vào thời điểm bận rộn cuối năm, nhưng hội thi đã diễn ra hoành tráng, thu hút được sự chú ý nhất định của công chúng. Qua đây cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tuyên truyền, vận động toàn xã hội chung sức ngăn chặn TNGT.

Trước đó, khi chuẩn bị cho hội thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh lưu ý ban tổ chức ở Đồng Nai phải có gắng thu hút nhiều người dân đến xem, vừa cổ vũ cho hội thi, vừa góp phần tạo tác động của nội dung tuyên truyền ATGT đến rộng rãi công chúng. Nhưng rất tiếc, hội thi lại không được tận dụng sân khấu ngoài trời để thu hút nhiều người xem tạo sức lan tỏa. Các buổi thi tài đều diễn ra bên trong hội trường trung tâm, nên người xem rất “lèo tèo”, chủ yếu là cán bộ, diễn viên của các đoàn tham gia buổi diễn và ban giám khảo.

Trao đổi với phóng viên, đại diện các đội thi đều xác nhận thời gian chuẩn bị cho hội thi quá gấp rút. Có lẽ vì lý do này mà có vài đoàn ở miền Đông Nam bộ không tham gia hội thi. Cũng vì thời gian gấp rút, các đội tham gia đã lấy nội dung có sẵn từ trước để diễn trong hội thi, nên đã đưa thông tin tuyên truyền đến công chúng chưa đạt hiệu quả cao, như lời nhận định của ban giám khảo tại buổi tổng kết.

Ông Lê Hữu Cảnh, Trưởng ban giám khảo hội thi nhận định: “Tiết mục tiểu phẩm ATGT được khống chế từ 20-25 phút nhằm để các đội tập trung vào chủ đề. Nhưng một số đội, phần nội dung biễu diễn quá ôm đồm, thể hiện nhiều vấn đề, nên không nêu bật được vấn đề trọng tâm cần truyền đạt đến người xem. Có đội còn nêu nội dung các chỉ thị, nghị quyết về ATGT mang tính chỉ đạo chung của địa phương, trong khi người xem cần được biết phải hành động cụ thể gì lúc đi đường để bảo đảm an toàn cho mình và cho mọi người. Có tiểu phẩm nêu lên nỗi đau do TNGT gây ra, nhưng không nêu được mọi người phải hành động gì để giảm những nỗi đau đó…

* Cần bám sát thực tế

Một số khán giả xem qua hội thi cho biết, đa số các bài hát tham gia hội thi rất “khó nghe” vì nội dung hô khẩu hiệu nhiều, mà nếu thế thì chỉ cần xem các băng rôn, pa-nô tuyên truyền đã đủ. Có bài hát lặp đi lặp lại câu “an toàn giao thông” liên tục với giai điệu “ngang ngang” làm người nghe ngán ngẩm.

Nhiều người xúc động trước nỗi đau do tai nạn giao thông gây ra khi xem tiểu phẩm đoạt giải nhất của Đội thông tin lưu động tỉnh Long An.
Nhiều người xúc động trước nỗi đau do tai nạn giao thông gây ra khi xem tiểu phẩm đoạt giải nhất của Đội thông tin lưu động tỉnh Long An.

Ban giám khảo nhận định một số tiết mục hát có múa minh họa với nhiều diễn viên cầm nhiều biển báo giao thông, khẩu hiệu ATGT làm cho sân khấu thêm lộn xộn, có trường hợp lại đưa lộn ngược biển báo giao thông, gây phản tác dụng tuyên truyền. Chính vì vậy, ban giám khảo đã đề nghị Bộ Thông tin - truyền thông và Ủy ban ATGT quốc gia cần tổ chức bồi dưỡng cho biên tập viên các chương trình tuyên truyền lưu động về ATGT. Những lớp bồi dưỡng này ngoài truyền đạt về kiến thức sân khấu, còn tập huấn về kiến thức ATGT, những vấn đề cần tuyên truyền về ATGT. Các tác phẩm đạt yêu cầu tuyên truyền về ATGT cần được sao chép, cung cấp để tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến thật rộng rãi.

Nhiều ý kiến cho rằng các nhà biên kịch, sáng tác các tác phẩm tuyên truyền giao thông cần tham khảo thêm ý kiến của lực lượng xử lý vi phạm giao thông, xử lý tai nạn giao thông… để có thêm “chất liệu” thực tế. Qua đó, họ sẽ có những tác phẩm tuyên truyền về ATGT thể hiện được thực tế, đúng tâm lý người tham gia giao thông, nhằm đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất, tạo được tác động từ tâm lý, dẫn đến hành động đúng khi tham gia giao thông. Như thế sẽ phát huy tác dụng nâng cao ý thức người tham gia giao thông, góp phần kéo giảm TNGT, là mục tiêu của toàn xã hội đang quan tâm thực hiện.

Thanh Toàn

 

 

 

 

 

         

 

 

 

 

Tin xem nhiều