Báo Đồng Nai điện tử
En

Một phút nóng giận

11:12, 01/12/2013

Chỉ vì không kiềm chế được sự nóng giận bộc phát, T.S. (29 tuổi, nguyên giáo viên một trường THPT ở Biên Hòa) không chỉ đánh mất hình ảnh tốt đẹp của người thầy trong mắt học trò, mà còn vướng vào vòng tù tội.

Chỉ vì không kiềm chế được sự nóng giận bộc phát, T.S. (29 tuổi, nguyên giáo viên một trường THPT ở Biên Hòa) không chỉ đánh mất hình ảnh tốt đẹp của người thầy trong mắt học trò, mà còn vướng vào vòng tù tội.

Ngày 7-1, S. đang giảng bài trong lớp, thì thấy hai học sinh A.H. và T.T. nói chuyện riêng. Dù nhiều lần được thầy giáo nhắc nhở giữ yên lặng, nhưng H. vẫn nói chuyện. Thấy học sinh không nghe lời, trong phút nóng giận, S. đã cầm chiếc điện thoại di động ném về phía em H. Cú ném đã làm mắt trái em H. bị chảy máu, tổn hại 41% sức khỏe.

* Mất niềm tin

Nắm chặt hai tay, bị cáo S. kể lại đầu đuôi câu chuyện ngày hôm ấy và tỏ lòng hối hận: “Vì một phút nóng giận mà người ta có thể mất tất cả, từ tuổi trẻ đến gia đình, tương lai... Bị cáo đã không tránh khỏi sai lầm ấy và cảm thấy hổ thẹn với gia đình, đồng nghiệp và các học sinh. Bị cáo cũng chẳng dối gian lời nào, tự thấy hành động của mình thật đáng trách”.

Có mặt tại phiên tòa xét xử bị cáo S., cha của H. thể hiện sự không đồng tình với mức án đề nghị của Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa. “Đạo đức người thầy không cho phép làm như vậy. Học sinh ai cũng nghịch ngợm, giáo viên là người uốn nắn, chỉ dạy từng cái sai để các em vào khuôn phép. Đừng làm chúng tôi mất niềm tin vào các anh. Mức án 3 năm 6 tháng hay 4 năm tù quá nhẹ so với sự tổn thương của con tôi, cũng như việc H. phải gián đoạn việc học, ảnh hưởng đến tương lai của cháu” - cha H. bức xúc nói.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng dành nhiều thời gian phân tích cho phía gia đình bị hại hiểu. Sau khi sự việc xảy ra, nhìn học sinh choáng váng, bị cáo đã đưa em H. vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, sợ ảnh hưởng đến đôi mắt của em, bệnh viện chuyển lên tuyến trên để điều trị thương tích. Dù sai nhưng bị cáo đã tỉnh táo và theo sát em từ lúc ở trường đến lúc nhập viện.

Không khí khán phòng trở nên căng thẳng khi HĐXX chuẩn bị tuyên án. Phía ngoài hành lang, đứa con chưa tròn một tuổi của bị cáo S. vẫn ngủ ngon trong lòng người mẹ trẻ.

Xét việc bị cáo đã ăn năn hối cải sau khi gây án, nhân thân tốt và có một số tình tiết giảm nhẹ khác, tòa tuyên phạt S. 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

* Nhớ nghề dạy học…

Trong thời gian chờ các chiến sĩ công an đưa lên xe về trại giam, bị cáo S. được ôm hôn con trong phút chốc. Gia đình, đồng nghiệp và cả học trò cũ đều tề tựu đông đủ, khiến S. cảm động muốn nán lại thật lâu để được tâm sự, trò chuyện.

Những ngày đầu ở trại giam, tinh thần S. suy sụp và bi quan; thêm vào đó là nỗi nhớ người thân lúc nào cũng bao trùm lên mọi ý nghĩ. Bởi từ nhỏ đến khi đứng trên bục giảng, S. luôn là người hiền lành, hòa đồng với mọi người. Đến lúc không được kề cận với học trò, S. lại thèm cảm giác được cầm viên phấn trắng, cầm sách giảng bài. Trong thời gian bị tạm giam, với kinh nghiệm của một giáo viên, S. tình nguyện kèm cặp cho các phạm nhân không biết chữ. Những lúc ấy, S. cảm thấy cuộc sống như đang quay về với những ngày thường, lúc còn đứng trên bục giảng. Được làm những điều ấy, thời gian sẽ qua mau, đường về ngày một gần hơn.

Gặp lại cô giáo cũ, S. rưng rưng nước mắt nói: “Em sợ mọi người bỏ em, các cô và học sinh không tha thứ cho em. Sự xuất hiện của cô ngày hôm nay là động lực giúp em cải tạo tốt để quên đi nỗi nhớ nghề”.

Nhìn học trò cũng là đồng nghiệp cũ bằng ánh mắt trìu mến, người giáo già khuyên bảo: “Ai cũng có lầm lỡ trong đời. Đừng quay nhìn lại nữa, dằn vặt chỉ làm mình nản ý chí. Hãy tự hứa với lòng, từ nay em sẽ đủ tỉnh táo trong từng phút từng giây. Chúc em sớm trở về…”.

Võ Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều