Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện chị em bà Mạy đòi đất

10:10, 29/10/2013

Buổi làm việc sáng đã quá 20 phút, nhưng Trưởng chi nhánh Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước huyện Trảng Bom Võ Quang Tự vẫn ngồi nán lại để nghe người đàn bà khắc khổ Trần Thị Mạy (ngụ ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) trình bày hết câu chuyện.

Ông Võ Quang Tự tiếp tục giúp bà Trần Thị Mạy củng cố chứng cứ cho lần xét xử sắp tới.
Ông Võ Quang Tự tiếp tục giúp bà Trần Thị Mạy củng cố chứng cứ cho lần xét xử sắp tới.

Buổi làm việc sáng đã quá 20 phút, nhưng Trưởng chi nhánh Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước huyện Trảng Bom Võ Quang Tự vẫn ngồi nán lại để nghe người đàn bà khắc khổ Trần Thị Mạy (ngụ ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) trình bày hết câu chuyện.

* Song hành với bà Mạy

Bà Mạy kể, cha mẹ để lại cho hai chị em bà một khu đất có diện tích trên 600m2, nhưng không có di chúc. Sau khi cha mẹ chết, chị em bà tiếp tục quản lý, sử dụng thửa đất và căn nhà gỗ lợp tôn cất trên thửa đất đến nay. “Vậy mà năm 2007, vợ chồng người em họ của tôi là ông T. và bà D. tự đứng ra đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và đã được cơ quan chức năng cấp sổ đỏ. Có được sổ đỏ trong tay, vợ chồng người em họ dọa đuổi chị em tôi ra khỏi nhà” - bà Mạy nước mắt ngắn dài tóm tắt sự việc.

Sau một hồi lắng nghe bà Mạy trình bày uất ức trong lòng, ông Tự hỏi bà có chứng cứ, tài liệu liên quan đến việc sử dụng hợp pháp khu đất, thì bà lắc đầu lia lịa nói: “Chứng cứ là chị em tôi vẫn đang ở trên khu đất và chính quyền, bà con trong xóm luôn làm chứng cho lời nói của tôi”. Nhìn cặp mắt ngấn lệ của người đàn bà khắc khổ ánh lên nỗi oan ức, ông Tự đã nhận lời giúp đỡ. Tuy vậy, trong thâm tâm ông vẫn nửa tin nửa ngờ, vì bà Mạy không cung cấp một chứng cứ nào giá trị hơn lời kể.

Từ ngày khu đất cha mẹ để lại bị vợ chồng người em họ tranh chấp, chị em bà Trần Thị Mạy luôn sống trong cảnh bất an. “Vì gia đình người em họ thường sang quấy rầy, nên chị em tôi sợ lắm” - bà Mạy rớm lệ nói.

Để giúp bà Mạy, ông Tự không ít lần về địa phương xác minh thông tin, tìm nhân chứng. Những lần như vậy, ông càng có động lực hơn khi hiểu rõ tình cảnh khốn khó của chị em bà Mạy một khi bị đuổi ra khỏi nơi ở nếu thua kiện. “Chị em bà Mạy thuộc diện hộ nghèo nhất xóm. Từ ngày cha mẹ mất, họ sống dựa vào nhau bằng việc mò cua, bắt ốc, lượm ve chai. Thương tình cảnh của chị em bà Mạy, chính quyền và hàng xóm đã mở lòng cưu mang từ bao gạo, viên thuốc. Khi hay tin bà Mạy đi kiện đòi đất, bà con lối xóm và chính quyền rất ủng hộ bà trong quá trình xác nhận sự việc. Vì vậy, tôi có niềm tin rất lớn với sự việc bà kể” - ông Tự tâm sự.

* Chân lý hé mở

Gần 2 năm cùng bà Mạy theo đuổi vụ kiện, ông Tự thở phào nhẹ nhõm khi Tòa án nhân dân (TAND) huyện Trảng Bom đưa vụ việc ra xét xử (ngày 30-8) và tuyên phần thắng cho chị em bà. Trong lúc ông Tự hướng dẫn chị em bà Mạy xử lý “hậu” bản án sao cho “thuận lý, hợp tình”, thì vợ chồng ông T. kháng cáo; Viện Kiểm sát nhân dân huyện cũng kháng nghị bản án. Ngày 30-9, TAND tỉnh đã ra phán quyết hủy bản án sơ thẩm vì bản án vi phạm thủ tục tố tụng (nhưng không ảnh hưởng đến nội dung bản án).

Trao đổi với chúng tôi, ông Tự cho rằng, dựa vào các quy định của pháp luật có liên quan và những chứng cứ đã thu thập được, chị em bà Mạy có căn cứ để thắng kiện. Tuy không được cha mẹ để lại di chúc, nhưng thực tế khu đất trên được cha mẹ và hai chị em bà Mạy quản lý, canh tác ổn định, liên tục và không có tranh chấp từ năm 1975 đến năm 2007 (thời điểm vợ chồng ông T. đi đăng ký làm sổ đỏ). “Dù vợ chồng ông T. được cấp sổ đỏ mảnh đất, nhưng họ không chứng minh được việc làm chủ sử dụng hợp pháp khu đất từ đâu, như: do cha mẹ bà Mạy cho tặng, mua từ một ai khác, hoặc do khai phá. Hơn nữa, họ không phải là người đang sử dụng ổn định thửa đất đó như quy định của Luật Đất đai…” - ông Tự phân tích.

Ông Võ Quang Tự, Trưởng chi nhánh Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước huyện Trảng Bom, cho biết từ đầu năm đến nay, chi nhánh đã nhận trợ giúp pháp lý miễn phí cho 37 người nghèo, đồng bào dân tộc, người tàn tật, người già… Chi nhánh còn phối hợp với các đơn vị khác tổ chức được trên 15 đợt tuyên truyền, phổ biến, pháp luật, thu hút gần 2 ngàn lượt người tham dự. “Cái khó của chi nhánh là làm sao để các đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí biết và đến chi nhánh nhiều hơn. Có như vậy, bản thân họ mới không bị thua thiệt, hoặc tốn kém một khoản kinh tế trong quá trình tìm chân lý cho mình” - ông Tự nhấn mạnh.

Dẫn chúng tôi đi quanh khu đất của gia đình, nhưng trồng cây gì cũng bị vợ chồng người em họ nhổ phá, bà Mạy bức xúc nói: “Chị em tôi già yếu, bệnh tật nên cuộc sống hàng ngày đều trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền, lối xóm. Vậy mà, vợ chồng chú ấy không thông hiểu, luôn tìm cách ngăn cản chị em tôi trồng cây rau, cây bí để bán và kiên quyết đuổi chúng tôi ra khỏi nhà. Vì lẽ đó, chị em tôi mới đi kiện để tìm lẽ phải, chứ không muốn làm đứt tình chị em”.

Dù vụ việc phải chờ TAND huyện Trảng Bom phán quyết đúng sai, nhưng chị em bà Mạy vẫn vững tin khi hoàn cảnh của bà được mọi người thấu hiểu, chia sẻ. “Hay tin chị em tôi thắng kiện tại tòa sơ thẩm, bà con kéo đến nhà chúc mừng rất nhiều. Tôi rất cảm ơn Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và chú Tự đã tận tình hướng dẫn, trợ giúp chị em tôi. Nhất là chú ấy còn nhắc nhở chúng tôi, dù thắng kiện cũng phải xử sự đúng mực, không nên “cạn tàu ráo máng” với người trong nhà” - bà Mạy tâm sự.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều